Ghi nhãn sai sự thật về hàng hóa, Công ty Dược phẩm S.P.M bị phạt 35 triệu đồng

07/06/2021 15:12

Thanh tra Bộ Y tế quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Dược phẩm S.P.M do ghi nhãn hàng hóa không đúng bản chất, không đúng sự thật.

Công ty Cổ phần Dược phẩm S.P.M, địa chỉ trụ sở chính lô số 51 KCN Tân Tạo, đường số 2, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Thế Kỷ là người đại diện theo pháp luật, chức danh Tổng Giám đốc Công ty.

Công ty bị phạt 35 triệu đồng do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính là: Kinh doanh sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe GALEPO NEW, lô số 2008001, NSX: 08/8/2020, HSD 08/8/2022 và lô số 2008002, NSX: 17/8/2020, HSD 17/8/2022 trên nhãn có thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa.

Số lượng hàng hóa có nhãn vi phạm đã bán, không thu hồi được trị giá là 67.413.342 đồng. Hành vi của công ty vi phạm quy định tại Điểm k, Khoản 3, Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm.

thuoc-bo-mat-va-xuong-khop-galepo-100-vien-2-700x467-1-1623053245.jpg
 Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe GALEPO NEW.

 

Liên quan đến vấn đề ghi nhãn hàng hóa, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hoàn thiện và đang lấy ý kiến từ các Bộ, ngành, địa phương nhằm khắc phục những bất cập về ghi nhãn, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Dự thảo nghị định này đã bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh gồm cả hàng hóa xuất khẩu. Nội dung quy định cụ thể đối với nhãn hàng hóa xuất khẩu được giới hạn ở phạm vi ghi xuất xứ hàng hóa để phòng chống gian lận thương mại, các nội dung khác ghi theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nhập khẩu.

Ngoài ra, Dự thảo nghị định cũng quy định trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa. Đối với hàng hóa lưu thông trong nước, nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt, gồm: tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa; các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa.

Một điểm quan trọng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao là dự thảo đã bổ sung nhiều quy định mới trong đó có quy định cho phép thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử.

Trên thực tế, việc ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.

Về lý do bổ sung nội dung cho phép thể hiện một số ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, việc bổ sung này nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ đạo tại Nghị quyết 01 NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ, tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh và quản lý, tạo thuận lợi thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền người tiêu dùng.

Bạn đang đọc bài viết "Ghi nhãn sai sự thật về hàng hóa, Công ty Dược phẩm S.P.M bị phạt 35 triệu đồng" tại chuyên mục CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#