FED đã dập khủng hoảng lạm phát bằng cách gây suy thoái kinh tế như thế nào

Bốn mươi năm trước, FED đã đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái để ngăn chặn lạm phát.

Nhà kinh tế học người Mỹ, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Paul Volcker điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Hạ viện ở Washington DC, vào ngày 19/2/1986. Ảnh: Getty Images

Trong nhiều thập kỷ, công ty thăm dò ý kiến Gallup đã đề nghị người Mỹ liệt kê vấn đề quan trọng nhất của đất nước họ. Có nhiều câu trả lời rất mơ hồ: vào tháng 5, 19% người Mỹ nói với Gallup rằng “chính phủ” hoặc “lãnh đạo kém” là vấn đề quan trọng nhất mà Mỹ phải đối mặt; 5% coi đó là vấn đề phá thai, 8% đặt nặng vấn đề nhập cư.

Nhưng vấn đề kinh tế lớn nhất đang được quan tâm là lạm phát: 18% người Mỹ coi đó là vấn đề lớn nhất của đất nước. Vào sáng 12/7, bản công bố Chỉ số Giá tiêu dùng mới nhất cho thấy tốc độ lạm phát ở Mỹ đã tăng đáng kinh ngạc 9,1%, “mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ tháng 11/1981”.

Đây là một sự thay đổi khá căn bản so với lịch sử gần đây. Từ năm 1990 đến năm 2020, chỉ một tỷ lệ nhỏ người Mỹ, luôn dưới 10% và thường thấp hơn nhiều mức này, coi lạm phát là vấn đề lớn nhất của đất nước. Điều đó khác hẳn với năm 1981, khi đa số người Mỹ coi lạm phát là vấn đề lớn nhất của đất nước.

Năm 1981, nước Mỹ rơi vào thời kỳ lạm phát hai con số nghiêm trọng. Giá xăng tăng vọt; lãi suất thế chấp cao ngất ngưởng, khiến nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu không thể mua nhà. Thị trường việc làm cũng yếu, với tỷ lệ thất nghiệp trên 7%. Đất nước rơi vào khủng hoảng toàn diện.

Cuộc khủng hoảng sau đó kết thúc, và hầu hết các nhà kinh tế học đều ghi công chấm dứt nó cho Paul Volcker, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED, cũng là Ngân hàng trung ương của Mỹ). Ông Volcker đã kiểm soát lạm phát bằng cách thiết kế hai cuộc suy thoái lớn, nhưng ngắn ngủi, để cắt giảm chi tiêu và buộc lạm phát giảm xuống. Vào cuối những năm 1980, lạm phát giảm dần và nền kinh tế bùng nổ trở lại.

Thăm dò ý kiến về những vấn đề quan trọng nhất mà nước Mỹ đối mặt. Trong ảnh là biểu đồ tỉ lệ người cho rằng vấn đề quan trọng nhất là lạm phát và chi phí sống, từ 1985-2022

Tình trạng lạm phát năm 2022 không tồi tệ như thời kỳ1978-1982, nhưng cũng là mức lạm phát tồi tệ nhất mà Mỹ đã trải qua trong 4 thập kỷ qua.

FED đang tăng lãi suất một cách mạnh mẽ, như Volcker đã làm. Họ không cố tạo ra một cuộc suy thoái, nhưng các hành động của FED có thể gây ra hậu quả không mong muốn. Và nếu lạm phát tiếp tục là một vấn đề lớn, thì nhu cầu về một phản ứng theo kiểu Volcker, thậm chí còn quyết liệt, hơn sẽ tăng lên.

Lạm phát tấn công nước Mỹ những năm 1970 như thế nào

Trước năm 1965, lạm phát ổn định trong nhiều năm, dao động quanh hoặc dưới 2%. Nhưng vào khoảng thời gian đó, Tổng thống Lyndon Johnson và các đồng minh của ông trong Quốc hội đã bắt đầu thực hiện tăng chi tiêu lớn, phục vụ chương trình chống đói nghèo và cuộc chiến leo thang ở Việt Nam.

Điều đó đồng nghĩa thâm hụt ngân sách cao hơn, và chi tiêu tăng lên dẫn đến giá cả cao hơn. Chính quyền Johnson vẫn không có ý định hạn chế chi tiêu; Chiến tranh Việt Nam và chương trình nghị sự chống đói nghèo của ông là những ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, lạm phát cứ dần dần tăng cao hơn nữa.

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn dưới thời Tổng thống Richard Nixon. Chiến tranh Việt Nam vẫn tiếp diễn và tốn kém, nhưng cũng vào năm 1971, Nixon quyết định chấm dứt hệ thống “bản vị vàng” của đồng đô la Mỹ.

Biểu đồ chi tiêu cá nhân của người Mỹ cho thực phẩm và năng lượng.

Trước năm đó, theo hệ thống Bretton Woods được đưa ra vào năm 1944 để ổn định tỷ giá hối đoái toàn cầu, hầu hết các quốc gia phương Tây đã cố định tiền tệ của họ với đồng USD, từ đó có thể chuyển đổi sang vàng với tỷ giá 35 USD/một ounce.

