Giá điện có nguy cơ tăng cao nếu thực hiện cơ chế đấu thầu cho các dự án điện gió ngoài khơi ngay lập tức?

Đại diện tập đoàn năng lượng Ørsted (Đan Mạch) thông tin, không phải cứ thực hiện cơ chế đấu thầu ngay là có mức giá thấp hơn giá FIT. Thậm chí, nếu không có giai đoạn chuyển tiếp từ giá FIT sang cơ chế đấu thầu, giá điện có thể tăng cao hơn.

Giá điện có nguy cơ tăng cao nếu thực hiện cơ chế đấu thầu cho các dự án điện gió ngoài khơi ngay lập tức?

 

Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) đã tổ chức buổi trao đổi về điện gió ngoài khơi với chủ đề "Xu hướng phát triển, lợi ích và cơ chế giá". Tại đây, giám đốc khu vực châu Á của GWEC, bà Liming Qiao cho biết, trong gần 10 năm qua, giá sản xuất điện từ nguồn điện gió ngoài khơi đã giảm tới 70% và dự kiến tiếp tục giảm trong thời gian tới nhờ sự cải tiến công nghệ, nâng cao hiệu suất.

Đặc biệt, điểm mạnh của điện gió ngoài khơi chính là hiệu suất (hệ số công suất) rất cao, gấp đôi điện mặt trời, cao hơn điện gió trên bờ và tương đương điện khí (hiệu suất 29 - 52%). Bên cạnh đó, công nghệ mới cũng giúp tăng hiệu suất thêm 2,5% mỗi năm, nên điện gió ngoài khơi có thể chạy phụ tải nền với nguồn khá ổn định, nhu cầu điều tiết điện lực bù cho thay đổi công suất là rất thấp.

Đại diện GWEC nhấn mạnh: "Sản lượng dự kiến cho điện gió ngoài khơi ở Tổng sơ đồ điện VII có thể cao hơn, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 10GW trước năm 2030. Tuy nhiên, cần có cơ chế tương ứng. Chúng tôi ủng hộ Nhà nước thực hiện cơ chế giá theo hướng đấu thầu, nhưng cần có giai đoạn chuyển tiếp trên cơ sở thực hiện cơ chế hỗ trợ. Ví dụ như ban đầu thực hiện theo giá cố định (giá FIT) cho khoảng 4-5GW đầu tiên".

Cũng tại đây, Giám đốc quốc gia của Tập đoàn năng lượng Ørsted (Đan Mạch), ông Sebastian Hald Buhl phát biểu, không phải cứ thực hiện cơ chế đấu thầu ngay là có mức giá thấp hơn giá FIT. "Thậm chí, nếu không có giai đoạn chuyển tiếp từ giá FIT sang cơ chế đấu thầu, giá điện có thể tăng cao hơn".

Lý giải về điều này, đại diện Ørsted cho rằng, việc đầu tư của ngành điện gió ngoài khơi rất phức tạp, cần có sự hợp tác giữa các nhà phát triển dự án và chính quyền, xây dựng được chuỗi cung ứng ngay tại địa phương. Đó là quá trình cần nhiều đầu tư, mỗi bên phải học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nên cơ chế giá gắn với việc đầu tư theo từng giai đoạn, chuyển từ FIT sang thực hiện đấu thầu, sẽ giúp các bên liên quan có thêm thời gian học hỏi, tăng thêm kinh nghiệm.

Ông Sebastian nhận định, với nhu cầu thiết bị cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi, các nhà sản xuất, cung ứng linh phụ kiện có thể chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực này để cung ứng thiết bị. Tuy vậy, việc đầu tư đòi hỏi quy mô vốn lớn, thời gian hoàn vốn, nên họ cần được đảm bảo bằng đầu ra ổn định từ các nhà đầu tư điện gió.

Trong khi đó, các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi cần có một sự ổn định ban đầu, với cơ chế khuyến khích từ giá FIT để yên tâm đầu tư hơn. Sau khi thị trường đã phát triển ở quy mô nhất định, Chính phủ đánh giá chính sách và có thể chuyển tiếp sang cơ chế giá mới khi phù hợp.

Bà Maya Malik, giám đốc cấp cao COP, tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển dự án điện gió La Gàn lại cho rằng nếu triển khai ngay cơ chế đấu thầu, cần phải đảm bảo có mức giá thấp. Nhưng hiện nay, ở Việt Nam không có chuỗi cung ứng cho đầu tư điện gió, các chính sách chưa rõ ràng, việc sử dụng hợp đồng mua bán điện để vay vốn cũng rất khó. Do vậy, nhà đầu tư sẽ gặp thế khó trong việc tính toán tài chính cho dự án nếu triển khai ngay cơ chế đấu thầu.