Giải ngân đầu tư công tại Kon Tum: Loạt dự án “rùa bò”, lo tiến độ về đích

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum cho biết, tỷ lệ giải ngân tại các dự án đã được phân bổ vốn trên địa bàn tỉnh Kon Tum thấp dẫn đến giải ngân nguồn vốn đầu tư công chậm. Sức ép giải ngân đang dồn vào những tháng còn lại của năm 2022.

inh-kon-tum-duoc-bo-tri-hon-3200-ty-dong-von-dau-tu-cong-nhung-den-het-thang-6-moi-giai-ngan-gan-868-ty-dong-1657608117.jpg

Năm 2022, Tỉnh Kon Tum được bố trí hơn 3.200 tỷ đồng vốn đầu tư công nhưng đến hết tháng 6 mới giải ngân gần 868 tỷ đồng

Năm 2022, tỉnh Kon Tum được bố trí hơn 3.200 tỷ đồng vốn đầu tư công, trong đó ngân sách địa phương hơn 1.800 tỷ đồng, ngân sách trung ương gần 1.400 tỷ đồng.

Đến hết tháng 6/2022, Tỉnh đã phân bổ chi tiết hơn 3.147 tỷ đồng, số vốn còn lại chưa phân bổ là 65,570 tỷ đồng. Theo Kho bạc Nhà nước tỉnh Kon Tum, dù tỷ lệ phân bổ cao, nhưng thực tế giải ngân lại rất thấp (gần 868 tỷ đồng).

Với phần vốn ngân sách trung ương, tỷ lệ giải ngân đạt 26,7% (hơn 369 tỷ đồng/gần 1.400 tỷ đồng) bao gồm các lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi và thủy sản; riêng lĩnh vực y tế giải ngân chỉ đạt 1%. Liên quan đến phần vốn này, trong năm 2022, tỉnh Kon Tum đã khởi công mới 7 dự án nhưng mới giải ngân được gần 49 tỷ đồng, đạt 11,55% kế hoạch.

Trong khi đó, các dự án được bố trí vốn từ ngân sách địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, trong đó Dự án Đường và cầu từ Tỉnh lộ 671 đi Quốc lộ 14; cầu số 2 qua sông Đăk Bla do Ban Quản lý các dự án 98 làm chủ đầu tư mới giải ngân đạt 3,47% kế hoạch (765 triệu đồng/22 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Dự án Hồ chứa nước Đăk Pokei (giai đoạn 1) vốn đầu tư gần 10,5 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum làm làm chủ đầu tư cũng chưa thể giải ngân do đang… điều chỉnh dự án. Cả 3 dự án do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư mới chỉ giải ngân được 5,52% kế hoạch (1,437 tỷ đồng/26 tỷ đồng) gồm: Dự án Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Kon Tum; Dự án Cải tạo, sửa chữa và bổ sung trang thiết bị Sân vận động Tỉnh; Dự án Trưng bày Bảo tàng ngoài trời. Đến thời điểm hiện tại, các dự án mới đang ở giai đoạn thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, việc giải ngân đầu tư công chậm là do các chủ đầu tư mới triển khai công tác lựa chọn nhà thầu khảo sát, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, thực hiện các thủ tục đấu thầu, chưa có nhiều khối lượng thanh toán để giải ngân vốn.

Ngoài ra, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án bị tắc nghẽn nên chưa có khối lượng thi công. Có thể kể đến Dự án Đường và cầu từ Tỉnh lộ 671 đi Quốc lộ 14; Dự án Đường dẫn vào cầu số 03 qua sông Đăk Bla gắn với chỉnh trang đô thị; Dự án Đường Trường Chinh; Dự án Đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum; Kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla trên địa bàn thành phố Kon Tum; Dự án Khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng đường bao khu dân cư phía Nam thành phố Kon Tum… “Đây là nút thắt lớn nhất trong giải ngân vốn đầu tư công của Tỉnh”, Sở KH&ĐT tỉnh Kon Tum cho hay.

“Tỉnh Kon Tum sẽ kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đồng thời, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các chủ đầu tư chậm giải ngân. Các chủ đầu tư làm việc cụ thể với nhà thầu, có bản cam kết tiến độ, đồng thời giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện. Đối với các dự án khởi công mới đã có kết quả lựa chọn nhà thầu, đề nghị khẩn trương giao thầu để triển khai thi công ngay và phải có bản cam kết với nhà thầu về tiến độ thi công”, Sở KH&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết.

Theo ông Ngô Việt Thành, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Kon Tum, đối với những dự án bị vướng mặt bằng chưa thể giải ngân vốn đầu tư công, trong tuần này, Sở sẽ làm việc với các địa phương, chủ đầu tư, sau đó sẽ có báo cáo tổng thể trình UBND Tỉnh có biện pháp chỉ đạo.