Góc khuất nghề làm đẹp: Bát nháo đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ

Dù làm chui, các cơ sở thẩm mỹ vẫn ngang nhiên nhận đào tạo học viên. Thậm chí, những cơ sở mang mác đào tạo chính quy cũng vô cùng bát nháo trong quá trình cấp chứng chỉ hành nghề.
Góc khuất nghề làm đẹp: Bát nháo đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ
Bất chấp không thi đúng quy định, “thí sinh “ vẫn dễ dàng vượt qua bài thi. Ảnh: PV

"Thời gian đào tạo tùy thuộc vào... sự liều lĩnh của học viên"

Tại cơ sở làm đẹp trong chung cư tại đường Thọ Tháp (Cầu Giấy, Hà Nội), trong vai người đi học việc, tôi tận mắt quan sát một buổi thực hành tiểu phẫu cắt mí.

Thừa nhận là mở chui, N (chủ cơ sở) cho hay, hàng loạt chứng nhận, bằng khen, cúp khen thưởng được trưng bày trang trọng tại cơ sở chỉ để lòe khách hàng, không có tính pháp lý.

Theo N, thời gian học không cố định. Có người chỉ cần học 2, 3 buổi. Thậm chí, có học viên chỉ cần 1 buổi duy nhất đã có thể trực tiếp tiêm filler cho khách hoặc xắn tay dùng dao rạch những đường đầu tiên trên người thật.

Chúng tôi tiếp tục ghi nhận tại một cơ sở đào tạo thẩm mỹ khác trên đường Bùi Xuân Phái (Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chuyên đào tạo nắn chỉnh xương khớp thẩm mỹ. Đáng nói là, giá học nghề ở đây khiến chúng tôi phải bất ngờ… ngã ngửa. Theo quảng cáo, mỗi khóa nắn chỉnh xương khớp thẩm mỹ ở cơ sở này kéo dài trong vòng 7 ngày, có giá lên tới 300 triệu đồng.

Chỉ sau 1 tuần, từ con số 0, học viên có thể thực hiện các dịch vụ nắn chỉnh cân đối khuôn mặt, hạ gò má, thon gọn hàm, tạo cằm V line…

Đại diện cơ sở cũng cho hay, sau khi học xong, học viên được sử dụng dược liệu độc quyền của công ty, sản xuất tại Hàn Quốc. Thế nhưng, thực tế, theo nơi sản xuất trên bao bì, nguồn gốc của các sản phẩm này lại là Thường Tín, Hà Nội.

Đáng nói là, học phí thì ngút trời, nhưng kỳ lạ là, giáo viên ở đây người dạy về da lại học về sản, người dạy xương khớp thì chuyên ngành lại về da.

P.A - quản lý của cơ sở này - cho hay: “Chị T (CEO công ty) trước kia là bên da liễu, chuyên ngành về da, giờ dạy về xương. Còn chị học về bên sản, giờ chuyên về da liễu”.

Cơ sở đào tạo này còn khẳng định, học viên sẽ được cấp chứng chỉ của 1 trường nghề hợp pháp. “Bên chị kết hợp với bên nghề Thăng Long cung cấp chứng chỉ hành nghề cho bọn em” - P.A khẳng định.

Dễ dãi cấp chứng chỉ hành nghề

Trong vai người cần có chứng chỉ mở spa, chúng tôi lục tìm địa chỉ cung cấp những giấy tờ này. Chỉ một cú đúp tìm kiếm, hàng loạt kết quả hiện ra. Trong đó, nổi bật là Trường Cao đẳng Y dược Cộng đồng - ngôi trường tự giới thiệu là đơn vị đào tạo thẩm mỹ chính quy ở trình độ cao nhất miền Bắc.

Chỉ một cú điện thoại, chúng tôi ngay lập tức kết nối được với Đ - nhân viên tuyển sinh của nhà trường. Biết được nhu cầu của chúng tôi, Đ hồ hởi hướng dẫn gửi hồ sơ đăng ký học về địa chỉ 86 Trần Thủ Độ, Hoàng Liệt, Thanh Trì, Hà Nội.

Theo người này, để lấy được chứng chỉ nghề và chứng chỉ An toàn y tế, thí sinh chỉ cần tham gia 1 buổi nhắc nhở trước thi và 1 buổi thi. Người này liên tục nhấn mạnh chỉ cần tham gia 2 buổi này sẽ đỗ, không phải học bất cứ khóa học nào.

Đúng như lời giới thiệu của Đ, sau khi nộp số tiền 3 triệu đồng để thi 2 chứng chỉ, chúng tôi ngay lập tức được sắp xếp lịch "ôn thi" và thi ngay sau đó. Tất cả đều thực hiện online.

Buổi thi thì vô cùng nhốn nháo. Sắp xếp 3 người khác nhau thay phiên điểm danh thi và học, chúng tôi không hề gặp bất kỳ một khó khăn gì từ giám thị coi thi. Đến phần thi thực hành môn phun xăm, cố tình không thực hiện các yêu cầu của bài thi, đến gần cuối buổi thi, phóng viên mới “được” giám thị để ý và nhắc nhở.

Giáo viên công khai từ chối bài của chúng tôi do lạc đề, không làm bài đúng yêu cầu tại nhóm chat chung của lớp thi ngày hôm đó. Tuy nhiên chỉ bằng một cuộc gọi điện thoại cho Đ, bài thi của chúng tôi vẫn được chấp nhận.

Gặp lại sau ngày thi, Đ cho biết thêm, bên cạnh việc cấp bằng, trường còn có “chương trình mở rộng” cho các chủ cơ sở thi bằng tại đây.

Không chỉ thế, Đ cho hay, trường còn đang phát triển một hệ sinh thái, bao gồm đào tạo, tổ chức các cuộc thi vinh danh, chuỗi cơ sở làm đẹp, thậm chí còn có cả một tạp chí riêng của trường. Thế nhưng, thực chất, “Tạp chí đẹp” mà Đ nhắc tới chỉ là một trang web không được cấp phép.

Theo Đ, để thể hiện là một cơ sở uy tín thì phải có nhiều cúp, nhiều giấy khen… Chính vì thế, nhà trường tổ chức những cuộc thi như vậy. Chỉ cần “xì” tiền, ngay lập tức các chủ spa được công nhận là “đôi tay tài hoa”, “spa top Hà Nội”…

Đáng nói, tình trạng cấp chứng chỉ bát nháo không chỉ xảy ra ở cơ sở đào tạo nêu trên. Chúng tôi tiếp tục liên hệ tới trường Cao đẳng Kỹ thuật Y dược Hà Nội. Hồ sơ thi được nhận tại các "văn phòng", mà thực chất chính là các cơ sở làm đẹp.

Đón tiếp chúng tôi tại một cơ sở làm đẹp, một người đàn ông tự giới thiệu mình được trường Cao đẳng Kỹ thuật Y dược Hà Nội ủy quyền, thao thao bất tuyệt: "Theo quy định là mình phải học từ 1 đến 3 tháng là mình mới được cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, nhà trường đã ủy quyền cho bọn em, tạo điều kiện cho các chị. Các chị chỉ cần ôn 1 buổi và thi là được cấp bằng”.

Và đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường có cách "đào tạo" bát nháo trong ngành thẩm mỹ hiện nay...