17 hồ thủy điện đã về hoặc xấp xỉ mực nước chết
Thông tin tại hội nghị tiết kiệm điện của Bộ Công thương chiều 21.5, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, cho biết đến ngày 21.5, số hồ thủy điện đã về mực nước chết hoặc xấp xỉ mực nước chết tiếp tục tăng so với ngày 11.5.
Tại miền Bắc, 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém. 17/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết, tần suất nước về nhiều hồ thấp nhất trong nhiều năm qua.
Trong tháng 4 và tháng 5, nước về các hồ thủy điện chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm (TBNN), một số hồ chỉ đạt 20% so với TBNN, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện, nhiều nhà máy thuỷ điện tiếp tục bị suy giảm công suất do mực nước thấp.
Theo EVN, trong ngày 19.5, phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục mới, xấp xỉ 924 triệu kWh/ngày, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 10,5% so với cùng kỳ tháng 5.2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 44.600 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 8,5% so với cùng kỳ tháng 5.2022.
Để đảm bảo cung ứng điện, EVN đã phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu DO+F. Hệ thống điện đã không còn công suất dự phòng.
Cũng theo ông Trần Đình Nhân, dù Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã triệt để khai thác tiết kiệm thủy điện nhưng tính đến ngày 21.5, sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 2,911 tỉ kWh, thấp hơn 1,726 tỉ kWh so với kế hoạch năm. Trong đó, miền Bắc thấp hơn 1,033 tỉ kWh, miền Trung thấp hơn 435,6 triệu kWh, miền Nam thấp hơn 258 triệu kWh.
Khẩn cấp bổ sung nguồn cung điện
Trong bối cảnh đảm bảo nguồn cung điện gặp nhiều khó khăn, EVN đang triển khai mọi biện pháp để bổ sung nguồn cung từ nhiệt điện, nhưng nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu.
EVN đã đề nghị Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp than theo đúng hợp đồng ký kết, tìm kiếm giải pháp để bổ sung lượng than cấp cho sản xuất điện.
Gần đây nhất, ngày 19.5, EVN có văn bản gửi Chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) BOT Duyên Hải 2 là Công ty TNHH Janakuasa Việt Nam (JVL) và Tổng thầu EPC dự án là China Huadian Engineering đề nghị được vay lô than 100.000 tấn. Số than này sẽ sử dụng cho NMNĐ Duyên Hải 3 (thuộc Tổng công ty Phát điện 1) để sản xuất điện, với mục tiêu đảm bảo cung ứng điện trong tình hình cấp bách hiện nay.
Bên cạnh đó, EVN đã đàm phán và ký kết các hợp đồng mua bán điện với NMNĐ Thái Bình 2, Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Sông Lô 7, NMTĐ Nậm Củm 3, Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 để bổ sung nguồn điện cho hệ thống.
Ở khu vực phía nam, các nhà máy điện chạy dầu (nguồn điện có chi phí cao) đã phải tái khởi động để đảm bảo cung ứng điện. Trong đó, nhà máy điện chạy dầu tại Thủ Đức, Ô Môn, Cần Thơ, Cà Mau đã hoạt động và phát lên lưới sản lượng lớn.
Đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo EVN và các chủ đầu tư thỏa thuận, thống nhất mức giá tạm thời. Đến ngày 19.5, có 15 nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được phê duyệt giá mua điện tạm thời.
Ngoài bổ sung nguồn cung điện, EVN đã kêu gọi các khách hàng lớn, người dân áp dụng các biện pháp sử dụng điện hiệu quả, triệt để tiết kiệm điện. EVN yêu cầu các tổng công ty, công ty điện lực phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) theo yêu cầu của các cấp điều độ.
"Đã có 11.000 khách hàng ký thỏa thuận tham gia chương trình DR để tiết kiệm điện theo lệnh điều độ để đảm bảo yêu cầu vận hành an toàn hệ thống điện. Trung bình mỗi ngày, các đơn vị đã thực hiện từ 80 - 90 sự kiện DR với khoảng 2.500 doanh nghiệp tham gia, công suất cao điểm tiết giảm được hơn 400 MW", ông Nhân nói.