EU tăng cường kết nối toàn cầu

Thụy Điển vừa chính thức đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) kéo dài trong 6 tháng. Đây cũng là thời điểm các quốc gia thành viên nói riêng và Liên minh châu Âu nói chung hướng đến kế hoạch tăng cường kết nối, củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu.

san-xuat-oto-1672731474.jpg Một nhà máy sản xuất ô tô tại Thụy Điển

Tăng quyền tự chủ

Với Thụy Điển, việc tiếp nhận “ghế nóng” từ CH Czech, quốc gia được đánh giá khá thành công về khả năng điều phối trong thời gian đảm nhận chức chủ tịch luân phiên EU 6 tháng cuối năm 2022, là một lợi thế. Kết quả tích cực của CH Czech và trước đó là Pháp, qua việc tăng cường sự hiện diện của EU với tư cách là một tổ chức có chủ quyền trên trường quốc tế, được coi là “bàn đạp” giúp Thụy Điển tiếp tục thực hiện lộ trình do chính nhóm bộ ba này soạn thảo cũng như hoàn thành chương trình nghị sự 18 tháng chủ trì và điều hành các cuộc họp trong hội đồng của Pháp, CH Czech và Thụy Điển.

Chương trình nghị sự của Stockholm trong nhiệm kỳ 6 tháng đầu năm 2023 cũng được coi là tham vọng khi đặt mục tiêu “Một châu Âu xanh hơn, an toàn hơn và tự do hơn” làm nền tảng. 4 ưu tiên mà Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đặt ra trong chính sách nhiệm kỳ, gồm: An ninh - đoàn kết; Phục hồi - cạnh tranh; Thịnh vượng - chuyển đổi xanh và năng lượng; Các giá trị dân chủ và pháp quyền, đã phản ánh các lập trường mà Thụy Điển ủng hộ tại EU lâu nay.

Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ này, Thụy Điển phải tiếp tục triển khai Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” được các nhà lãnh đạo Brussels công bố cuối năm 2021, nhằm thúc đẩy các liên kết thông minh, an toàn trong lĩnh vực kỹ thuật số, năng lượng, giao thông, y tế, giáo dục trên toàn thế giới. Đây cũng là một bước đi quan trọng của EU giúp tăng cường kết nối, củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu, nhanh chóng phục hồi sau đại dịch Covid-19, hỗ trợ các đối tác cùng phát triển bền vững. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine đã ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế, thương mại, thị trường năng lượng, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng. Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” cũng là cơ hội chiến lược với EU trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, giúp EU cân bằng quyền lực, tăng quyền tự chủ chiến lược.

Cạnh tranh là phục hồi

Sáng kiến ​​“Cửa ngõ toàn cầu” dự kiến huy động khoảng 300 tỷ EUR (320 tỷ USD) đến năm 2027 để đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như công nghệ số, y tế, giao thông, khí hậu, năng lượng, giáo dục. Số tiền dự kiến được tập hợp từ các nguồn lực của EU. Sáng kiến cũng sẽ tập hợp các quốc gia thành viên EU với các tổ chức tài chính và phát triển của châu Âu, bao gồm Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD); đồng thời tìm cách huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân cho dự án.

Chính phủ Thụy Điển cho rằng, một châu Âu mạnh về kinh tế và cạnh tranh là rất quan trọng đối với vị thế toàn cầu của EU. Khả năng cạnh tranh cũng có nghĩa là khả năng phục hồi. Với vai trò là người “cầm lái”, Thụy Điển khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán về các hiệp định thương mại tự do đầy tham vọng với các nước thứ 3 để tăng cường khả năng cạnh tranh của EU.

Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ 6 tháng. Thụy Điển cũng sẽ tập trung cho kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế bền vững, độc lập với nhiên liệu hóa thạch, trung hòa khí thải carbon và tiết kiệm tài nguyên, thúc đẩy về các vấn đề về dân chủ, nhà nước pháp quyền trong EU.

Về khủng hoảng Ukraine, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cam kết đảm bảo duy trì được mặt trận đoàn kết của các nước EU trong việc hỗ trợ Ukraine và ứng phó với tất cả các thách thức khó lường từ xung đột Nga - Ukraine.