|
"Xanh được đi, cam chờ, đỏ dừng lại" - đây sẽ là nguyên tắc chính trong việc phân vùng chống dịch tại Hà Nội sau ngày 6/9. Chủ trương lớn này vừa được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định dựa trên đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP.
Theo đó, TP thiết lập 3 vùng theo nguyên tắc phù hợp với mức độ dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất. Từ 3 vùng này, Hà Nội tiếp tục chia ra các khu vực nguy cơ theo mã màu: Xanh - nguy cơ thấp; cam - nguy cơ cao và đỏ - nguy cơ rất cao.
Đáng chú ý, “vùng cam” và “vùng xanh” sẽ áp dụng các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 của Thủ tướng để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực “vùng đỏ”.
"Vùng không có F0 chưa chắc đã an toàn"
Trao đổi với Zing về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế) cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Hà Nội thay đổi phương án sau một tháng rưỡi giãn cách xã hội. Ông nhấn mạnh việc đưa F0 về 0 trong thời gian ngắn là không khả thi, việc tiếp tục giãn cách kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đến đời sống, tâm lý người dân và tình hình kinh tế - xã hội của TP.
Phân vùng không chỉ tính toán đến mỗi số ca nhiễm, mà còn đánh giá về mức độ nguy cơ, đặc điểm dân cư, sinh hoạt
PGS.TS Trần Đắc Phu
Vì vậy, giãn cách theo từng phần, từng khu vực là hợp lý ở thời điểm hiện tại. Nhất là sau khi xét nghiệm, truy vết ở Hà Nội đã đánh giá được nguy cơ, các ổ dịch hiện tại chỉ còn tập trung ở một số khu vực hẹp. Vùng xanh bắt đầu được mở rộng ở nhiều quận, huyện.
Bản đồ dịch tễ của Hà Nội phân vùng theo số ca nhiễm. Ảnh: CDC Hà Nội. |
Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý việc phân vùng nguy cơ có nhiều ưu điểm song cũng có nhiều thách thức, nhất là khi dịch bệnh tại Hà Nội chưa thực sự ở ngưỡng an toàn. Theo đó, ông Phu cho rằng Hà Nội cần nghiên cứu rất kỹ, đánh giá, phân vùng hết sức thận trọng để có thể áp dụng các biện pháp giãn cách hợp lý.
"Phân vùng không chỉ tính toán đến mỗi số ca nhiễm, mà còn đánh giá về mức độ nguy cơ, đặc điểm dân cư, sinh hoạt. Ví dụ như khu vực không có F0 mà tập trung đông dân cư trong ngõ hẹp, nhiều tập thể cũ, có chợ dân sinh, chợ đầu mối, người dân đi lại nhiều thì rõ ràng các yếu tố tạo cho dịch xâm nhập và bùng phát là rất lớn và như vậy nguy cơ lây lan dịch ở đây vẫn cao", ông Phu nhận định.
Bên cạnh đó, ông kiến nghị TP nên cân nhắc cả yếu tố di biến động của dân cư. Đối với các khu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ cũng cần có tiêu chí riêng để sắp xếp. Ví dụ huyện nào tập trung nhiều khu công nghiệp, thì phải áp dụng quy định giãn cách khác so với các huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp.
Chia khu vực thế nào?
Theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid 19, "vùng đỏ" (nguy cơ rất cao) với cấp huyện là có 30% số xã trở lên có nguy cơ rất cao; 50% số xã trở lên có nguy cơ cao hoặc có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lan nhanh trên 50% số xã.
"Vùng cam" (nguy cơ cao) ở cấp huyện có 30% số xã trở lên có nguy cơ cao nằm rải rác trên địa bàn huyện; 50% số xã trở lên ở mức độ nguy cơ hoặc có 1 xã nguy cơ rất cao; có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lan nhanh trên 20% số xã.
"Vùng xanh" là các địa bàn không thuộc hai vùng nêu trên.
Theo ông Trần Đắc Phu, việc chia khu vực phải đáp ứng không chỉ chặt chẽ mà còn cần linh hoạt đối với những nơi thực sự an toàn, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, kinh doanh. "Nơi cần chặt mà lỏng lẻo thì nguy hiểm, nơi an toàn mà làm chặt quá thì không còn hiệu quả", ông Phu nói.
Chuyên gia cho rằng việc phân vùng cần khoa học nhưng cũng cần linh hoạt. Ảnh: Nhật Sinh. |
Thay vì chia vùng nguy cơ theo ranh giới quận, huyện, xã phường, vị chuyên gia đề xuất nên chia theo đặc điểm dân cư, dịch tễ. Vì có những ổ dịch, khu vực nằm giữa ranh giới giữa các quận, huyện nên phân vùng như thế sẽ không hợp lý.
Nơi cần chặt mà lỏng lẻo thì nguy hiểm, nơi an toàn mà làm chặt quá thì không còn hiệu quả
PGS.TS Trần Đắc Phu
Sau ngày 6/9, Hà Nội sẽ áp dụng biện pháp giãn cách mới. Vì vậy, không loại trừ khả năng người dân xuất hiện tâm lý chủ quan, muốn giải tỏa sau chuỗi ngày phải ở nhà. Ông Phu cho rằng đây cũng là một nguy cơ, nếu người dân ở các vùng xanh và cam đổ ra đường đông, thì rất nguy hiểm.
Vì vậy, TP cần tiếp tục siết chặt các quy định giãn cách xã hội, đặc biệt là khu vực nguy cơ cao và rất cao. Bên cạnh xử lý người ra đường không cần thiết ở khu vực áp dụng Chỉ thị 16, những nơi còn lại cũng cần có lực lượng nhắc nhở, kiểm soát, tránh tụ tập đông người.
Theo số liệu từ CDC Hà Nội đến chiều 2/9, Hà Nội hiện còn 6 ổ dịch phức tạp là: Văn Chương (Đống Đa - 89 ca nhiễm), Văn Miếu (Đống Đa - 109), Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân - 393), chợ Ngọc Hà (Ba Đình - 16), Tân Lập (Đan Phượng - 16), ngõ 24 Kim Đồng (Hoàng Mai - 46).
Các khu vực còn lại của Hà Nội chỉ có một số nơi xuất hiện ca nhiễm lẻ, trong tuần qua chưa ghi nhận thêm các chùm lây nhiễm mới. Chỉ có quận Thanh Xuân xuất hiện thêm một số khu vực nguy cơ cao như phường Thanh Xuân Nam và Khương Mai.
Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội từ 6h ngày 24/7 đến 6/9, Hà Nội sẽ kết thúc đợt giãn cách xã hội thứ 3 trong đợt dịch lần này với tổng cộng 45 ngày. Diễn biến dịch trên địa bàn còn phức tạp sau 5 tuần giãn cách với số ca nhiễm mới khoảng 50-60 ca/ngày.