Gói thầu trên 35 tỷ đồng tại Bắc Ninh: Có ưu ái cho Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam?

Mặc dù liên danh Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam không đề xuất chi tiết giải pháp được tổ chuyên gia đánh giá 'sơ sài', không viện dẫn tiêu chuẩn TCVN 9389:2012; trùng nhân sự chủ chốt và thiết bị thi công vẫn được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt gói thầu trên 35 tỷ đồng, có sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước.

Có dấu hiệu gian lận Hồ sơ dự thầu vẫn được trúng thầu

Như chúng tôi đã phản ánh, Gói thầu số 10: Toàn bộ phần xây dựng hạng mục dịch chuyển đường điện 110kV (phục vụ công tác GPMB) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tuyến đường H, TP.Bắc Ninh (đoạn từ nút giao đường Kinh Dương Vương đến hồ điều hòa), bên mời thầu là Ban Quản lý Khu vực Phát triển Đô thị (UBND tỉnh Bắc Ninh). Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam đã không trung thực trong kê khai hợp đồng tương tự; trùng nhân sự chủ chốt và thiết bị thi công. Dù vậy, trong quá trình đánh giá bên mời thầu đã bỏ qua nhiều vấn đề của nhà thầu này.

Đơn cử như các giải pháp về kỹ thuật: Giải pháp trắc địa để định vị các hạng mục công trình, kiểm soát trong quá trình thi công, tiêu chí đánh giá đề ra trong Hồ sơ mời thầu (HSMT) là phải đầy đủ, chi tiết. Tuy nhiên, ở phần này, liên danh Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam (và một nhà thầu khác) đã không đề xuất chi tiết giải pháp được tổ chuyên gia đánh giá “sơ sài, không viện dẫn tiêu chuẩn TCVN 9389:2012".

Kế hoạch lựa chọn nhà thầu của UBND tỉnh Bắc Ninh.

Trong công tác tổ chức thi công và trình tự thi công yêu cầu đặt ra phải rõ ràng, hợp lý. Nhưng trong Hồ sơ dự thầu (HSDT) của nhà thầu, hàng loạt hạng mục (như đường tạm phục vụ thi công, lắp đặt thiết bị) bị đánh giá là sơ sài, không đề xuất chi tiết rõ ràng. Thiếu công tác thí nghiệm trước khi thi công (hạng mục thí nghiệm cáp ngầm 110kV); Ở phần tổ chức mặt bằng công trường: Thiếu khu vực bố trí cầu rửa xe trên sơ đồ bố trí, chưa có đề xuất biển tên công trình…

Ở biện pháp thi công chi tiết cho các công tác thi công: HSMT yêu cầu phải đầy đủ nội dung, chi tiết, cụ thể, rõ ràng và phù hợp với điều kiện thi công, trình tự thi công. Tuy nhiên, với liên danh của Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam HSDT đã không đề xuất tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu áp dụng, không đề xuất công tác kiểm tra nghiệm thu để chuyển bước thi công (công tác đào, đắp đất móng, làm đường tạm; Cốt thép, cốt pha, bê tông móng cột). Với thí nghiệm cáp ngầm “không nêu được công tác thí nghiệm cáp trước khi đưa vào thi công”.

Trong tiến độ thi công: không có biểu đồ huy động vật liệu để phục vụ thi công. Ở phần các biện pháp bảo đảm chất lượng công trình: Quản lý chất lượng trong quá trình thi công thiếu công tác làm đường tạm, thi công hào cáp ngầm, kéo rải cáp ngầm, thí nghiệm cáp ngầm…

Ở phần bảo hành công trình bên mời thầu yêu cầu nhà thầu phải đề xuất biện pháp sửa chữa, khắc phục các tồn tại, khiếm khuyết ngoài thời gian bảo hành công trình 12 tháng. Tuy nhiên, phần này nhà thầu cũng bị đánh giá là các đề xuất, giải pháp khắc phục sơ sài.

Với hàng loạt khiếm khuyết trên, bên mời thầu/chủ đầu tư không hề làm rõ HSDT của nhà thầu mà nhà thầu vẫn được đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 15 Khoản 1) quy định việc đánh giá HSDT phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá HSMT và các yêu cầu khác trong HSMT, căn cứ vào HSDT đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.

