Giá xăng dầu sẽ được điều hành sát thực tế hơn

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Chính thức có hiệu lực từ ngày 02/01/2022, Nghị định mới với nhiều thay đổi quan trọng, tích cực được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước điều hành giá xăng dầu hợp lý, bám sát thực tế thị trường...
Thời gian điều hành giá xăng dầu sẽ được thực hiện vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng.
Thời gian điều hành giá xăng dầu sẽ được thực hiện vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng.

Theo Nghị định 95, một số nội dung quan trọng được sửa đổi là giá cơ sở xăng dầu được tính theo công thức mới. Thời gian điều hành giá xăng dầu cũng được rút ngắn xuống 10 ngày/lần, thay vì 15 ngày/lần như hiện nay. Đồng thời, tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.  

THAY ĐỔI CÁCH TÍNH GIÁ CƠ SỞ

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, Chính phủ đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, thì Nghị định 95 được đánh giá là quyết sách kịp thời.

Trong đó, nội dung quan trọng và được quan tâm nhất là quy định về cách tính giá cơ sở xăng, dầu, là mức giá để nhà điều hành làm căn cứ điều chỉnh giá bán lẻ trong nước.

Giá xăng dầu sẽ được điều hành sát thực tế hơn - Ảnh 1
 

Nếu như trước đây do phụ thuộc chủ yếu vào nguồn xăng dầu nhập khẩu nên việc hình thành giá phải dựa trên giá xăng dầu thế giới để làm tham chiếu điều hành giá xăng dầu trong nước, thì nay với Nghị định 95, công thức tính giá cơ sở xăng dầu mới được xác định bằng (=) giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu nhân với (x) tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu cộng (+) giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước nhân với (x) tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước. Như vậy, giá cơ sở sẽ phụ thuộc vào giá và tỷ lệ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Cũng theo Nghị định 95, thời gian điều hành giá xăng dầu sẽ được thực hiện vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.

Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 10% so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về biện pháp điều hành cụ thể.

Đánh giá về việc thay đổi công thức tính giá cơ sở xăng dầu, một số chuyên gia cho rằng điều đó là hợp lý, phản ánh đúng thực tế. Hiện nay, sản xuất xăng dầu trong nước đã chiếm hơn 70% nên tính theo công thức cũ đã không còn phù hợp.

Về cơ bản, sản xuất trong nước sẽ có giá thành cơ sở rẻ hơn so với nhập khẩu. Sau đó, khi tính giá bình quân của hai nguồn này thì giá xăng dầu sẽ giảm đi so với giá nhập khẩu trước đây và sự phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới cũng giảm đi rất nhiều.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cách tính mới tuy đã tách được hai nguồn nhưng nguyên tắc tính giá cơ sở cơ bản không có thay đổi. Bởi hiện nay, thực tế giá bán của các nước được điều chỉnh phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới, đây là thông lệ chung của quốc tế trong thời gian qua, thực hiện trên nguyên tắc cạnh tranh với xăng dầu nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các đơn vị mua xăng dầu từ các nhà máy trong nước được lợi thế không phải chịu thuế nhập khẩu nhưng vẫn phải tính phụ phí thêm 10% đối với xăng. Vì thế, giá mua trong nước và nhập khẩu không chênh nhau nhiều.

Đối với quy định thay đổi thời gian điều hành giá xăng dầu, việc rút ngắn xuống 10 ngày/lần, thay vì 15 ngày/lần như hiện nay, các chuyên gia cho rằng phù hợp với thực tế, giá xăng dầu trong nước sẽ được giữ ổn định nhờ giảm các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam nhưng vẫn bám sát giá xăng dầu thế giới.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), với thời gian điều hành 10 ngày thì giá xăng dầu trong nước sẽ bám sát hơn với diễn biến của giá thế giới và sẽ tránh được việc tăng sốc hoặc giảm chậm so với nhịp diễn biến của giá thế giới.

TIẾP TỤC DUY TRÌ QUỸ BÌNH ỔN XĂNG DẦU

Trước khi Nghị định 95 được ban hành, đã có nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới.

Mặt khác, khi bỏ Quỹ Bình ổn giá, tính minh bạch, công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.

Tuy nhiên, khi Nghị định 95 được ban hành, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vẫn tiếp tục được duy trì. Đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước.

Nghị định 95 cũng quy định rõ, thương nhân có nghĩa vụ trích lập Quỹ Bình ổn giá; hạch toán và theo dõi riêng Quỹ Bình ổn bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ Bình ổn.

Trường hợp tại thời điểm điều hành giá xăng dầu nếu số dư Quỹ Bình ổn giá lớn, Bộ Công Thương xem xét có phương án điều chỉnh giảm hoặc tạm dừng trích lập Quỹ Bình ổn giá.

Bộ Công Thương căn cứ tình hình thực tế, số dư Quỹ Bình ổn, diễn biến giá cơ sở xăng dầu tại thời điểm điều hành giá xăng dầu để quyết định mức trích lập, mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn sau khi thống nhất về chủ trương với Bộ Tài chính.

Tại Việt Nam, xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược quan trọng do Nhà nước quản lý giá. Chính phủ giao Bộ Công Thương nắm bắt giá xăng dầu trên thị trường thế giới, phối hợp với Bộ Tài chính phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu.

Đặc biệt là hai bộ này cùng phối hợp để sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, từ đó quyết định giá bán sao cho phù hợp với giá thế giới, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người dân.

Đồng tình với việc tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn xăng dầu, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, nếu trong nền kinh tế thị trường có sự cạnh tranh thực sự đầy đủ toàn diện thì không cần Quỹ Bình ổn.

Tuy nhiên với Việt Nam, do mặt hàng xăng dầu chưa hoàn toàn vận hành theo cơ chế thị trường nên vẫn cần có sự can thiệp của Nhà nước, đó là quy định doanh nghiệp không được bán lẻ xăng dầu cao hơn giá trần (giá cơ sở) do liên Bộ Công thương - Tài chính công bố.

Theo Luật Cạnh tranh, một doanh nghiệp chiếm 30% thị phần thì được coi là thống lĩnh thị trường, hai doanh nghiệp chiếm 50% và ba doanh nghiệp chiếm 65% thị phần được coi là thống lĩnh thị trường.

Trong trường hợp có một hoặc một nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường thì cần phải có sự can thiệp của Nhà nước. Hiện nay, Petrolimex chiếm 47% thị phần; Petrolimex, PVIOil và SaigonPetro chiếm khoảng 70% thị phần nên buộc Nhà nước phải can thiệp không để cho thị trường tự quyết định.

“Quỹ Bình ổn là để phòng ngừa khi giá xăng dầu thế giới tăng cao. Nhờ có Quỹ Bình ổn mà trong những tháng vừa qua, giá xăng dầu của Việt Nam luôn luôn tiệm cận với giá xăng dầu thế giới chứ không thể cao hơn hoặc bằng giá thế giới”, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh, đồng thời cho biết các doanh nghiệp xăng dầu cũng không muốn tồn tại Quỹ Bình ổn giá vì họ sẽ thiệt thòi, song vì toàn bộ tổng thể nền kinh tế, vì vấn đề kiểm soát mặt bằng chung giá, các doanh nghiệp này cũng phải thừa nhận rằng cần thiết phải có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.