Evergrande bị dán nhãn ‘vỡ nợ’, chuyện gì xảy ra tiếp theo?

11/12/2021 21:55

Fitch Ratings xác nhận điều nhà đầu tư đã nghi ngờ và giờ đây, họ phải chờ kế hoạch tái cấu trúc Evergrande dưới bàn tay của nhà chức trách Trung Quốc.

Suốt nhiều tuần qua, thị trường toàn cầu dõi theo sự chật vật của Evergrande, công ty bất động sản khổng lồ của Trung Quốc đang rơi vào cuộc khủng hoảng nợ 300 tỷ USD hoặc hơn với khả năng thanh toán sít sao.

Ngày 9/12, 3 ngày sau khi hạn chót ân hạn trôi qua và các trái chủ không nhận được gì ngoài sự im lặng từ Evergrande, Fitch Ratings đã kết luận Evergrande vỡ nợ. Thay vì giải quyết hoài nghi về số phận gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc, kết luận này chỉ khiến những thắc mắc gia tăng.

Cụ thể, Fitch Ratings xếp loại Evergrande vào “RD” – tức “vỡ nợ giới hạn”. Động thái này đồng nghĩa coi Evergrande chính thức vỡ nợ nhưng chưa rơi vào tình trạng phá sản, thanh lý tài sản hay bất kỳ quy trình nào khác khiến công ty phải dừng hoạt động.

Evergrande đang có nghĩa vụ nợ 300 tỷ USD hoặc hơn. Ảnh: EPA.

Evergrande đang có nghĩa vụ nợ 300 tỷ USD hoặc hơn. Ảnh: EPA.

Diễn biến thường thấy tiếp theo – như phát mãi tài sản, bán bớt mảng kinh doanh – vẫn chưa được xác định. Tại Mỹ và nhiều quốc gia khác, trái chủ có thể thúc giục một công ty không thiện chí thực hiện tái tổ chức, thông thường tại tòa án và chia tách.

Kịch bản này vẫn có thể xảy ra nhưng Evergrande đang ở Trung Quốc – nơi nhà chức trách có sự kiểm soát nhất định với các vụ doanh nghiệp gặp khó khăn để ngăn tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát. Với Evergrande, rủi ro là cao. Một vụ vỡ nợ bất ngờ của Evergrande có thể ảnh hưởng đến hệ thống tài chính Trung Quốc hoặc những người đã thanh toán cho những căn hộ còn chưa được xây.

“Chúng tôi đều dự đoán Evergrande sẽ không tạo ra điều bất ngờ”, Michel Lowy, giám đốc điều hành của SC Lowy, công ty đầu tư có nắm giữ một lượng nhỏ trái phiếu Evergrande, nói. “Giờ đây, họ có trách nhiệm ra quyết định với các đề xuất tái cấu trúc”.

Evergrande chưa phản hồi đề nghị bình luận

Theo Fitch Ratings, Evergrande cũng chưa phản hồi câu hỏi công ty đã đáp ứng hay quá hạn thanh toán 82 triệu USD cho trái chủ đến hạn hôm 6/12 – yếu tố khiến Fitch Ratings xếp hạng “RD” với công ty.

Fitch Ratings ngày 9/12 còn đưa Kaisa, một công ty bất động sản khác đang gặp khó khăn, vào “RD” sau khi công ty này không thể thanh toán 400 triệu USD cho trái chủ hồi đầu tuần.

Các xếp hạng RD đang thử thách lập trường của nhà đầu tư nước ngoài rằng Bắc Kinh cuối cùng sẽ can thiệp để cứu các công ty lớn nhất của Trung Quốc.

Suốt nhiều năm, nhà đầu tư rót tiền vào những công ty như Evergrande dựa trên giả định này. Gần đây, nhà chức trách Trung Quốc cũng tỏ ra sẵn sàng để những công ty trên sụp đổ để kiểm soát vấn đề nợ không bền vững.

Để thể hiện rõ quan điểm, ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cho rằng Evergrande gặp rắc rối do “chính sự quản lý yếu kém và mở rộng bất chấp”, và cuộc khủng hoảng chỉ giới hạn ở Evergrande. Yi Gang, thống đốc PBOC, ngày 9/12 nói Evergrande sẽ trải qua quy trình tương tự như tái cơ cấu thông thường, ám chỉ giải cứu không phải một lựa chọn.

“Nguy cơ Evergrande trở thành ‘tai nạn’ sẽ được giải quyết phù hợp, đúng theo các nguyên tắc thị trường và thượng tôn pháp luật, quyền và lợi ích của chủ nợ cũng như nhà đầu tư sẽ được bảo vệ theo luật pháp”.