Trở lại với trường hợp của liên danh nhà thầu Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam, cho dù HSDT thiếu hàng loạt giải pháp kỹ thuật, sơ sài nhưng kết quả cuối cùng vẫn được phê duyệt trúng thầu.

Chưa hết, ở bài 1 “Chất lượng công trình 35 tỷ có đảm bảo khi nhà thầu dấu hiệu gian lận trúng thầu?” đã phản ánh nhà thầu Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam kê khai hợp đồng tương tự (khai sai cấp công trình, khai sai giá trị thực hiện hợp đồng tương tự); Đồng thời nhà thầu này còn kê khai những nhân sự, thiết bị đã huy động cho gói thầu khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gói thầu này.

Theo Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu, việc nhà thầu trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu nhằm thu lợi ích, trốn tránh nghĩa vụ hoặc cố ý cung cấp thông tin không trung thực trong HSDT làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu đều bị coi là gian lận trong đấu thầu. Nhà thầu sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Với năng lực yếu và hàng loạt vi phạm pháp luật đấu thầu, Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam (với tư cách là thành viên liên danh) đã trúng thầu gói thầu số 10 của Ban Quản lý Khu vực Phát triển Đô thị (UBND tỉnh Bắc Ninh), giá trúng thầu 35.504.803.000 đồng.

Hồ sơ mời thầu có vấn đề

Theo Điều 89, Luật Đấu thầu 2013, các hành vi bị cấm trong đấu thầu: Không bảo đảm công bằng, minh bạch, bao gồm các hành vi như: Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong HSMT đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế;...

Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định, HSMT không được nêu yêu cầu về xuất xứ cụ thể của hàng hóa, cũng không được nêu nhãn hiệu khi có thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ.

Tuy nhiên, tại HSMT Gói thầu số 10 chúng tôi đề cập trên (Hình thức lựa chọn nhà thầu: Đấu thầu rộng rãi trong nước) đã đi ngược lại quy định trên.

Cụ thể, trong HSMT, phần tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, bên mời thầu yêu cầu: Thép cốt bê tông Hòa Phát, Thái Nguyên; Cột thép đơn thân: Công ty TNHH chế tạo cột thép Đông Anh hoặc các nhà sản xuất có chứng chỉ ISO 9001 tương đương; Cáp ngầm 110kV có sợi quang OP/không có sợi quang: LS-VINA Cable&System; Dây dẫn siêu nhiệt ACCCC223: Thi Pha cable, Cadivi; Dây cáp quang, dây cáp quang kết hợp chống sét OPGW-57/24: Jiangsu Zhongtinan Technology Co, Ltd (ZTT) Trung Quốc hoặc các nhà sản xuất có chứng chỉ IsO 9001…

Theo một chuyên gia đấu thầu, khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Cùng với việc lập HSMT không phù hợp quy định pháp luật đầu thầu của Ban Quản lý Khu vực Phát triển Đô thị tỉnh Bắc Ninh và hàng loạt dấu hiệu sai phạm của nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam, dư luận đặt câu hỏi trách nhiệm của bên mời thầu đến đâu? Liệu có đảm bảo chất lượng công trình hay không?

Được biết, Gói thầu số 10: Toàn bộ phần xây dựng hạng mục dịch chuyển đường điện 110kV (phục vụ công tác GPMB) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tuyến đường H, TP.Bắc Ninh (đoạn từ nút giao đường Kinh Dương Vương đến hồ điều hòa), do UBND tỉnh Bắc Ninh duyệt tại văn bản số 1721/UBND- XDCB ngày 11/06/2021.

Trong đó, sử dụng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh và nguồn vốn khác (nếu có). Hình thức lựa chọn nhà thầu: Đấu thầu rộng rãi trong nước, lựa chọn nhà thầu qua mạng. Chủ đầu tư: Ban Quản lý Khu vực Phát triển Đô thị Bắc Ninh. Văn bản phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu nêu rõ: trách nhiệm của chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu đúng quy định, tiết kiệm giá dự toán gói thầu được duyệt đảm bảo tỷ lệ theo quy định.

Theo văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà thầu cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu là vi phạm hành vi cấm trong đấu thầu (Điều 89 Luật Đấu thầu) thì tất cả các thành viên trong nhà thầu liên danh này không đáp ứng và sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.