'Hạ nhiệt' giá xăng trong nước thế nào?

Kỳ điều hành giảm còn 10 ngày/lần nhằm tránh để giá xăng tăng sốc. Ngoài ra, việc thay đổi cách tính giá cơ sở có thể cắt được một phần thuế, giảm áp lực lên giá nhiên liệu bán lẻ.

Ngày 1/11, Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, trong đó có nhiều nội dung thay đổi về cơ chế điều hành xăng dầu và công thức tính giá.

Kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ được giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, tức là mỗi tháng điều chỉnh ba lần. Thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng.

Trong trường hợp giá xăng dầu biến động bất thường, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế xã hội, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều chỉnh. Còn nếu giá cơ sở tăng trên 10%, Thủ tướng sẽ quyết định biện pháp điều hành dựa trên báo cáo của Bộ Công Thương.

Công thức tính giá cơ sở mới sẽ dựa trên giá và tỷ trọng của cả nguồn sản xuất trong nước (từ các nhà máy lọc hóa dầu) và nguồn nhập khẩu.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), với thời gian điều hành 10 ngày, giá xăng dầu trong nước sẽ bám sát hơn diễn biến của giá thế giới, giúp tránh tăng sốc và giảm chậm so với biến động của giá thế giới.

Cách nào để “hạ nhiệt” giá xăng?

Theo các chuyên gia, có 4 hướng giải pháp chính để kìm hãm đà tăng của giá xăng trong nước: Sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ là quỹ bình ổn giá; giảm các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng; tăng sản lượng khai thác trong nước; tăng sản lượng để hưởng lợi tăng giá và tăng thu ngân sách, từ đó hỗ trợ giảm giá xăng dầu.

Tuy nhiên, hiện nay hướng giải pháp thứ nhất không phù hợp khi với đà tăng liên tục của giá xăng, quỹ bình ổn xăng dầu tại 15 doanh nghiệp đầu mối lớn đang bị âm tới gần 1.480 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm nặng nhất với 697,6 tỷ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) âm 262 tỷ.

Nếu giá xăng dầu còn tăng tiếp trong thời gian tới, sẽ không thể dựa vào quỹ bình ổn giá để kiềm chế đà tăng trong nước.

Trong khi đó, quan điểm giảm các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng thì được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp ủng hộ. Trao đổi với Zing, PGS TS Ngô Trí Long nhìn nhận thuế bảo vệ môi trường đang ở mức quá cao, hơn nữa lại được tính một cách cơ học theo giá trị tuyệt đối, với xăng E5 RON 92 là 3.800 đồng/lít, xăng RON 95 là 4.000 đồng/lít.

TS Vũ Đình Ánh cũng đánh giá đây là thời điểm thích hợp để xem xét, miễn giảm một số loại thuế phí liên quan đến mặt hàng xăng dầu. Bộ Công Thương thì đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng, kiến nghị một số biện pháp, trong đó đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét, cân nhắc giảm các loại thuế, phí.

Còn với đề xuất tăng sản lượng khai thác trong nước để hạ giá thành trong nước, trước đây không thể thực hiện được do Việt Nam điều hành giá theo giá thế giới, sản lượng không liên quan đến giá cơ sở và giá điều hành.

Tuy nhiên, đến ngày 1/11, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu cho biết công thức tính giá cơ sở mới sẽ dựa trên giá và tỷ trọng của cả nguồn sản xuất trong nước (từ các nhà máy lọc hóa dầu) và nguồn nhập khẩu.

Đối với phương án tăng sản lượng để hưởng lợi tăng giá và tăng thu ngân sách, từ đó hỗ trợ giảm giá xăng dầu, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cho rằng khó khả thi khi tài nguyên tại các mỏ khai thác lâu nay đã suy giảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều mỏ đóng góp sản lượng lớn đều đã khai thác được 15-35 năm, đang ở giai đoạn cuối đời mỏ.

Hơn nữa, cần phải đầu tư mất hàng chục năm để thăm dò trữ lượng, tìm kiếm thăm dò, phát triển khai thác mới có sản lượng để khai thác. Khai thác mỏ hiện nay cũng phụ thuộc nhiều vào việc đầu tư nhưng Luật Dầu khí chưa sửa được nên chưa có mỏ mới.

Một lít xăng có còn phải “cõng” 11.000 đồng thuế, phí?

Xăng là một trong những mặt hàng đang phải gánh nhiều loại thuế, phí nhất hiện nay. Một lít xăng RON 95 có giá là 24.338 đồng/lít, nhưng số thuế phí phải gánh chiếm đến gần một nửa.

Theo liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng RON 95 thương phẩm bình quân trên thế giới 15 ngày gần nhất lên tới 100,38 USD/thùng (tăng 10,13 USD/thùng, tương đương tăng 11,23% so với kỳ trước). Một thùng xăng 158,97 lít, như vậy, một lít xăng RON 95 nhập về cảng có giá gốc khoảng 0,63 USD (tương đương 14.300 đồng/lít).

Trước Nghị định 95, cơ cấu giá xăng phải “cõng” 4 sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 10% (tương ứng 1.430 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (tương ứng 1.430 đồng), VAT 10% theo giá bán (khoảng 2.434 đồng) và thuế bảo vệ môi trường cố định 4.000 đồng/lít.

Mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức (1.050 đồng/lít), lợi nhuận định mức (300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (300 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Một phần thuế trong cơ cấu giá xăng sẽ được giảm bớt do công thức tính không còn hoàn toàn phụ thuộc vào biến động giá thế giới. Ảnh: Văn Hưng.

Trong khi đó, mỗi lít xăng RON 95 hiện có giá bán lẻ trên thị trường tối đa 24.338 đồng. Vậy tổng chi cho các khoản thuế, phí có thể chiếm tới 45%, còn tính riêng tổng chi từ thuế thì chiếm tới 44% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95.

Ở Nghị định mới của Chính phủ, các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng không được cắt giảm. Tuy nhiên, công thức tính giá cơ sở mới được dựa trên giá và tỷ trọng của cả nguồn sản xuất trong nước (từ các nhà máy lọc hóa dầu) và nguồn nhập khẩu, chứ không còn chỉ phụ thuộc vào giá thế giới.

Do đó, một phần thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT dựa trên giá cơ sở xăng dầu sẽ được cắt bớt, giảm áp lực lên giá bán lẻ. Đồng thời, đề xuất tăng sản lượng khai thác trong nước để hạ giá thành trong nước cũng trở nên khả thi hơn.