‘Góc khuất’ ở một tập đoàn nông nghiệp mới nổi có mối liên hệ với T&T Group

CTCP tập đoàn Tân Long được xem là “thế lực” mới nổi trong mảng đầu tư nông nghiệp khi mới đây đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến gạo lớn nhất châu Á. Tuy nhiên, vẫn còn đó những điều tiếng trước đây trong chuyện nhập khẩu gạo Ấn Độ và kể cả “góc khuất” quanh mối liên hệ làm ăn với tập đoàn T&T và dấu hỏi về các khoản nợ nần…

Trong tháng 1/2022 vừa qua CTCP tập đoàn Tân Long (chủ của thương hiệu gạo “A An”) đã khánh thành nhà máy sản xuất gạo có quy mô lớn nhất châu Á, với diện tích 161.000m2 tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, An Giang. Nhà máy này có công suất xay xát chế biến 1.600 tấn/ngày (lúa khô), tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành lúa gạo của Việt Nam khi có một nhà máy chế biến “khủng” như vậy. 

Điều tiếng nhập gạo Ấn Độ

Tuy vậy, khi nhắc đến tập đoàn Tân Long (Tân Long Group) làm cho dư luận không khỏi hoang mang khi doanh nghiệp (DN) này là một trong năm DN xuất nhập khẩu gạo từng bị Bộ Công Thương kiểm tra vào tháng 6/2021 liên quan đến tình hình nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ gạo Ấn Độ tăng đột biến.

HINH-2559-1645443905.jpg

Tân Long Group là một trong năm DN được nêu tên trong đợt kiểm tra hồi tháng 6/2021 của Bộ Công Thương liên quan đến tình hình nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ gạo Ấn Độ tăng đột biến.

Trong đợt kiểm tra nêu trên, Tân Long Group được cho là cái tên nổi bật nhất. Thời điểm ấy, có ý kiến cho rằng việc nhập khẩu gạo Ấn Độ là bình thường vì gạo nước ngày rẻ hơn gạo Việt Nam nên các DN nhập về để chế biến các sản phẩm từ gạo và phục vụ nhu cầu chăn nuôi.

Thế nhưng, trong tầm hiểu biết của những DN Việt vốn tâm huyết với ngành lúa gạo, đã gay gắt phản ứng việc nhập khẩu này. Nhất là mối lo ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu gạo khi một số DN vì lợi ích nhỏ trước mắt, đã nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn gạo giá rẻ từ Ấn Độ rồi gắn mác xuất xứ Việt Nam.

Thực ra, hồi năm rồi, theo phản ánh của một số DN trong ngành lúa gạo về tình trạng có một DN của Việt Nam đã nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về để tiêu thụ trong nước một phần, đồng thời pha trộn thêm gạo trắng Việt Nam sau đó xuất khẩu ra nước ngoài với xuất xứ Việt Nam. 

Việc này chỉ bị phát hiện khi một số đối tác mua hàng tại Trung Đông đã ngừng mua gạo của Việt Nam vì lo ngại mua phải gạo Ấn Độ mạo danh xuất xứ Việt Nam sau khi phát hiện việc gạo trắng của Việt Nam gần đây rất xấu, cũ, chất lượng chỉ ở mức tương đương với gạo Ấn Độ.

Mặc dù cơ quan quản lý chưa có đủ thông tin về việc nhập gạo Ấn Độ “đội lốt” xuất xứ gạo Việt Nam, nhưng nếu như có chuyện DN trong nước nhập gạo Ấn Độ giá rẻ nhưng lại gắn mác Việt thì khó có thể chấp nhận được. Bởi vì chính điều này sẽ gây tổn hại, phá hoại cho ngành xuất khẩu gạo Việt Nam.

Trong khi đó, vài năm trước, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tân Long Group, đã từng có chia sẻ là nếu gạo Ấn Độ có chất lượng phù hợp và giá cạnh tranh hơn thì các công ty xuất khẩu của Việt Nam không bán được hàng.

Thấp thoáng “bóng dáng” T&T Group

Ngoài điều tiếng quanh chuyện nhập gạo Ấn Độ, thời gian gần đây đã có nhiều thông tin về mối liên hệ chằng chịt trong làm ăn giữa Tân Long Group của ông Trương Sỹ Bá với Tập đoàn T&T (T&T Group) và ngân hàng của ông Đỗ Quang Hiển.

Cần nhắc lại, vào năm 2018, chính ngân hàng của ông Hiển đã ký kết hợp tác cấp gói tín dụng có hạn mức 770 tỷ đồng với CTCP Gạo Hạnh Phúc (công ty con của Tân Long Group) để triển khai đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo lớn nhất châu Á ở An Giang nêu trên.

Không chỉ vậy, thông tin cách đây hơn 1 năm cho thấy Tân Long Group của ông Trương Sỹ Bá là đối tác chiến lược trong dự án kinh doanh điều của T&T Group.

Nên biết thêm, khi đầu tư vào mảng nông nghiệp, T&T Group đã tăng lượng nhập khẩu điều thô qua từng năm (như năm 2020, tổng sản lượng xuất nhập khẩu điều mà T&T thực hiện đạt trên 400.000 tấn, tương đương khoảng 25% sản lượng xuất nhập khẩu điều của cả nước). 

