Giao dự thu ngân sách 20 tỷ USD: Quá sức với TP.HCM vừa trải qua Covid-19

Dự toán thu ngân sách của TP.HCM năm 2023 khoảng 496.000 tỷ đồng, con số này quá sức đối với một TP.HCM vừa vượt qua đại dịch Covid-19…

cau-thu-thiem-2-1666686918.jpg Cầu Thủ Thiêm 2 tại TP.HCM.

 

Dự toán thu 2023 của TP.HCM lớn, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các doanh nghiệp trong bối cảnh họ vừa trải qua đại dịch. UBND TP.HCM đề nghị Trung ương cân nhắc, không bổ đầu, vì bối cảnh hiện nay có nhiều thay đổi và kiến nghị tăng thêm tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM.

DỰ THU KHOẢNG 20 TỶ USD NĂM 2023

Ngày 22/10/2022, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và việc tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Một vấn đề đáng chú ý được nêu ra tại tổ TP.HCM, các đại biểu Quốc hội cho rằng mức giao dự toán thu ngân sách năm 2023 cho TP.HCM dường như quá sức với thành phố - nơi vừa trải qua đại dịch Covid-19.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết thu ngân sách của TP.HCM năm 2022 theo ước tính của Bộ Tài chính khoảng 426.550 tỷ đồng (17,7 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay, vượt thu 39.982 tỷ đồng so với dự toán 386.000 tỷ đồng.

Nhận định về con số giao dự toán thu ngân sách cho TP.HCM năm 2023 trên 469.000 tỷ đồng (20,6 tỷ USD), đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng con số này quá sức đối với một TP.HCM vừa vượt qua đại dịch Covid-19. Đề nghị tính toán thêm để giai đoạn 2023-2025 có thể tăng thêm tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM, để thành phố có thêm nguồn lực đầu tư, phát triển và phát huy thêm thế mạnh của mình.

dai-bieu-qh-1666686966.jpg Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM thảo luận tại tổ trong chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 22/10/2022 - Ảnh: TK.

 

Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, cũng cho rằng dự toán thu 2023 của TP.HCM lớn, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các doanh nghiệp trong bối cảnh họ vừa trải qua đại dịch. Do đó đề nghị cân nhắc, không bổ đầu vì bối cảnh hiện nay có nhiều thay đổi. TP.HCM đóng góp từ 25-27% ngân sách quốc gia, do đó cần có sự chăm lo, nuôi dưỡng nguồn thu.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng càng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Chính phủ càng phải tập trung hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi…

Góp ý cho vấn đề kích hoạt ngay khi nền kinh tế thế giới suy thoái, như: chuẩn bị sẵn nhiều kịch bản giảm thuế, giảm nghĩa vụ đóng góp… Đại biểu Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng Chính phủ cần đặc biệt lưu ý đến công tác điều hành tỷ giá và coi đây là “chìa khoá” để linh hoạt thích ứng với xu thế tăng lãi suất của thế giới. Bên cạnh đó, duy trì tín dụng hợp lý, hướng đúng vào địa chỉ cần ưu tiên…

 NHANH CHÓNG ỔN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU

Một vấn đề quan trọng nữa mà nhiều đại biểu quan tâm là an ninh tiền tệ. Theo ông Phan Văn Mãi, vụ việc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) xảy ra vừa qua không chỉ tác động đến an ninh ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. Các dự án lớn sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến công ăn việc làm. Do đó, Chính phủ cần nhận diện rõ vấn đề này để bảo đảm an ninh tiền tệ.

“Chính phủ xử lý tốt vấn đề trái phiếu, coi đó là vấn đề cấp bách từ đây đến cuối năm và năm sau. Cùng với đó là tín dụng ngân hàng, phải giám sát, lọc được dòng vốn, phải để chảy vào sản xuất kinh doanh chứ không phải để đảo nợ. Cần phải có chính sách lãi suất hợp lý”, ông Mãi nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Mãi, Chính phủ cần có giải pháp về vấn đề xăng dầu, có cơ chế, chính sách đầu tư cho dự trữ xăng dầu để bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là ở TP.HCM và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, trong đó, có thể tính đến các hình thức dự trữ mới.

Về Nghị quyết 54, ông Mãi cho biết thành phố kiến nghị gia hạn 1 năm để tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, đồng thời chuẩn bị dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54.

Nghị quyết mới sẽ có nhiều nội dung như về cơ chế chính sách đầu tư, tài chính ngân sách, tổ chức bộ máy - biên chế, quản lý đô thị - đất đai, quản lý xã hội, cơ chế đặc thù cho TP. Thủ Đức, một số cơ chế cho trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM…

“TP.HCM phấn đấu trong tháng 11/2022 sẽ báo cáo lần đầu với Đảng đoàn Quốc hội, sau đó báo cáo Bộ Chính trị để kịp trình tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội (không chờ đến kỳ họp cuối năm 2023), để bảo đảm triển khai sớm nhất”, ông Mãi nói.

Kéo dài Nghị quyết 54 đến hết năm 2023

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình Quốc hội báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Nghị quyết 54).

Theo đó, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết 54 chậm so với kế hoạch, một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều.

Cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp TP.HCM có điều kiện huy động thêm nguồn lực (mục tiêu hàng năm huy động thêm nguồn lực 40.000 - 50.000 tỷ đồng) trong giai đoạn 2018-2022, nhưng mới chỉ có nguồn từ thưởng và đầu tư trở lại từ ngân sách Trung ương (1.654 tỷ đồng), thu từ cổ phần hóa và thoái vốn (1.786,6 tỷ đồng), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (2.800 tỷ đồng) và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước cho TP.HCM vay lại (11.387,3 tỷ đồng), thu được từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp (132,6 tỷ đồng).

Còn các nguồn có tiềm năng, có số thu lớn chưa được triển khai thực hiện, như: thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp; thu khai thác tài sản và từ đất đai...

Với 5 năm triển khai, trong đó có 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện. Từ thực tế đó, Chính phủ kiến nghị với Quốc hội cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết ngày 31/12/2023.