EU cấm vận dầu, kinh tế Nga lao đao, chiến dịch 'xoay trục' sang phương Đông của Moscow hứa hẹn gì?

Lệnh cấm vận dầu mỏ là một trong những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất của phương Tây đối với Nga liên quan tới chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine. Biện pháp này sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế Nga?

Theo đề xuất, tất cả các nước EU, ngoại trừ những quốc gia được miễn trừ tạm thời, phải ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga trong vòng 6 tháng. (Nguồn: AFP)

Điều gì đang xảy ra?

Bài viết trên The Bell ngày 9/5 nhận định, tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) không thể ký lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga, nhưng đề xuất gần như đã được thực hiện. Chi tiết nổi bật duy nhất được quan tâm là Hungary, Slovakia và Czech sẽ được phép trì hoãn việc thực hiện lệnh cấm vận trong bao lâu.

Theo đó, ngày 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất dự thảo gói trừng phạt, bao gồm lệnh cấm hoàn toàn việc mua dầu của Nga và các sản phẩm liên quan đến dầu vào cuối năm 2022. Có vẻ như điều này đã được hầu hết các nước EU đồng ý về nguyên tắc.

Ngày 6/5, các quốc gia EU phụ thuộc nhiều nhất vào dầu của Nga đàm phán nhằm trì hoãn việc thực hiện lệnh cấm, nhưng các nguyên tắc cơ bản của kế hoạch không thay đổi.

Đề xuất nêu rõ, tất cả các nước EU, ngoại trừ những quốc gia được miễn trừ tạm thời, phải ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga trong vòng 6 tháng. Trong vòng 8 tháng, phải ngừng nhập khẩu tất cả các sản phẩm dầu khác của Nga. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực hoàn toàn trước cuối năm nay.

Từ tháng 8, các công ty vận tải biển châu Âu sẽ bị cấm vận chuyển dầu của Nga và các công ty bảo hiểm sẽ không thể đảm bảo cho những chuyến đi như vậy.

Bảo hiểm cho 95% lưu lượng tàu chở dầu trên thế giới do Nhóm các Câu lạc bộ P&I quốc tế thực hiện. Lệnh cấm hàng hải ban đầu được lên kế hoạch triển khai vào tháng 6, nhưng theo yêu cầu từ Hy Lạp, Malta và Ship, thời hạn được lùi lại thêm hai tháng. Các công ty tàu chở dầu lớn nhất của châu Âu ra khơi dưới cờ Hy Lạp, Malta và Ship.

Ba quốc gia Hungary, Slovakia và Czech được trì hoãn thực hiện lệnh cấm vận dầu mỏ đến năm 2024. Đối với Czech, thời hạn cuối cùng có thể được lùi lại đến tháng 6/2024 nếu nguồn cung dầu thay thế không thể được đảm bảo sớm hơn.

Cả ba nước trên, hiện đang mua dầu thô qua đường ống Druzhba của Nga, hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào dầu từ Moscow: Hungary nhận 58%, Czech 86% và Slovakia 96%.

Ủy ban châu Âu muốn công bố văn bản cuối cùng về lệnh cấm vận dầu mỏ vào ngày 6/5 nhưng không thể hoàn thành. Các lệnh trừng phạt của EU phải được tất cả 27 thành viên trong khối thông qua.

Ngày 6/5, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố, bất kỳ lệnh cấm vận nào cũng sẽ là “quả bom hạt nhân” đối với nền kinh tế Hungary.

Nhà lãnh đạo này yêu cầu được hoãn thực hiện lệnh cấm 5 năm và cảnh báo rằng ông sẽ không ủng hộ vòng trừng phạt thứ 6 cho đến khi các yêu cầu của Budapest được đáp ứng. Dầu vậy, ông không đe dọa sẽ phủ quyết các đề xuất.

Lệnh cấm vận ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Nga?

Các nước EU chiếm hơn một nửa xuất khẩu dầu của Nga. Vào tháng 1, con số này là 54,5% - tương đương 2,29 triệu thùng trong tổng xuất khẩu 4,2 triệu thùng/ngày của Nga.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, dầu của Nga chiếm gần 40% tổng lượng dầu nhập khẩu của các nước EU. Các quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nhập khẩu dầu của Nga là Phần Lan (65%), Ba Lan (55%) và Lithuania (46%).

Kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các công ty phương Tây đã từ chối mua dầu của Nga. Tuy nhiên, theo công ty phân tích Rystad Energy, việc này chỉ làm giảm nhập khẩu của châu Âu 12% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4.

Theo Bjornar Tonhaugen, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường dầu mỏ của Rystad Energy: “Đã có nghi ngờ rằng EU có thể thành công trong các kế hoạch cấm vận mới này… Ngay cả khi lệnh cấm vận có hiệu lực, dầu thô của Nga vẫn có thể được nhập vào châu Âu, chẳng hạn như bằng cách trộn dầu của nước này với các loại dầu khác”.

Tuy nhiên, chỉ cần lệnh cấm vận trên được thực hiện một phần cũng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với Nga.

Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, sản lượng dầu có thể giảm 17% vào cuối năm 2022, xuống còn 9,5 triệu thùng/ngày.