Ông Trương Sỹ Bá từng chia sẻ rằng tập đoàn T&T muốn mua thật nhiều và ổn định hàng nội địa Việt Nam cũng như trên thế giới để bình ổn giá thị trường.

Điều đáng nói, T&T Group được đánh giá vị trí dẫn đầu Việt Nam trong lĩnh vực nhập khẩu nông sản. Nhất là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đã liên tục được DN duy trì liên tục trong những năm vừa qua.

Như hồi tháng 6/2021, T&T đã ký kết thành công 2 thương vụ nhập khẩu nguyên liệu sản xuất TĂCN (gồm: Bã ngô lên men; lúa mỳ; khô đậu tương và ngô) từ Mỹ với tổng giá trị 525 triệu USD và sẽ thực hiện trong năm 2022 này. 

Số liệu cách đây 2 năm còn thể hiện việc T&T cùng đối tác chiến lược của mình trong dự án kinh doanh nông sản đã nhập khẩu trên 2,5 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (tương đương kim ngạch 559 triệu USD, tính đến cuối năm 202), chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch nhập khẩu TĂCN của cả nước vào thời điểm trên.

Mặc dù việc nhập khẩu này giúp giải quyết phần nào tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu cho thị trường TĂCN, thế nhưng, nhắc đến việc nhập khẩu nguyên liệu TĂCN là điều mà dư luận ngán ngẩm khi đã gây ra quá nhiều rủi ro cho ngành chăn nuôi ở Việt Nam trong thời gian qua. Nhất là ở một quốc gia có thế mạnh về ngành nông sản nhưng tình trạng tăng giá “chóng mặt” của nguyên liệu nông sản nhập khẩu dẫn đến giá TĂCN tăng theo vùn vụt, làm khốn đốn cùng cực các trang trại chăn nuôi.

Một số thông tin còn cho biết từ năm 2014 đến 2021, Tân Long Group đã ký hàng chục hợp đồng mua ngô, đậu tương…của Tập đoàn T&T với trị giá lên đến hàng trăm tỷ đồng nhằm cung cấp cho các nhà máy sản xuất TĂCN ở Việt Nam. 

Dấu hỏi các khoản nợ

Bên cạnh đó, chú ý thêm sẽ thấy đầu tháng 1/2022, CTCP Siba Holdings của ông Trương Sỹ Bá, chủ tịch Tân Long Group, đã mua vào gần 16 triệu cổ phiếu CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF), tương đương 20,5% vốn điều lệ DN.

Nên biết, trong báo cáo tài chính năm 2019 của BAF cho thấy có khoản phải thu ngắn hạn với Tân Long Group là hơn 920,3 tỷ đồng, với CTCP Thăng Hoa (công ty con của Tân Long Group) là hơn 813,7 tỷ đồng. Theo tham chiếu thuyết minh thì quyền đòi nợ liên quan đến một số hợp đồng của khách hàng được dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng của ông Hiển.

Ngoài ra, cũng theo báo cáo tài chính từ năm 2019, BAF có khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng của ông Hiển lên tới con số hơn 1.844 tỷ đồng. Trong đó, theo thuyết minh, riêng với Tân Long Group có hai hợp đồng tín dụng ngắn hạn với tổng số tiền vay hơn 477 tỷ đồng nhằm thanh toán tiền mua ngô hạt giữa BAF với Tân Long Group (có tổng giá trị hợp đồng là hơn 596,2 tỷ đồng). 

Còn giữa BAF với CTCP Thăng Hoa có hợp đồng tín dụng ngắn hạn vay hơn 304,5 tỷ đồng dựa trên hợp đồng mua đậu tương (có giá trị hơn 380,6 tỷ đồng).

Riêng trong báo cáo tài chính hợp chính năm 2021 của BAF có khoản phải thu khoản phải thu (số cuối năm) với Tân Long Group là hơn 168,6 tỷ đồng, với CTCP Thăng Hoa là hơn 101,7 tỷ đồng.

Giới phân tích đã ví von một “ma trận” phức tạp về các khoản phải thu và phải trả trong các công ty thuộc hệ sinh thái của ông Trương Sỹ Bá. Điều này nói, chính những hợp đồng ghi nợ này lại được sử dụng để đảm bảo khoản vay từ ngân hàng của ông Đỗ Quang Hiển.

Mối liên hệ khắng khít giữa Tân Long Group với tập đoàn T&T của ông Hiển còn được nhắc tới nhiều khi lấn sân tài trợ bóng đá trong thời gian gần đây. 

Trong mùa giải V-League 2021, nhãn gạo A An của Tân Long Group đã chính thức trở thành nhà tài trợ chính cho câu lạc bộ bóng đá Hà Nội của ông Đỗ Quang Hiển (tức bầu Hiển). Rồi trong tháng 6/2021 Tân Long Group lại trở thành nhà tài trợ mới của câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An. Thời điểm trên, trong giới bóng đá tỏ ra băn khoăn khi mà nhà tài trợ mới lại có mối liên qua quá “chặt chẽ” với bầu Hiển như vậy.