Các "ông lớn" với hàng loạt vi phạm
Tính đến thời điểm này, Hà Nội có gần 300 dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Trong đó có 60 dự án chậm đưa đất vào sử dụng đề nghị gia hạn 24 tháng; 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng; 20 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; 76 dự án có các vi phạm khác; 39 dự án dừng thanh tra (do các cơ quan khác thanh tra hoặc dự án chưa được phê duyệt, chưa được giao đất...); 17 dự án kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định của pháp luật; 16 dự án phát sinh sau thời điểm giám sát của HĐND thành phố năm 2018 đến tháng 3/2021, hiện đang triển khai nhưng chậm tiến độ so với tiến độ được duyệt.
Có thể nói, thời gian qua, các cấp chính quyền TP. Hà Nội đã vào cuộc “mạnh tay” để xử lý việc các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn rất nhiều những tồn tại chưa được xử lý dứt điểm, nhiều dự án vẫn “ôm đất” hàng chục năm mà không triển khai hoặc triển khai xây dựng ì ạch.
Trong đó, nhiều dự án của các “ông lớn” như Tập đoàn Nam Cường, Vietracimex (nay là WTO), Lũng Lô 5… cũng “ôm đất” nhiều năm, nhưng chưa hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng.
Điển hình, dự án Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch của Tổng Công ty Cổ phần Thương mại xây dựng (Vietracimex, nay là WTO). Theo quyết định của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 vào năm 2007, dự án Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch (tên thương mại hiện nay là Hinode Royal Park) có quy mô 176,05ha. Thời điểm năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã thu hồi và giao cho diện tích 138,1ha đất để thực hiện đầu tư dự án.
Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai đầu tư xây dựng dự án, tính đến tháng 7/2018, hiện trạng khảo sát thực địa tại dự án Hinode Royal Park cho thấy, có một số dãy biệt thự, liền kề trong khu đô thị bỏ trống chưa hoàn thiện, phần lớn diện tích để hoang hóa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đầu tư.
Trước thực trạng này, HĐND TP. Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án theo quy định. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức trước đó, dự án này không bị chậm tiến độ, đồng thời cũng nằm ngoài danh sách các dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đến ngày 5/9/2018, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu Sở Tài Nguyên và Môi trường lập đoàn thanh tra tiến hành thanh tra, kiểm tra 21 dự án trên địa bàn 7 quận, huyện trong đó có dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch, sau này chủ đầu tư lấy tên thương mại là Hinode Royal Park.
Mặc dù dự án nằm “án binh bất động” nhiều năm, ngày 26/6/2020, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ở thời điểm đó là ông Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Quyết định số 2761/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Lúc này, thời gian thực hiện dự án được “nới” từ quý II/2007 đến quý IV/2027. Rõ ràng, việc kéo dài thời gian triển khai dự án khiến bộ mặt đô thị nơi đây vẫn chưa thể hoàn chỉnh, tiếp tục kéo dài thời gian dự án "nằm im".
Hiện Hinode Royal Park đang triển khai xây dựng các hạng mục công trình.
Một trong những tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản là Tập đoàn Nam Cường cũng “góp mặt” với hàng loạt dự án chậm triển khai như: Chậm giải phóng mặt bằng dự án Khu đô thị Chương Mỹ; chậm giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông, khớp nối hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Cổ Nhuế… Trong đó, nổi cộm nhất là dự án Khu đô thị mới Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội) khởi công xây dựng từ năm 2008 trên quỹ đất đối ứng của một dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng), nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành nhiều hạng mục xây dựng.
Theo giới thiệu của chủ đầu tư, Khu đô thị mới Dương Nội được phát triển đồng bộ với hệ sinh thái các tiện ích, dịch vụ, các loại hình bất động sản đa dạng: Hệ thống biệt thự, các tòa chung cư, văn phòng, bệnh viện, khách sạn, trường học, trung tâm thương mại, khu mua sắm shop villas, hồ điều hòa, công viên...
Theo kế hoạch, Khu đô thị mới Dương Nội sẽ hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2015, nhưng đến nay cũng chỉ mới triển khai một phần. Trong đó, lô đất xây khách sạn, văn phòng và nhà ở (thuộc quy hoạch phân khu S4, trong dự án Khu đô thị mới Dương Nội) có vị trí đắc địa tiếp giáp tuyến đường Tố Hữu vẫn đang để cỏ mọc hoang dại và gây mất mỹ quan đô thị.
Bức xúc trước kiểu thi công “rùa bò” trên, nhiều hộ dân sinh sống trong Khu đô thị mới Dương Nội mấy năm qua đã liên tục kêu cứu chính quyền TP. Hà Nội. Theo tìm hiểu, ngày 4/9/2018, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận gia hạn tiến độ hoàn thành dự án Khu đô thị mới Dương Nội, chậm nhất đến quý IV/2020.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, dự án này vẫn chưa thể hoàn thành các hạng mục thuộc dự án và đưa vào sử dụng. Không biết đến nay, các ban ngành TP. Hà Nội đã kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai dự án của Tập đoàn Nam Cường và có hướng xử lý như thế nào?
Kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đất đai
Mới đây, HĐND TP. Hà Nội cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân, trách nhiệm các sở ngành liên quan đến những dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đất đai... Đơn cử, việc chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra thực hiện Nghị quyết và kết quả giám sát và các kiến nghị giảm sát của HĐND TP… chưa được chính quyền các cấp, các sở ngành triển khai thực sự quyết liệt và thường xuyên.
Trong Khu đô thị mới Dương Nội, nhiều diện tích để hoang hóa, cỏ mọc um tùm...
Một số cơ quan tham mưu UBND TP như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa kịp thời trong xử lý vi phạm của các nhà đầu tư được Nhà nước chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Việc phân công, phân cấp thẩm quyền để xử lý dứt điểm các vi phạm giữa các cấp, các ngành của TP còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, việc quản lý, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ đã được phê duyệt còn thiếu chủ động. Việc hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết để phù hợp với quy hoạch phân khu còn chậm và chưa quyết liệt.
Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng chủ đầu tư lợi dụng việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch nhằm kéo dài thời gian triển khai thủ tục của dự án. Việc phối hợp của các sở, ngành để tham mưu với UBND TP giải quyết thủ tục đối với các dự án ngoài ngân sách còn chậm trễ, kéo dài.
Việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành đã được tăng cường song chỉ mang tính thời điểm, chưa xuyên suốt, do đó số liệu thống kê còn chưa thống nhất, chưa quy định trách nhiệm cụ thể từng ngành, cấp trong việc phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra... Công tác giám sát và đánh giá đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và chuyên ngành của các cơ quan quản lý nhà nước TP đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách còn chưa được coi trọng.
Nhiều diện tích trong Khu đô thị mới Dương Nội vẫn còn để trống, chưa tiến hành xây dựng các hạng mục công trình.
Nhiều chủ đầu tư dự án không chấp hành pháp luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư và vẫn còn tình trạng cố ý sử dụng đất đai sai mục đích hoặc cố tình chây ỳ triển khai dự án chậm tiến độ, đề xuất điều chỉnh gia hạn dự án nhiều lần. Một số chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Cá biệt một số trường hợp cố tình né tránh, không hợp tác, không phối hợp với các cơ quan nhà nước theo yêu cầu đoàn giám sát. Có dự án chính quyền địa phương không liên hệ được với nhà đầu tư,…
Liên quan đến vấn đề này, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành chức năng thường xuyên rà soát, kiểm tra hàng năm các dự án đầu tư có sử dụng đất, các quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật thì triển khai các đoàn liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý để kết luận chặt chẽ, đúng quy trình, quy định pháp luật đối với từng dự án.
Các dự án chậm triển khai đã thanh tra, kiểm tra và có kết luận, UBND TP đã chỉ đạo xử lý, nhưng chủ đầu tư không khắc phục, chưa đưa đất vào sử dụng hoặc các tổ chức, cá nhân vi phạm nhưng chây ỳ, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm, thì kiên quyết lập hồ sơ chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Theo GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, trên thực tế, sau thời gian 24 tháng, không ít chủ đầu tư vẫn “ôm” đất nhiều năm tiếp theo dù không triển khai bất cứ hạng mục nào.
"Không thể vì dự án đã hình thành tài sản trên đất hay dự án đã sang tên đổi chủ mà trì hoãn việc xử lý các dự án, quỹ đất vi phạm, cũng không nên vì lo ngại thị trường bất động sản chịu tín hiệu xấu khi một số doanh nghiệp lớn có dấu hiệu vi phạm mà trì hoãn. Có như vậy, thị trường mới minh bạch, môi trường đầu tư mới công bằng", ông Võ nhấn mạnh.
Để ngăn chặn tình trạng này, vị chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc kiên quyết thu hồi, cần có chế tài xử phạt các chủ đầu tư “chây ì”. Ông Võ cho biết thêm, để xảy ra việc này có nhiều nguyên nhân nhưng đầu tiên phải nhắc đến việc lựa chọn nhà đầu tư không bảo đảm yêu cầu. Theo đó, có tình trạng chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nhưng cố “lách” vào để có đất, sau đó không triển khai dự án mà chuyển nhượng lại.
Có lẽ, đã đến lúc UBND TP. Hà Nội và các cơ quan quản lý Nhà nước cần xử lý mạnh tay hơn, cũng như xem xét lại năng lực của chủ đầu tư. Nếu cần thiết, nên thu hồi dự án nhằm tránh tình trạng lãng phí “đất vàng”, gây bức xúc cho dư luận.