Eximbank: Con dấu lang thang và Nghị quyết 231?

Từ năm 2019 đến nay, Eximbank (EIB) không tổ chức nổi ĐHĐCĐ, không có Tổng giám đốc và đại diện theo pháp luật. Hiện 8/9 thành viên HĐQT đã quá nhiệm kỳ (2015-2020) đang bị cổ đông đòi bãi nhiệm, trong khi danh sách dự kiến bầu HĐQT nhiệm kỳ mới được NHNN thông qua cũng chỉ có 4 người(!?)

Con dấu “lang thang” ngoài trụ sở EIB?

Ngày 8/3/2019, Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc đã buộc bà Nguyễn Thị Kiều Nga, Tổ trưởng Văn thư phải mang con dấu ra ngoài trụ sở EIB để đóng dấu vào nhiều văn bản “khẩn, mật” do ông Quốc tạo lập, không thông qua HĐQT.

Cụ thể, theo lệnh ông Quốc, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Khối hỗ trợ đã “áp tải” bà Nga mang con dấu EIB  đến một căn phòng của Tòa nhà nằm ngoài trụ sở EIB, nơi ông Quốc đang ngồi với 2 người lạ, không phải người của EIB để đóng dấu lên nhiều văn bản. Lần 1: Lúc 12h05’, đóng dấu 03 bộ hồ sơ, mỗi bộ gồm 4 văn bản, mỗi văn bản có 3 trang. Lần 2: Lúc 13h43’, đóng thêm 2 bộ.

Việc mang con dấu ra ngoài trụ sở EIB  mà chưa có sự “chấp thuận bằng văn bản của Tổng Giám đốc và bảo vệ đi cùng” là vi phạm nghiêm trọng Quy định về quản lý và sử dụng con dấu của EIB theo Quyết định số 1899/2012/EIB/QĐ-TGĐ của Tổng Giám đốc EIB.

Phát hiện sự việc, lập tức, Ban Kiểm toán nội bộ đã yêu cầu ông Tuấn, bà Nga viết tường trình. Bà Nga đã tường trình sự việc, nêu cả việc ông Tuấn ép phải khai gian dối là không mang con dấu ra ngoài trụ sở EIB. Còn ông Tuấn thì không tường trình.

Kết luận thanh tra của NHNN đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại EIB.

Sau báo cáo của Trưởng Ban Kiểm toán Nội bộ, ngày 12/3/2019, Ủy ban Quản lý Rủi ro (UBQLRR) đã triệu tập cuộc họp khẩn làm việc với ông Quốc, ông Tuấn và bà Nga. Sau khi ông Tuấn và bà Nga thừa nhận toàn bộ sự việc, ông Quốc mới công nhận là đã chỉ đạo ông Tuấn, bà Nga mang dấu ra ngoài trụ sở để đóng vào các văn bản do ông lập; nhưng nhất định không chịu giao các tài liệu đã đóng dấu trái phép cho HĐQT để minh bạch sự việc.

Trước thái độ bất hợp tác của ông Quốc, UBQLRR đã nhận định: Vụ việc có tính chất phức tạp và nghiêm trọng do không xác định được Chủ tịch đóng dấu lên những tài liệu gì, nội dung có thể hiện ý chí của HĐQT thông qua Nghị quyết hay không, các thông tin về EIB có bị tiết lộ hay không? Đồng thời, việc xác minh vụ việc ngoài trụ sở EIB là ngoài thẩm quyền của EIB, vì vậy, UBQLRR đề nghị Tổng Giám đốc có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ EIB làm rõ.

Ngày 13/3/2019, Tổng Giám đốc EIB đã ký 3 văn bản “khẩn” gửi các cơ quan có thẩm quyền báo cáo vụ sử dụng con dấu trái phép và đề nghị “hỗ trợ EIB làm rõ và có biện pháp hỗ trợ cần thiết để tránh gây rủi ro cho EIB nói riêng và toàn bộ hệ thống tín dụng nói chung”.

Tuy nhiên, theo đơn tố cáo của cổ đông mới đây, vụ việc vẫn chưa sáng tỏ và “Cho đến nay, ông Lê Minh Quốc vẫn không chịu nộp lại các văn bản đã đóng dấu trái pháp luật. Do đó, nguy hiểm vẫn đang hiện hữu khi chưa thể xác định được nội dung các văn bản kia là nội dung gì, mục đích gì?”.

Nghị quyết 231 và cuộc họp đầy tranh cãi?

