Gánh nặng nợ khó đòi tại Nhơn Trạch 2

Giá vốn hàng bán tăng mạnh và gánh nặng dự phòng rủi ro cho khoản nợ khó đòi đã bào mòn gần hết lợi nhuận quý vừa qua của Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2).

Nợ phải thu tiếp tục tăng mạnh

Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022 và cả năm 2022 nhưng không mấy khả quan như kỳ vọng khi lãi quý IV giảm tới 95%.

Cụ thể trong quý IV, doanh thu của NT2 đạt hơn 1.942 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh hơn với 24% lên gần 1.840 tỉ đồng khiến lãi gộp của doanh nghiệp giảm 65 tỉ đồng về còn gần 85 tỉ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, dù doanh thu tài chính tăng 14,7 tỉ đồng (367%) chủ yếu nhờ doanh thu từ lãi tiền gửi ngân hàng tăng nhưng chi phí tài chính cũng tăng 5,8 tỉ đồng (133%) do chi phí lãi vay tăng cùng với lỗ chênh lệch tỉ giá do thanh toán nợ phải trả có gốc ngoại tệ.

Đáng chú ý, chi phí quản lý của NT2 ghi nhận tăng đột biến thêm 60,9 tỉ đồng (283%) lên hơn 82 tỉ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ. Doanh nghiệp cho biết, mức tăng này đến từ việc công ty phải thực hiện trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi trong kỳ với giá trị 52,4 tỉ đồng.

Trong thuyết minh báo cáo tài chính, NT2 cho biết, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi được trích lập đối với các khoản nợ phải thu tiền điện của Công ty Mua bán Điện (EPTC) theo quy định tại hợp đồng mua bán điện số 07/2012/HĐ-NMĐ-NT2 ngày 6.7.2012 giữa NT2 và EPTC và các hợp đồng sửa đổi bổ sung.

Cụ thể, khoản tiền điện phải thu EPTC đến 31.12.2022 được quy định tại hợp đồng số 07/2012/HĐ-NMĐ-NT2 ngày 6.7.2012 nói trên là gần 2.889 tỉ đồng, tăng 32% so với đầu năm.

Chi phí giá vốn hàng bán cùng gánh nặng dự phòng phải thu khó đòi khiến lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế quý này của NT2 bị bào mòn gần hết khi giảm lần lượt 91,5% và 95,2% so với cùng kỳ năm trước.

Lãi sau thuế kỳ này của doanh nghiệp điện có tổng tài sản gần 7.300 tỉ đồng chỉ ghi nhận 5,8 tỉ đồng. Nhưng nhờ lãi đậm trong nửa đầu năm 2022, lãi sau thuế lũy kế cả năm của NT2 vẫn tăng 38% lên gần 779 tỉ đồng.

Vay nợ tăng mạnh

nha-may-dien-nhon-trach-2-1675225184.jpg

Nhà máy điện Nhơn Trạch 2. Ảnh: Bộ Công Thương

Trong bảng cân đối kế toán, đến 31.12.2022, tài sản ngắn hạn của NT2 tăng mạnh gần gấp đôi chủ yếu do tiền mặt tăng mạnh từ hơn 987 triệu đồng lên hơn 2,2 tỉ đồng và các khoản tương đương tiền phát sinh thêm 382 tỉ đồng trong năm qua.

Trong khi đó, NT2 đã tăng tiền gửi ngắn hạn tại các ngân hàng thương mại với kỳ hạn trên 3 tháng vọt lên 949 tỉ đồng, trong khi đầu năm chỉ là 490 triệu đồng.

Đáng chú ý, trong tài sản dài hạn đến cuối năm qua của NT2 giảm mạnh chủ yếu do chi phí trả trước dài hạn giảm mạnh từ gần 531 tỉ đồng đầu năm về còn hơn 113 tỉ đồng cuối năm.

Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả (100% nợ ngắn hạn) tăng 18% lên 2.825 tỉ đồng chủ yếu chi phí phải trả ngắn hạn tăng 36% lên 1.192 tỉ đồng và vay nợ và thuê tài chính ngắn hạn tăng gấp 3 lần lên hơn 630 tỉ đồng.

Đến ngày 31.12.2022, công ty đã tất toán khoản vay hơn 588 tỉ đồng tại VietinBank nhưng lại có thêm khoản vay ngắn hạn 630 tỉ đồng tại Vietcombank phát sinh trong năm qua.

Trong Báo cáo cập nhật Triển vọng ngành Điện năm 2023, SSI Research cho rằng giá khí giảm có thể hỗ trợ cho các nhà máy điện khí như NT2 bởi đến cuối năm 2022 giá dầu FO (đại diện cho giá khí của NT2) đã giảm 50% so với mức đỉnh trước đó.

Do điều kiện thủy văn được dự báo kém thuận lợi hơn vào năm 2023, SSI Research cho rằng sản lượng tiêu thụ năm 2023 của NT2 ước tính tăng 8% so với cùng kỳ, tương ứng với hiệu suất sử dụng 65%. Hiệu suất sử dụng năm 2023 tương đương với năm 2017 khi công ty thực hiện đợt đại tu.

Đối với ngành điện nói chung và NT2 nói riêng, các chuyên gia phân tích SSI kỳ vọng nhà đầu tư sẽ quan tâm đến tỉ suất cổ tức hơn là mức độ tăng trưởng.