Hà Nội: Đất công sau “hoán vai, đổi chủ” bị xé lẻ, tư nhân cho thuê với giá kim cương

30/09/2022 09:33

Nhiều khu nhà đất công do TP Hà Nội giao cho doanh nghiệp quản lý đang trong tình cảnh bị xé lẻ, cho thuê lại với giá trên trời. Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, sau khi “hoán vai, đổi chủ” giá thuê những khu đất vàng công sản đang ở mức… trên trời.

Nhà đất công cho thuê kiều xà xẻo, xé lẻ

Theo tìm hiểu thực tế của PV Dân Việt, tại Hà Nội khá nhiều dự án nhà đất công sản thuộc quản lý của TP Hà Nội được chính quyền giao cho các đơn vị của thành phố thuê lại đầu tư, kinh doanh và thu lợi cho ngân sách. Tuy nhiên, nhiều hạng mục, công trình đang bị sử dụng sai mục đích, hoặc kinh doanh xé lẻ từ nhiều năm.

ha-noi-dat-cong-sau-doi-chu-bi-xe-le-tu-nhan-thue-voi-gia-kim-cuong-1664488099.mp4

Nhiều dự án nhà đất công sản thuộc quản lý của TP Hà Nội đang bị sử dụng sai mục đích, hoặc kinh doanh xé lẻ từ nhiều năm (Video: Quang Anh)

Tại căn nhà số 36 Bà Triệu có tổng diện tích 638,4m2, khu nhà đất thuộc quỹ nhà đất chuyên dùng của TP Hà Nội, được TP cho Công ty Xuất nhập khẩu Tạp phẩm cải tạo và xây dựng thuê lại.

Hiện, khu nhà này có 3 cửa hàng kinh doanh tên mặt tiền phố Bà Triệu, gồm cửa hàng bán điện thoại, nhà hàng rượu vang và xì gà, showrom giới thiệu các sản phẩm nội thất, phía sau các cửa hàng này là khu nhà của các hộ dân sinh sống.

Theo tìm hiểu của PV, hiện hợp đồng thuê nhà của một số đơn vị (gọi tắt là bên thứ ba) ký với Cty XNK Tạp phẩm đã hết hiệu lực, bên thứ 3 hiện cũng đang nợ tiền thuê nhà của Cty XNK Tạp phẩm. Đáng chú ý, qua tìm hiểu của phóng viên, trên một số trang web chuyên môi giới bất động sản căn nhà số 36 trên phố Bà Triệu đang bị một cá nhân rao bán trên mạng.

Một khu nhà đất chuyên dùng số 281 phố Đội Cấn có tổng diện tích trên 9.000 m2 cho Công ty Cổ phần Du lịch và Xúc tiến Đầu tư (VIPTOUR JSC) thuê lại cũng trong trạng thái tương tự.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, sau khi được thuê lại, công ty này "xé lẻ", chuyển khu đất chuyên dùng này để cho nhiều hàng quán thuê lại. Toàn bộ mặt tiền tòa nhà đã được công ty này cho Công ty TNHH Hà Thủy thuê để làm show room xe máy.

Phần khuôn viên của tòa nhà khoảng 5.000m2, VIPTOUR JSC cho nhiều đơn vị thuê lại như Winmart, nhà kho Vietnampost, gara ô tô, quán bia, nhà hàng… Thực tế đất chuyên dùng nhằm phục vụ mục đích kinh doanh các dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, việc xé lẻ cho thuê này không đúng chức năng, hiệu quả sử dụng.

B Nguyễn Thị L. (người dân sống gần khu nhà nói trên) chia sẻ: "Tôi thấy người ta cho thuê gần chục năm nay rồi. Toàn bộ diện tích được xẻ ra làm nhiều phần để cho thuê, còn Công ty Cổ phần Du lịch và Xúc tiến chỉ hoạt động một phần tòa nhà phía bên trong. Nhà đất của Nhà nước, vậy sao họ lại xẻ ra cho thuê? Theo bà này: Chênh lệch giá thuê giữa VIPTOUR JSC với các công ty, đơn vị khác có thể lớn hơn so với giá Nhà nước cho thuê lại.

Khu nhà đất 9000m2 được Công ty Cổ phần Du lịch và Xúc tiến Đầu tư cho xây dựng thành những khu nhà cấp 4 để cho một số đơn vị khác thuê lại (Ảnh: Quang Anh)

Khu nhà đất 9000m2 được Công ty Cổ phần Du lịch và Xúc tiến Đầu tư cho xây dựng thành những khu nhà cấp 4 để cho một số đơn vị khác thuê lại (Ảnh: Quang Anh)

Thực tế, việc Nhà nước cho thuê giá rẻ, nhưng khi vào tay doanh nghiệp, qua đôi ba lần hoá vai, đổi chủ giá cho thuê tăng gấp hàng chục lần. Cụ thể, tại số nhà chuyên dùng số 26 Điện Biên Phủ (quận Ba Đình) có diện tích đất 435m2 trong đó diện tích nhà 353m2. Tuy nhiên, đơn vị quản lý chỉ cho thuê được với giá trên 39,7 triệu đồng/tháng.

Nếu so với giá thuê trên thị trường, chi phí thuê nhà đất 39,7 triệu/435 m2 này là "quá bèo", chưa đầy 100.000/m2. Trong khi theo một số môi giới bất động sản chuyên dắt mối thuê nhà đất tại nội thành, với những khu đất lớn, đắc địa tại phố Điện Biên Phủ, giá thuê không dưới 1 triệu đồng/m2.