Nhưng hệ thống này đã định giá quá cao USD so với các loại tiền tệ khác. Hơn nữa, có nhiều đô la lưu thông hơn so với số vàng của Mỹ để hỗ trợ đồng bạc xanh. Một phần do lạm phát của Mỹ làm giảm giá trị của đồng đô la, các quốc gia khác bắt đầu yêu cầu chuyển đổi USD sang vàng ở mức mà Mỹ không thể xử lý và một số nước như Tây Đức đã từ bỏ hoàn toàn hệ thống bản vị vàng này. Cuối cùng, dưới sự cố vấn của Thứ trưởng Bộ Tài chính Paul Volcker, Tổng thống Nixon đã bãi bỏ toàn bộ hệ thống.

Năm 1973, nền kinh tế gần như lâm vào khủng hoảng do lệnh cấm vận dầu mỏ của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đối với phương Tây, được tuyên bố là đòn trừng phạt nhằm vào Mỹ và các đồng mình vì hỗ trợ Israel trong cuộc Chiến tranh Yom Kippur. Giá khí đốt gần như tăng gấp 4 lần trong khoảng thời gian từ tháng 10/1973 đến tháng 1/1974, dẫn đến một cuộc suy thoái tương đối dài kết thúc vào năm 1975.

Sau cuộc khủng hoảng đó, lạm phát đã ổn định gần mức 6-7%/ năm. Nhưng lạm phát nhanh chóng tăng trở lại, một phần do giá năng lượng và lương thực tăng cao.

Đó là tình huống mà Volcker phải đối mặt.

Hy sinh tăng trưởng để ghìm lạm phát

Trước khi Volcker nhậm chức Chủ tịch FED vào ngày 6/8/1979, FED đã cố gắng tăng lãi suất từng bước nhỏ với hy vọng điều chỉnh giá cả, nhưng kết quả đạt được rất ít. Volcker, với tư cách là phó chủ tịch, là một trong những người ủng hộ Ủy ban Thị trường Mở Liên bang thúc đẩy hành động lớn. Khi Chủ tịch FED, William Miller, được Tổng thống Jimmy Carter bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính, Volcker trở thành người kế nhiệm Miller.

Sau một vài mức tăng lãi suất khiêm tốn trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, ông Volcker đã triệu tập một cuộc họp bất thường vào ngày 6/10/1979 và đặt FED vào một chính sách tiền tệ mới, chặt chẽ hơn đáng kể. FED sẽ mở biên độ lãi suất rộng hơn nhiều, cho phép lãi súat tăng cao hơn trước đáng kể và tuyên bố sẽ điều chỉnh lại chính sách thường xuyên để đáp ứng với những thay đổi trong nguồn cung tiền..

Tháng 10 đó, lãi suất của FED được đặt ở mức 13,7%; đến tháng 4, nó đã tăng vọt thêm 4 điểm lên 17,6%. Lãi suất cơ bản lên đến gần 20% vào năm 1981.

Lãi suất cao hơn nhìn chung đã làm giảm lạm phát bằng cách giảm chi tiêu, do đó làm chậm tăng trưởng kinh tế và có thể dẫn đến thất nghiệp hàng loạt. Khi FED tăng lãi suất, thì lãi suất của tất cả mọi thứ, từ nợ thẻ tín dụng đến thế chấp cho đến các khoản vay kinh doanh đều tăng lên. Khi vay kinh doanh đắt hơn, các doanh nghiệp ký hợp đồng và thuê ít hơn; khi các khoản thế chấp đắt hơn, người ta mua ít nhà hơn; khi lãi suất thẻ tín dụng cao hơn, mọi người chi tiêu ít hơn. Do đó lạm phát ít hơn, nhưng tăng trưởng cũng chậm hơn.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Paul Volcker phát biểu bên ngoài tòa nhà FED ở Washington, DC, vào ngày 14/4/1980. Ảnh: AP

Giải pháp thắt chặt của Volcker đã làm chậm lại hoạt động kinh tế đến mức vào tháng 1/1980, Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái. Nhưng lãi suất của FED bắt đầu giảm mạnh sau tháng 4, hạn chế hiệu quả của các nỗ lực chống lạm phát. Sau đó, FED lại thắt chặt một lần nữa sau đó và gây ra một cuộc suy thoái khác vào tháng 7/1981. Lần này tồi tệ hơn nhiều so với lần đầu tiên: tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh là 7,8% trong cuộc suy thoái năm 1980, nhưng đã đạt đỉnh 10,8% vào tháng 12/1982, giữa cuộc suy thoái thứ hai kéo dài 16 tháng. Đây là mức cao hơn so với thời kỳ đỉnh điểm của cuộc Đại suy thoái năm 2009. Trong suốt những năm 1980, chế độ chính sách này được gọi là “cú sốc Volcker”.

Khi Volcker rời nhiệm sở vào tháng 8/1987, lạm phát đã giảm xuống 3,4% so với mức đỉnh 9,8% vào năm 1981. Lạm phát thấp liên tục đã trở thành tiêu chuẩn kể từ đó; Mỹ chưa bao giờ lạm phát trên 5% kể từ tháng 9 năm 1983, cho đến năm 2022.