Ông Viktor Katona, một nhà phân tích dầu tại Kpler cho rằng, Nga sẽ giảm 10% sản lượng khai thác dầu trong trường hợp EU cấm vận (kể cả mức giảm 10% trong khoảng thời gian từ tháng 2-4).

Nhưng theo The Bell, tác động có thể nghiêm trọng hơn nhiều, với sản lượng dầu của Nga giảm tới 3 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 30% vào cuối năm nay.

Nga có thể “xoay trục sang phương Đông”?

Tác động của việc mất thị trường EU phụ thuộc vào việc Nga có thể chuyển hướng xuất khẩu dầu sang Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á nhanh như thế nào.

Theo FT, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã tăng cường đơn đặt hàng từ Nga, được khuyến khích bởi các khoản chiết khấu lớn. Tuy nhiên, các nhà kinh doanh hàng hóa tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lo ngại các lệnh trừng phạt của phương Tây và ngày càng tỏ ra thận trọng.

Theo nhà phân tích Tonhaugen, Nga sẽ cố gắng bán càng nhiều dầu càng tốt đến châu Á. Mặc dù vậy, đường ống dẫn dầu chính nối Trung Quốc, Đông Siberia và Thái Bình Dương chỉ có công suất dự phòng 300.000 thùng/ngày. Ngoài ra, khoảng 200.000 thùng có thể được gửi bằng đường sắt mỗi ngày.

Điều đó có nghĩa là tổng công suất vận chuyển chỉ đạt 500.000 thùng/ngày, xấp xỉ 1/6 lượng xuất khẩu sang châu Âu.

Ông Tonhaugen cho biết thêm, khối lượng bổ sung có thể được vận chuyển bằng đường biển, nhưng điều đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc các tàu chở dầu có sẵn sàng chở dầu thô của Nga hay không khi họ đối mặt với các lệnh trừng phạt.

Một vấn đề nghiêm trọng khác là việc thiếu công nghệ tại Nga. Do các lệnh trừng phạt, nhiều nhà thầu quốc tế không còn làm việc tại Nga, khiến việc triển khai các dự án phức tạp về công nghệ trở nên khó khăn hơn.

Nếu Nga xoay chuyển thành công hoạt động xuất khẩu dầu sang châu Á, thì không những cần thời gian mà còn phải đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng. Theo nhà phân tích Darya Melnik của Rystad Energy, điều này có nghĩa là ít nhất trong trung hạn, năng suất khai thác của Nga sẽ giảm mạnh.

Sau các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, giá dầu không ngừng tăng. (Nguồn: Getty)

Nền tài chính Nga bị ảnh hưởng như thế nào?

Theo số liệu thống kê, năm 2021, các sản phẩm năng lượng của Nga chiếm 42% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, riêng xuất khẩu dầu và khí đốt chiếm 36%.

Tuy nhiên, như một điều hiển nhiên, sau các lệnh trừng phạt của EU, giá dầu không ngừng gia tăng. Và, theo Rystad Energy, ngay cả khi năng suất giảm mạnh, doanh thu thuế từ ngành dầu khí Nga sẽ tăng đáng kể trong năm nay, đạt 180 tỷ USD, tăng 45% so với năm ngoái và tăng 181% so với năm 2020.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, tháng 4 vừa qua, doanh thu từ dầu khí của Nga giảm 133 tỷ Ruble (2 tỷ USD) so với dự kiến.

Theo The Bell, loại bỏ toàn bộ dầu của Nga khỏi thị trường châu Âu sẽ đẩy giá dầu lên 150 USD/thùng, giá trung bình cho dầu thô Brent ở mức 120-130 USD/thùng.

Cũng theo tính toán, tổng giá trị xuất khẩu dầu của Nga sẽ không giảm trong năm 2022 so với năm trước, nhưng có khả năng sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn vào năm 2023.

Các tập đoàn thuộc Nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có khả năng kiềm chế mức tăng giá bằng cách tăng sản lượng, và có thể khiến Nga rơi vào tình thế khó khăn. Tuy nhiên, bất chấp áp lực của Mỹ, OPEC cho đến nay vẫn từ chối tăng sản lượng.

Theo The Bell, OPEC sẽ không muốn các thành viên chủ chốt ủng hộ phương Tây chống lại Nga, nhưng họ sẽ phải cân bằng để giữ ổn định thị trường.

Bởi vậy, nếu có sự thiếu hụt đáng kể trên thị trường, OPEC có thể sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng sản lượng. Hơn nữa, nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Iran được nới lỏng, Tehran có thể bắt đầu tăng sản lượng khai thác dầu.

Hiện tại, không dễ khi đánh giá một cách rõ ràng tác động từ các lệnh cấm vận của EU đối với nền kinh tế Nga. Nhưng nếu Moscow hoàn toàn mất thị trường châu Âu và không thể tìm được người mua thay thế ở châu Á, ngân sách nước này có thể giảm 1/4 tính theo USD.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nền kinh tế Nga có thể chịu được tác động của bất kỳ lệnh cấm vận nào, do giá dầu tăng có thể bù đắp phần thiếu hụt.