Giới chức Fed quyết tâm hạ gục lạm phát nhưng vẫn tranh luận tăng lãi suất 25 hay 50 bps

Tại cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2023, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhấn mạnh rằng lạm phát đang có dấu hiệu đi xuống, nhưng chưa đủ để ngân hàng trung ương Mỹ ngừng tăng lãi suất.

fed-1677116579.jpg Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: AP).

Kết thúc cuộc họp hồi cuối tháng 1, Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã thông qua mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản (bps), qua đó nâng lãi suất quỹ liên bang lên phạm vi 4,5 - 4,75%.

Biên bản cuộc họp mới được công bố cho thấy, mặc dù Fed quyết định tăng lãi suất với quy mô nhỏ hơn hầu hết các đợt trước, các quan chức Fed nhấn mạnh rằng họ vẫn rất lo ngại về lạm phát.

Biên bản nhấn mạnh rằng lạm phát hiện “vẫn cao hơn” mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Mỹ. Thị trường lao động “vẫn chịu những nút thắt, góp phần gây thêm áp lực lên tiền lương và giá cả”.

“FOMC lưu ý rằng dữ liệu lạm phát trong ba tháng qua cho thấy tốc độ tăng của giá cả đã chững lại, rất đáng mừng.

Song, các quan chức vẫn cần thêm bằng chứng đáng kể rằng giá cả đang đi xuống trên một phạm vi rộng hơn để tin chắc rằng lạm phát đang có xu hướng giảm bền vững”, biên bản có đoạn.

lai-suat-1677116647.png

Biên bản cho biết các quan chức tin tưởng chu kỳ tăng lãi suất “đang diễn ra” là rất cần thiết. Mặc dù FOMC thông qua mức tăng 25 bps, nhưng biên bản cho thấy không phải tất cả quan chức đều nhất trí.

“Một vài” thành viên uỷ ban cho biết họ muốn tăng 50 bps nhằm thể hiện quyết tâm đánh bại lạm phát lớn hơn.

Kể từ cuộc họp tháng 1, Chủ tịch chi nhánh St. Louis là ông James Bullard và chi nhánh Cleveland là bà Loretta Mester đều cho biết họ nằm trong nhóm ủng hộ nâng lãi suất mạnh tay hơn.

Tuy nhiên, biên bản cuộc họp không nêu rõ có bao nhiêu thành viên cũng như các quan chức cụ thể nào muốn tăng 50 bps.

“Những quan chức ủng hộ mức tăng 50 bps lưu ý rằng một động thái mạnh mẽ hơn sẽ nhanh chóng đưa lãi suất lên gần mức đỉnh [đủ để kìm hãm hoạt động kinh tế và ổn định giá cả kịp thời hơn]”, biên bản viết.

Bà Krishna Guha, trưởng bộ phận chính sách toàn cầu tại Evercore ISI, nhận xét, dù biên bản tóm tắt đã đề cập đến cuộc thảo luận về việc tăng lãi suất mạnh hơn, “không có nỗ lực nào cho thấy khả năng Fed sẽ quay lại mức tăng 50 bps”.

Kể từ cuộc họp, nhiều quan chức đã nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương Mỹ cần phải thận trọng và cảnh giác, ngay cả khi họ bày tỏ sự lạc quan rằng dữ liệu lạm phát gần đây rất đáng khích lệ.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 22/2 với CNBC, ông Bullard đã lần nữa khẳng định rằng tăng lãi suất lên cao hơn và sớm hơn sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Ông dự đoán lãi suất sẽ đạt đỉnh ở mức 5,375%, tương quan với kỳ vọng của thị trường.

lam-phat-1677116723.png

Dữ liệu kinh tế tháng 1 cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt so với mức cao vào mùa hè năm 2022, nhưng nhìn chung các chỉ số giá vẫn đang tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 đã tăng 0,5% so với tháng 12 và 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá sản xuất (PPI) nhích 0,7% so với tháng 12 và tăng 6% so với cùng kỳ. Cả hai đều tăng cao hơn ước tính của Phố Wall.

Thị trường lao động cũng đang nóng lên, cho thấy chu kỳ tăng lãi suất của Fed, dù đã tác động đến thị trường nhà ở và một số lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất, vẫn chưa ảnh hưởng đến phần lớn nền kinh tế.

Hiện tại, thị trường tài chính đang lo ngại rằng nếu Fed tăng lãi suất quá nhanh hoặc quá cao, họ có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.

Biên bản cuộc họp tháng 1 lưu ý rằng “một số” thành viên FOMC coi nguy cơ suy thoái là “rất cao”. Các quan chức khác thì công khai bày tỏ rằng Fed có thể tránh được suy thoái và hạ cánh mềm nền kinh tế.

Một số rủi ro mà các nhà hoạch định chính sách đã đề cập đến là chiến sự tại Ukraine, việc Trung Quốc mở cửa trở lại và khả năng thị trường lao động Mỹ có thể bị thắt chặt hơn trong thời gian dài hơn dự kiến.