Ngày 22.2, giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 3, hết hạn ngày 21.2, giảm 18 cent, tương đương 0,2%, xuống 76,16 USD/thùng; dầu Brent giao tháng 4 giảm 1,02 USD, tương đương 1,2%, xuống mức 83,05 USD/thùng.
Các phân tích cho rằng, giá xăng dầu dường như đang "quên dần" những lo ngại lâu nay trên thị trường, rằng đồng bạc xanh sẽ mạnh lên và lãi suất tăng. Bên cạnh đó, kỳ vọng về nhu cầu từ thị trường nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới là Trung Quốc, sau khi quốc gia này bỏ các hạn chế phòng chống dịch Covid-19, cũng giảm dần. Ngoài ra, nỗi lo siết nguồn cung cũng tạm lắng xuống. Trong 2 tháng qua, dự trữ dầu thô của Mỹ liên tục tăng. Tuần trước, kết quả cuộc thăm dò của Reuters cũng cho thấy, dự trữ dầu của Mỹ tăng 1,2 triệu thùng.
Theo Reuters, trọng tâm trên thị trường hôm nay sẽ tập trung vào việc công bố biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), sau khi dữ liệu gần đây làm dấy lên lo ngại Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Trong nước, khác với những dự báo trước đó, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh trái chiều theo hướng xăng tăng nhẹ hoặc đi ngang, giá dầu giảm nhẹ, chiều hôm qua (21.2), liên Bộ Công thương công bố giá cơ sở mới giảm đồng loạt. Giá xăng bán lẻ giảm hơn 300 đồng/lít và dầu giảm gần 800 đồng/lít. Theo Bộ Công thương, do giá xăng dầu có xu hướng tăng giảm đan xen, nhà điều hành tiếp tục không trích lập vào quỹ bình ổn với xăng. Việc trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn với tất cả các mặt hàng dầu được thực hiện như kỳ trước.
Ngày 22.2, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 21.2 của liên Bộ Công thương - Tài chính. Cụ thể, xăng RON95-III không quá 23.443 đồng/lít, xăng E5 RON92 22.542 đồng, dầu diesel 20.806 đồng, dầu hỏa 20.846 đồng; dầu mazut 14.251 đồng/kg.
Cũng trong sáng nay (22.2), các thương nhân phân phối phía bắc thông báo chiết khấu với dầu diesel từ 1.400 - 1.600 đồng/lít, xăng RON95 khoảng 1.050 đồng/lít.