‘Giá điện Việt Nam không thể như các nước phát triển’

Nhận định nếu giá điện tăng quá cao sẽ khiến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được, Thủ tướng đề nghị cần điều chỉnh giá điện phù hợp với nền kinh tế và thu nhập người dân, tránh điều hành ‘giật cục’, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.

Về việc ‘điều chỉnh tăng giá điện’ đang thu hút sự chú ý của dư luận gần đây, tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định “giá điện của nước ta không thể giống các nước phát triển”.

Theo ông, nếu giá điện tăng quá cao sẽ khiến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Do đó, Bộ Công thương cần tính toán kỹ trên tinh thần lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời tránh điều hành "giật cục", cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.

Chính sách về giá điện cần khẩn trương làm nhưng phải phù hợp với nền kinh tế, thu nhập người dân là một trong những chỉ đạo quan trọng mà Thủ tướng đưa ra tại hội nghị hôm nay.

Ngay tối qua, trong họp báo Chính phủ tháng 1, đại diện Bộ Công thương cũng đã cho biết lộ trình xây dựng phương án giá bán điện bình quân năm 2023.

Theo đó, EVN đang khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022; thuê các đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của EVN và các đơn vị thành viên để đoàn kiểm tra liên bộ (gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan như VCCI, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam…) kiểm tra và công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2023 đã được Bộ Công Thương phê duyệt vào ngày 30/12/2022, EVN ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 và tính toán giá bán điện bình quân để trình lên Bộ Công thương và các cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra EVN cũng phối hợp với các cơ quan liên quan (như Tổng cục Thống kê) để đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp.

Năm 2022, EVN ước lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng và đã đề xuất tăng giá bán lẻ điện. Hiện giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam là 1.864,44 đồng một kWh (tương đương 0,08 USD/kWh), duy trì từ tháng 3/2019 đến nay.

Mức này đang thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực như Philipines, Thái Lan, Indonesia… và hầu hết các nước phát triển khác. Ngược lại, giá điện của Việt Nam cao hơn một số nước như Malaysia, Lào, Nga, Ấn Độ…, theo số liệu của Globalpetrolprices.

Bên cạnh giá điện, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh tới các vấn đề khác trong ngành điện gồm nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện.

Theo đó, nguồn điện phải sử dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, trong đó có tiềm năng điện gió, điện mặt trời; tải điện phải tránh tình trạng xây dựng nguồn ồ ạt nhưng không có tải; phân phối điện phù hợp với điều kiện đất nước và từng khu vực; sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.

Đồng thời, sau 2 năm, Quy hoạch điện VIII vẫn chưa được ban hành. "Chính phủ rất trăn trở việc này. Đây là quy hoạch ngành rất quan trọng và rất khó. Tiến độ rất cần nhưng cần hơn nữa là chất lượng quy hoạch, nhất là Quy hoạch Điện VIII. Ở điểm này chúng ta bình tĩnh, không nóng vội", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài Quy hoạc Điệu VIII, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương tập trung cho 3 quy hoạch khác gồm Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.

Thủ tướng cho biết: cho đến nay, các quy hoạch này đã được hoàn thành và đang trong giai đoạn thẩm định để phê duyệt theo quy định.