Anh L.A.M (môi giới bất động sản) cho rằng: "Không hiểu sao họ thuê và cho thuê được với giá rẻ vậy? Khu vực nội thành hiếm khi kiếm được ngôi nhà mặt tiền và đẹp như số 26 Điện Biên Phủ".

Đất công "hoán vai, đổi chủ" cho thuê "giá kim cương"!

Liên quan đến vấn đề cho thuê đất vàng, tại phố cổ Hà Nội, Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội cũng được TP giao quyền quản lý cho thuê lại ba điểm và hai cơ sở nhà đất, các khu nhà đất này đều nằm ở vị trí mặt đường các tuyến phố lớn.

Tuy nhiên, dù nắm trong tay "vàng Mười", song công ty luôn trong trạng thái kinh doanh và hoạt động không hiệu quả. Theo báo cáo tài chính của Công ty TNHH MTV Điện Ảnh Hà Nội năm 2021, công ty này còn nợ TP hơn 70 tỷ đồng tiền thuê nhà, đất.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tại hai cơ sở nhà, đất thuê của thành phố tại số 88 phố Lò Đúc và số 437 phố Bạch Mai do công ty này quản lý đang được sử dụng làm cơ sở chiếu phim và các dịch vụ văn hóa, thành kinh doanh vũ trường, sàn nhảy, bi-a...

Tuy nhiên, tại rạp Melinh Cinema (88 Lò Đúc) đang trong tình trạng không ai thuê. Khi PV tiếp cận, một nhóm 4 người đàn ông phía bên trong lên tiếng: "Đến thuê trụ sở à? Em là người đi thuê hay là môi giới? Giá thuê là 250 triệu/tháng, phòng cháy chữa cháy đã đủ rồi"…

Rạp chiếu phim Mê Linh (88 Lò Đúc) trong tình trạng cửa đóng then cài (Ảnh: Quang Anh)

Rạp chiếu phim Mê Linh (88 Lò Đúc) trong tình trạng cửa đóng then cài (Ảnh: Quang Anh)

Tại rạp Bạch Mai (số 437 Bạch Mai) hiện được cho thuê toàn bộ, phía tầng 1 là tiệm bán đồ ăn nhanh của Lotteria, tầng 2 là quán bar… Rạp Dân Chủ (221 Khâm Thiên) đã dừng hoạt động chiếu phim từ năm 2013. Hiện tại địa điểm này đang được Công ty Điện máy xanh thuê lại.

Rạp Bạch Mai cũng được Công ty TNHH MTV Điện Ảnh cho hãng đồ ăn nhanh Loteria thuê lại (Ảnh: Quang Anh)

Rạp Bạch Mai cũng được Công ty TNHH MTV Điện Ảnh cho hãng đồ ăn nhanh Loteria thuê lại (Ảnh: Quang Anh)

Toàn bộ mặt tiền của Rạp chiếu phim Dân Chủ được sửa chữa lại và cho Công ty Điện máy Xanh thuê lại (Ảnh: Quang Anh)

Toàn bộ mặt tiền của Rạp chiếu phim Dân Chủ được sửa chữa lại và cho Công ty Điện máy Xanh thuê lại (Ảnh: Quang Anh)

Tại rạp Tháng 8 (số 45 Hàng Bài) - trụ sở của của Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội hoạt động khá bết bát, lượng khách đến rạp thưa thớt. Theo quan sát của phóng viên, phía bên trong của rạp Tháng 8 đã đã được Công ty này tách một phòng nhỏ cho Công ty Cổ phần Hải Hoàng Anh thuê lại và công ty này đã dành một phòng chiếu phim để… mở quán bar.

Rạp Tháng Tám cắt ra một phần để cho một công ty và quán bar thuê lại (Ảnh: Quang Anh)

Rạp Tháng Tám cắt ra một phần để cho một công ty và quán bar thuê lại (Ảnh: Quang Anh)

Một vấn đề đặt ra là tại sao doanh nghiệp thuê lại của Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội làm ăn bết bát nhưng vẫn tồn tại nhiều năm mà không nhượng quyền? Hiện trạng chung là các đơn vị cấp 2, 3 đều xé lẻ, cho thuê riêng 1 phần hoặc toàn bộ để ăn chênh giá, kiếm lời.

Việc các đơn vị được cho thuê lại đứng ra cho thuê lại với giá  rất cao đang đặt ra nhiều dấu hỏi về quản lý đất công, tài sản công, quản lý hợp đồng thuê, cho thuê đặc biệt là giá trị tại các hợp đồng này có sát thực tế? Kẽ hở trong việc thuê thấp, cho thuê lại với giá cao có thể khiến nguồn thu ngân sách thất thoát.

Theo một người dân sống gần rạp Dân Chủ chia sẻ: "Ngày mới dừng hoạt động chiếu phim, tôi thấy hãng đồ ăn nhanh Lotteria thuê với giá 150 triệu/tháng. Nói chung nhìn vào không còn ai nhận ra đó là rạp Dân chủ nữa vì họ đã cải tạo, gắn biển phía trước kín cả".

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Công Ty Luật TNHH TGS

 

Đơn giá thuê nhà và đất thuộc sở hữu Nhà được giao cho các tổ chức, các nhân thuê làm cơ sở kinh doanh dịch vụ được áp dụng theo Quyết định số 38/2012/QĐ-UBND ngày 14/12/2012. Trường hợp Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho thuê nhưng không ký hợp đồng; chậm thanh toán tiền thuê hoặc thực hiện hành vi cho thuê lại sẽ phải chịu xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước theo các quy định của pháp luật hiện hành.

 

 
Bạn đang đọc bài viết "Hà Nội: Đất công sau “hoán vai, đổi chủ” bị xé lẻ, tư nhân cho thuê với giá kim cương" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#