Khoảng 10 ngày sau, vào ngày 22/3/2019, HĐQT đã họp với 7/10 thành viên tham dự và thông qua Nghị quyết (NQ) 112 bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của ông Lê Minh Quốc và bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch.

Ngày 25/3/2019, HĐQT ban hành NQ 117, thông qua 2 nội dung: Gia hạn hợp đồng lao động đối với Tổng giám đốc Lê Văn Quyết; Thông qua và có lộ trình thực hiện ngay 11 khuyến nghị của tư vấn độc lập về các vấn đề của EIB. (Đây cũng là nội dung mà sau này cổ đông SMBC kiến nghị, trong đó nhấn mạnh nội dung “thanh lọc HĐQT”, nhưng bị nhóm 6/10 thành viên HĐQT nhiều lần từ chối trái pháp luật). 

NQ 117 không được thực hiện vì ông Quốc đã hành động. Đầu tiên, ông viết đơn khởi kiện và đề nghị TAND TPHCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (ADBPKCTT) tạm dừng thực hiện NQ 112.

Ngày 27/3/2019, Tòa ban hành Quyết định ADBPKCTT tạm dừng việc thực hiện NQ 112 và ông Quốc “mặc nhiên” trở lại chức Chủ tịch.

Với vị trí vừa lấy lại, ông Quốc không thực hiện NQ 117, đồng thời, ký ngay văn bản từ chối kiến nghị của SMBC, dù không đúng thẩm quyền. Việc làm của ông đã khởi đầu cho tình trạng tới nay EIB không có Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật; và ngày 5/12/2019, NHNN phải ban hành 6 quyết định xử lý vi phạm hành chính về hành vi  “không tổ chức hoặc tổ chức ĐHĐCĐ không đúng qui định”, vi phạm nghiêm trọng quyền cổ đông SMBC của nhóm 6/10 thành viên, trong đó có ông. Bị xử lý nhưng ông Quốc đã “lật ngược thế cờ”, có ngay sự ủng hộ để làm nên NQ 231.

Bà Lương Thị Cẩm Tú trao đổi với ông Lê Minh Quốc tại phiên họp thường niên cuối tháng 4/2019. Ảnh: KT

Cụ thể, ngày 14/5/2019, ông Quốc “bất ngờ” rút Đơn khởi kiện. Theo đó, Tòa án ra Quyết định hủy bỏ ADBPKCT có hiệu lực từ ngày 14/5, nhưng phải tới 16h ngày 15/5 mới đến EIB.

Trong “khoảng trống” kể trên, diễn ra cuộc họp HĐQT ngày 15/5 và NQ 231 đã “kịp thời” ban hành với nội dung: “Chấm dứt hiệu lực NQ 112” khiến Quyết định hủy “phong tỏa” NQ 112 của Tòa “rơi vào khoảng trống”.

Theo Biên bản cuộc họp ngày 15/5, có 2 nội dung: Xem xét NQ 112 và thay đổi lãnh đạo. Cuộc họp có 8/10 thành viên tham dự, ông Đặng Anh Mai, Phó Chủ tịch HĐQT được bầu làm Chủ tọa.

Trước đó 1 ngày, ông Quốc có đơn từ nhiệm, theo đó, tại cuộc họp, 8/10 thành viên đã biểu quyết đồng ý: Chấm dứt hiệu lực của NQ 112 và chấp thuận cho ông Quốc từ nhiệm chức Chủ tịch.

Đến đây, “phát sinh” ý kiến nội dung cuộc họp thay đổi do có Đơn từ nhiệm, nên cần xin ý kiến 2 thành viên vắng mặt. Chủ tọa đành tạm dừng cuộc họp để cùng Văn phòng lập văn bản xin ý kiến.

Đúng lúc Chủ tọa cùng 2 thành viên rời phòng họp, ông Quốc cùng 4/8 thành viên còn lại đã tự ý ký vào “Biên bản cuộc họp”. Rồi với tư cách Chủ tịch HĐQT, “căn cứ nội dung biên bản”, ông Quốc ký ngay NQ 231 nhưng chỉ với một nội dung: “chấm dứt hiệu lực của NQ 112”.

Ngay sau đó, ông Nguyễn Cảnh Vinh, Phó Tổng Giám đốc (người mà 5 ngày sau, nhóm 6/10 thống nhất bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc) lập tức cho đóng dấu phát hành NQ 231 vào lúc 13h29’, kịp trước thời điểm EIB nhận được Quyết định của Tòa hủy “phong tỏa” NQ 112.

