Giá xăng sắp vượt 30.000 đồng/lít?

Giá xăng có thể tăng lên 30.000 đồng/lít, thậm chí vượt ngưỡng này vào kỳ điều hành tới, nếu giá dầu thế giới không 'hạ nhiệt'.

Chia sẻ với VTC News, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết thị trường xăng dầu trong nước đang đối diện với đợt tăng giá mạnh, khả năng vượt mức 30.000 đồng/lít hoàn toàn có thể xảy ra.

“Xăng dầu vừa được điều chỉnh giá vào ngày 11/5. Hiện còn quá sớm để dự báo giá xăng trong kỳ điều hành tới. Nhưng có thể thấy là thị trường biến động nhanh, giá đổi chiều liên tục và xu hướng chung là tăng. Nếu giá dầu thế giới không hạ nhiệt, chắc chắn giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ sớm vượt qua ngưỡng 30.000 đồng/lít”, vị này nói.

Giá xăng có thể tăng lên 30.000 đồng/lít, thậm chí vượt ngưỡng này vào kỳ điều hành tới. (Ảnh minh họa)

Trong kỳ điều hành trước, Liên bộ Công Thương – Tài chính quyết định tăng hầu hết các mặt hàng xăng, dầu. Cụ thể, giá xăng E5RON92 tăng thêm 1.490 đồng/lít, từ mức 27.469 đồng/lít lên 28.959 đồng/lít. Xăng RON95 tăng 1.550 đồng/lít, từ 28.433 đồng/lít lên mức lên 29.983 đồng/lít.

Dầu diesel tăng 1.210 đồng/lít, từ 25.530 đồng/lít lên 26.740 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 1.340 đồng/lít, từ 23.825 đồng/lít lên 25.165 đồng/lít. Dầu mazut giữ nguyên giá 21.560 đồng/ký.

Như vậy sau 8 lần tăng liên tục và 3 lần giảm, giá xăng dầu tiếp tục tăng trở lại. Trong năm nay, giá xăng dầu liên tục tăng và có mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ 7/2014.

Tại kỳ điều chỉnh giá vừa qua, nhà điều hành không chi sử dụng quỹ bình ổn giá với hầu hết các mặt hàng trong bối cảnh một số doanh nghiệp lớn vẫn đang âm quỹ (riêng dầu hỏa chi sử dụng quỹ là 330 đồng/lít). Trong khi đó, cơ quan điều hành tiếp tục trích lập quỹ bình ổn với các mặt hàng xăng dầu khác.

Theo Liên bộ, thị trường xăng dầu thế giới trước ngày điều hành giá có nhiều biến động lớn. Việc Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra đề xuất cấm vận đối với các sản phẩm xăng dầu từ Nga và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh (OPEC+) không tăng sản lượng so với kế hoạch như đề xuất của EU đã gây lo ngại về nguồn cung cho thị trường.

Bên cạnh đó, nhu cầu dầu thô tăng sau khi Mỹ công bố kế hoạch mua 60 triệu thùng để bổ sung cho kho dự trữ khẩn cấp. Các yếu tố trên đã đẩy giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm tăng cao so với tuần trước đó.

Theo các chuyên gia, giá xăng dầu đẩy giá hàng hóa và dịch vụ tăng đã ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến đời sống của người dân. Nếu để giá chuyển từ "nóng" sang "sốt", hệ lụy rất lớn, lạm phát sẽ trở lại, gây sức ép nên sự ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, cần phải chủ động từ xa để hạn chế thấp nhất tình trạng giá chuyển từ "nóng" sang "sốt".

Trong cơn "bão" giá xăng, doanh nghiệp vận tải là đối tượng cảm nhận khó khăn rõ nhất. Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng, từ đầu năm đến nay giá xăng dầu đã tăng nhiều lần và hiện cao kỷ lục, gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp vận tải. Theo tính toán của ông Liên, xăng dầu chiếm 45-50% tổng chi phí của ngành vận tải, vì thế giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ khiến nhiều doanh nghiệp vận tải làm ăn thua lỗ, thậm chí nguy cơ phá sản. Đáng lo là tình trạng này có thể kéo dài, do tình hình căng thẳng Nga - Ukraina và cấm vận của các nước phương Tây đối với Nga đã đẩy thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng, nhiên liệu.

“Giá vé từ trước đến giờ không đổi, chỉ có xăng dầu và các chi phí khác là tăng liên tục. Ngoài ra, người dân vẫn lo ngại dịch bệnh nên ít tham gia giao thông công cộng hơn, doanh thu của ngành vận tải vì thế cực kỳ khó khăn”, ông Liên nói.