Gồng mình chờ tín hiệu tốt từ thị trường

22/12/2022 10:53

Thị trường bất động sản (BĐS) chững lại khiến nhiều nhà đầu tư có thể rơi vào tình cảnh chôn vốn dài hạn. Càng về cuối năm, áp lực càng tăng cao tuy nhiên một số nhà đầu tư hiện nay đang cố giữ lại tài sản chờ tín hiệu tốt từ thị trường. Chuyên gia cho rằng, thị trường có thể sẽ đảo chiều vào năm sau.

thi-truong-bds-1671675269.jpgThị trường BĐS trầm lắng trong những ngày cuối năm. Ảnh Cao Nguyên.

Áp lực càng lớn về cuối năm

Thị trường BĐS đang gặp khó khăn về thanh khoản, nhiều nhà đầu tư lâm cảnh chôn vốn, dù đã rao bán cắt lỗ suốt một thời gian dài nhưng vẫn không có người mua. Nguyên nhân do chính sách tiền tệ thắt chặt, tín dụng BĐS và trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ.

Nhiều nhà đầu tư trước đó đã dồn hết tiền của vào BĐS, đến nay phải tiếp tục giảm giá để bán được lấy tiền tiêu Tết. Anh Phùng Anh Đức, nhà đầu tư BĐS tại Hà Nội cho biết, năm 2021, dịch bệnh khiến các hoạt động kinh doanh của anh đều phải đình trệ.

Khi đó, thấy thị trường BĐS ở nhiều nơi lên cơn sốt, anh cũng tranh thủ dồn hơn 5 tỉ đồng để mua 3 mảnh đất tại ven đô với mong muốn kiếm lời.

“Khi ấy là tôi đã dốc hết toàn bộ tài sản để mua. Đến đầu năm vừa rồi, dịch bệnh cũng đã được kiểm soát, tôi nghĩ rằng các mảnh đất của mình đã có lãi nên rao bán lấy tiền quay trở lại kinh doanh. Song rao mãi đến nay cũng có không có người mua” - anh Đức nói.

Rao bán suốt nhiều tháng, mức giá cũng dần tụt nhưng đến nay những mảnh đất của anh Đức vẫn chưa sang tay được chủ mới. Hiện tại, nhiều môi giới cũng cho rằng, nếu bán ngay thì phải cắt lỗ sâu thêm nữa.

Theo khảo sát, giá đất tại nhiều khu vực từng là điểm nóng ở giai đoạn 2020 đến đầu năm 2022 giờ đã hạ nhiệt. Cụ thể, các lô đất thổ cư Hòa Lạc, giá đất dao động từ 9 - 15 triệu đồng/m2. Khu vực Đồng Mô, Yên Bài (Ba Vì) giá khoảng 5 - 7 triệu đồng/m2.

Tại Sóc Sơn, giá đất thổ cư tại Phủ Lỗ 10 - 25 triệu đồng/m2; tại Minh Tân, Minh Trí trên dưới 15 triệu đồng/m2… Mức giá này đã giảm 20 - 30%, thậm chí có lô giảm tới 40% so với đầu năm.

Tại Hòa Bình, trong thời gian dịch bệnh hoành hành, rộ lên phong trào bỏ phố về quê, cùng với sức nóng của thị trường chung đã khiến giá đất liên tục tăng mạnh, chỉ trong một thời gian ngắn đã gấp 2 - 3 lần, thậm chí là gấp 4 lần. Song, đến nay nhiều người cũng đang chật vật rao bán với mức giá giảm sâu khoảng 30% nhưng vẫn khó tìm người mua.

Chờ thị trường đảo chiều

Ở chiều ngược lại, một số nhà đầu tư quyết không bán và đang cố gồng để chờ tín hiệu thị trường tốt lên trong bối cảnh lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao.

Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng các đợt xả hàng, giảm giá trong năm 2022 chỉ là bước khởi đầu, năm 2023 có thể là giai đoạn nhiều nhà đầu tư giữ tiền mặt chủ động nắm bắt cơ hội săn hàng giá tốt.

Vị này đưa ra dự kiến các khó khăn tài chính có thể trở nên nặng nề hơn và các nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính mất khả năng thanh toán sẽ phải giảm giá BĐS để tái cơ cấu danh mục, do đó các vùng trũng về giá có thể xuất hiện vào năm sau.

Theo ông Khánh Quang, đây không phải thời điểm tốt để bán BĐS nhưng lại là thời điểm tốt để mua vào bởi có không ít sản phẩm được bán ra với mức giá hợp lý.

Nhà đầu tư nào chấp nhận rủi ro có thể mua ngay trong tháng 12, còn nếu chờ đợi các chính sách và sự điều tiết của Nhà nước… thì nên quyết định từ tháng 3 đến tháng 6 năm sau.

“Trong bối cảnh hiện nay, một số nhà đầu tư cá nhân có thể cầm cự được khoảng 6 tháng, tức là từ nay đến tháng 3.2023. Còn các doanh nghiệp tôi nghĩ là khó cầm cự hơn. Nếu sau tháng 3 mà tình hình không có gì thay đổi, thị trường sẽ có một chuyển biến khác” - vị chuyên gia này nhận định.

Trong khi đó, dựa trên bài học từ giai đoạn khủng hoảng nhà đất năm 2008 - 2012, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, nếu theo chu kỳ trước đây, tính từ thời điểm khi ngân hàng nhà nước có động thái hạ trần lãi suất cho đến lúc thị trường BĐS bắt đầu đảo chiều và có bước phục hồi phải mất 1,5 năm.

Bạn đang đọc bài viết "Gồng mình chờ tín hiệu tốt từ thị trường" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#