Trở lại phòng họp, biết “chuyện đã rồi”, Chủ tọa Đặng Anh Mai đã gửi Văn bản “khẩn” đến tất cả các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành khẳng định: “Cuộc họp HĐQT chưa kết thúc, Biên bản cuộc họp chưa được lập và chưa được thông qua bởi Chủ tọa và tất cả thành viên tham dự. Từ ngày 14/5/2019, NQ 112 tiếp tục thực hiện và ông Lê Minh Quốc không còn là Chủ tịch HĐQT. Vì vậy, việc ông Quốc tự ý ký NQ 231 là không đúng thẩm quyền, không có hiệu lực và không có giá trị pháp lý. Chủ tọa đề nghị các thành viên HĐQT tiếp tục tham dự cuộc họp HĐQT nói trên vào lúc 10h00 ngày 16/5/2019”.

Ông Mai cũng quyết liệt yêu cầu phải nộp lại “Biên bản” và “NQ 231”. Nhưng, như từng thể hiện tại vụ “con dấu lang thang”, ông Quốc lại bất hợp tác. Hôm sau, cuộc họp không thể tiếp diễn, bởi cả 3/5 thành viên ký “Biên bản” đều…  vắng mặt.

Với lợi thế đa số trong HĐQT, NQ 231 vẫn có hiệu lực và gây tranh chấp kéo dài và lan rộng từ HĐQT ra cả ĐHĐCĐ. Hệ lụy là ĐHĐCĐ bất thành, HĐQT bị phân rã thành 2 nhóm.

Với lợi thế đa số, nhóm 6/10 nhanh chóng khai thác NQ 231. Đáng kể nhất là cuộc họp ngày 20/5/2019, ông Quốc gửi thông báo mời họp buổi sáng để họp vào… buổi chiều, bất chấp qui định phải gửi thông báo kèm tài liệu trước ngày họp “5 ngày làm việc” theo Điều lệ EIB.

Chỉ nhóm 6/10 thành viên có mặt, họp. Và ngày 22/5/2019, ban hành tới 6 NQ, với nội dung sắp xếp nhân sự: Bầu ông Cao Xuân Ninh làm Chủ tịch HĐQT thay ông Quốc; Chưa xét Đơn từ nhiệm của ông Yasuhiro Saitoh (sau này ông Saitoh được ngồi vào ghế Chủ tịch); bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh làm quyền Tổng giám đốc; hoãn ĐHĐCĐ thường niên 2019…

Chuyện khó tin tiếp theo. Ngày 20/6/2019, nhóm 6 thành viên  họp và ra NQ 321 quyết nghị: NQ 231 và 6 nghị quyết ban hành ngày 22/5/2019 là “đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ và nhất quán theo quy định của pháp luật và thể hiện ý chí của HĐQT”.

Ngoài chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi”, chỉ cần một cuộc họp ngày 15/5/2019, đã thấy sự trớ trêu của NQ 321.

Thứ nhất, Biên bản họp ghi ông Đặng Anh Mai là Chủ tọa nhưng ông lại không trực tiếp chủ trì thông qua Biên bản, thậm chí ông cùng Thư ký và 2 thành viên cuộc họp không hề biết có việc lập và ký Biên bản này.

Thứ hai, Chủ tọa - người chịu trách nhiệm về tính xác thực của Biên bản theo qui định của pháp luật - lại phản đối quyết liệt và ra ngay văn bản khẳng định: Cuộc họp chưa kết thúc, chưa thông qua biên bản, “Biên bản” và “NQ 231” do nhóm ông Quốc lập ra là không có giá trị.

Nếu phủ định vai trò Chủ tọa của ông Mai, “Biên bản” càng không có giá trị khi “Biên bản” lại ghi nhận ông Mai là Chủ tọa. Hơn nữa, nếu ông Mai không phải Chủ tọa thì cuộc họp “vô chủ”.

Cuộc họp HĐQT “vô chủ” mà lại ban hành được NQ “hợp lệ, hợp pháp, nhất quán với pháp luật và thể hiện ý chí của HĐQT” thì thật là không thể chấp nhận.

Kết luận thanh tra 4661/KL-TTGSNH2, ngày 18/12/2020 của NHNN đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại các cuộc họp HĐQT và kiến nghị EIB phải tự rà soát để hủy, thu hồi các NQ liên quan, trong đó nêu cả sai phạm của cuộc họp ngày 15/5/2019. Cho đến nay, chưa có NQ nào được hủy, thu hồi!?