A saleswoman, center, with visitors at the Evergrande Mansions showroom. Many in China have paid for Evergrande apartments that are yet to be built.

Nhân viên môi giới (giữa) và khách đến tham quan mô hình dự án Evergrande Mansions. Ảnh: New York Times.

Evergrande thông báo sẽ “chủ động làm việc” với các chủ nợ nước ngoài để xây dựng kế hoạch tái cấu trúc. Rõ ràng Bắc Kinh sẽ có tham gia. Hồi đầu tuần, Evergrande nói các quan chức từ một số tổ chức chính quyền đã tham gia một ủy ban rủi ro sẽ giúp công ty tự tái cấu trúc.

Bắc Kinh từng giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn hậu các thảm họa doanh nghiệp trước đó. 3 năm trước, Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát Anbang Insurance Group sau khi bắt chủ tịch công ty – người phải lĩnh án tù vì tội lừa đảo. Đầu năm 2020, các quan chức chính quyền địa phương cũng can thiệp kiểm soát HNA, tập đoàn vận tải và logistics chìm trong nợ nần vì các thương vụ mua lại tốn kém ở nước ngoài.

Giới phân tích nhận định vấn đề Evergrande phức tạp và khó có cơ chế pháp lý đơn giản, rõ ràng nào để tái cấu trúc công ty.

Trong hơn thập kỷ qua, Evergrande là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, “hái ra tiền” từ sự bùng nổ bất động sản trên quy mô chưa từng thấy. Công ty sau đó mở rộng sang các lĩnh vực khác, như nước đóng chai, thể thao chuyên nghiệp và xe điện.

Cuối cùng, Evergrande vay nợ quá nhiều, vượt khả năng chi trả cho ngân hàng, nhà thầu và nhà đầu tư. Ngoài khoản nợ trong sổ sách 300 tỷ USD, một số chuyên gia ước tính các nghĩa vụ nợ ngoài sổ sách có thể lên đến 156 tỷ USD.

merlin-197401944-e6b9bf00-c5ef-2878-5015

Tòa nhà Kaisa Plaza ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: EPA.

Rắc rối của Evergrande phần nào là lý do khiến Bắc Kinh tìm cách hạ nhiệt thị trường nhà ở của Trung Quốc. Lo ngại ảnh hưởng lan ra hệ thống tài chính nói chung, nhà chức trách trấn áp các công ty như Evergrande, buộc họ phải thanh toán nợ cho các ngân hàng và tổ chức tài chính khác.

Evergrande gặp khó trong việc bán các mảng kinh doanh như xe điện dù đã có thương lượng với bên mua tiềm năng. Giới chuyên gia cảnh báo các bên mua đang chờ một đợt bán tháo. Thị trường bất động sản chững lại cùng lực cầu căn hộ mới giảm đang khiến mọi thứ trở nên tồi tệ.

Evergrande thường phụ thuộc vào mô hình bán căn hộ trả trước khi xây dựng. Khoảng 1,6 triệu người mua đang chờ chuyển vào nhà mới trong tháng 9, khi công ty phải tập trung các giám đốc hàng đầu và yêu cầu họ công khai ký cam kết đảm bảo hoàn thành hàng trăm dự án phát triển đã được bán.

Để thực hiện cam kết đó, Evergrande cần bán trước dự án mới để có đủ tiền tiếp tục hoạt động hoặc tìm nguồn lực khác.

Đáng chú ý, trong vài tháng qua, Evergrande vẫn đủ sức tiếp tục thanh toán cho trái chủ. Ít người nghĩ Evergrande sẽ trụ vững lâu. Các công ty bất động sản khác cũng bắt đầu gặp khó khăn khi nhà đầu tư hoảng loạn, đẩy chi phí đi vay của họ lên cao. Với khả năng tiếp cận tài trợ hạn chế vì ngành bất động sản đang bị giới hạn cho vay, hơn 11 công ty bất động sản Trung Quốc đã vỡ nợ trái phiếu năm nay.

Rắc rối gia tăng, Evergrande ngày càng ít đề cập đến triển vọng. Để xác định Evergrande thanh toán hay chưa, thế giới tài chính phải tìm đến các trái chủ để hỏi họ đã nhận được tiền hay chưa. Giờ đây, nhà đầu tư phải chờ thông tin, được coi là đáng để công bố, từ Evergrande và Bắc Kinh.

“Hướng tư duy ở đây là chúng ta cần hiểu thứ gì thực sự là tài sản, là nợ và công ty có thể tồn tại dưới hình thức nào”, theo Lowy.

Bạn đang đọc bài viết "Evergrande bị dán nhãn ‘vỡ nợ’, chuyện gì xảy ra tiếp theo?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#