Giá xăng dầu tại Mỹ tiếp tục "hạ nhiệt"

Điều phối viên năng lượng quốc tế của Mỹ Amos Hochstein cho biết Mỹ vẫn chưa giải quyết các chi tiết cụ thể trong khuôn khổ áp đặt giới hạn giá đối với dầu của Nga.

Giá xăng loại thường trung bình tại Mỹ đã giảm 32 cent trong 2 tuần qua xuống còn 4,54 USD/gallon. Chuyên gia phân tích năng lượng Trilby Lundberg tại công ty Lundberg Survey nhận định giá xăng đã tiếp tục đà giảm do giá dầu thô cũng giảm. Bà Lundberg cho rằng có khả năng sẽ tiếp tục xảy ra các đợt giảm giá xăng.

Giá xăng trung bình tại trạm bơm đã giảm 55 cents trong 6 tuần qua, nhưng cao hơn 1,32 USD so với một năm trước. Trên toàn quốc, giá cao nhất đối với xăng loại thường là 5,65 USSD/gallon tại thành phố Los Angeles, bang California, trong khi giá thấp nhất là 3,9 USSD/gallon ở thành phố Baton Rouge, bang Louisiana. Giá dầu diesel trung bình tại Mỹ đã giảm 22 cent trong 2 tuần vừa qua, xuống còn 5,55 USD/gallon.

Thế giới - Giá xăng dầu tại Mỹ tiếp tục 'hạ nhiệt'

Điều phối viên của Mỹ về các vấn đề năng lượng quốc tế Amos Hochstein gặp gỡ Thủ tướng Liban sắp mãn nhiệm Najib Mikati, tại Beirut, Lebanon hôm 14/6/2022. Ảnh: Yahoo.com.

Vào tháng trước, nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã đồng ý cùng nhau tìm cách cấm “tất cả dịch vụ vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga bằng đường biển trên toàn cầu, trừ trường hợp dầu được mua ở mức giá bằng hoặc thấp hơn giá đã thỏa thuận với các đối tác quốc tế". Tuy nhiên, điều phối viên của Mỹ về các vấn đề năng lượng quốc tế Amos Hochstein mới đây cho biết Mỹ vẫn chưa giải quyết các chi tiết cụ thể trong khuôn khổ áp đặt giới hạn giá toàn cầu.

Biện pháp này nhằm giữ cho giá dầu của Nga ở mức thấp mà không khiến nguồn cung bị cắt đứt hoàn toàn và giá dầu toàn cầu không tăng đột biến. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc lớn vào dầu của Nga đã do dự về việc áp đặt giới hạn giá như vậy. Họ quan ngại phía Nga sẽ từ chối mức giá này và cắt đứt dòng chảy năng lượng sang châu Âu.

Bên cạnh đó, để giới hạn giá dầu thực sự hiệu quả đòi hỏi phải có sự tham gia của cả các quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn ở ngoài nhóm G7 như Ấn Độ và Trung Quốc, theo hãng tin Reuters. Kể từ khi xung đột tại Ukraine bắt đầu hồi cuối tháng 2 năm nay, Trung Quốc và Ấn Độ đã gia tăng mạnh nhập khẩu dầu thô từ Nga.

Điều phối viên Amos Hochstein bày tỏ lạc quan rằng Nga cuối cùng vẫn tiếp tục sản lượng của mình dù bị giới hạn giá, bởi "nền kinh tế của họ không có gì khác".

Ông Hochstein chia sẻ với hãng tin Yahoo Finance: “Chúng tôi đã chứng kiến bằng chứng trên thị trường rằng Nga đang bán dầu với mức chiết khấu đáng kể. Chúng tôi muốn đặt mức giá tối đa. Chúng tôi biết rằng họ sẵn sàng bán dầu với giá chiết khấu để có thể bán được".

Bình luận của ông Hochstein được đưa ra sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết hôm 22/7 rằng Moscow không có kế hoạch cung cấp dầu thô cho các quốc gia áp đặt giá trần đối với hàng xuất khẩu nước này. Bà Nabiullina phát biểu trước báo giới rằng dầu của Nga sẽ được chuyển hướng đến các quốc gia sẵn sàng “hợp tác”.