Hà Nội: Nhiều công viên tiền tỷ xuống cấp nghiêm trọng

Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), công viên hồ điều hòa Mai Dịch (quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy), công viên Việt Hưng (quận Long Biên)… từng được đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để xây dựng. Giờ đây trong tình trạng bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng, mất an toàn, gây nhiều nguy hiểm cho người dân đến đây.

Với diện tích khoảng 50ha, Công viên Thống Nhất là một trong những công viên lớn nhất của Hà Nội. Mặt khác, với vị trí trung tâm - 4 mặt đường Đại Cồ Việt, Lê Duẩn, Trần Nhân Tông và Nguyễn Đình Chiểu nên đây là khu vực thu hút được rất nhiều người dân đến vui chơi, tập thể dục. Tuy nhiên, cùng với thời gian, hiện nhiều hạng mục trong công viên Thống Nhất như đường đi, vỉa hè… đã rơi vào tình trạng nhếch nhác, mất an toàn cho người dân trong quá trình vui chơi, tập thể dục tại đây.

Theo chia sẻ của những người đi tập thể dục, công viên có nhiều đoạn đường không bằng phẳng, gạch đá lát đường thì vỡ ra, gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi. Nhiều khu vực vỉa hè bị bong tróc rộng đến cả mét và sâu gần 20cm.

Sau hơn 60 năm đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục ở đây hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn.

Khu vui chơi của trẻ em bị hoen gỉ, chưa được cải tạo và nâng cấp.

Gỗ thân cây chất như núi trong khuôn viên của công viên Thống nhất.

Trước đó, tại buổi làm việc (ngày 27/1) với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, theo Kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025, công viên Thống Nhất là 1 trong 3 công viên được cải tạo cấp độ 1. Đặc biệt, thành phố định hướng nâng cấp công viên chuyển từ “công viên đóng” sang “công viên mở”, không còn hàng rào và mở cả về quản lý, cơ chế... Đồng thời với đó là việc tạo lập không gian đi bộ dọc phố Trần Nhân Tông... Từ đó, nâng tầm giá trị không gian cảnh quan, tăng thêm khai thác các giá trị của công viên...

Sau 3 năm hoạt động, công viên hồ điều hòa Mai Dịch đang bị xuống cấp.

Công viên hồ điều hòa Mai Dịch nằm trên địa bàn phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) và phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm), được khởi công từ năm 2016 theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng mức đầu tư khoảng 957 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, công viên này cơ bản hoàn thành và được đưa vào sử dụng.

Công viên hồ điều hòa Mai Dịch có tổng diện tích hơn 15ha, bao gồm 5ha diện tích mặt nước giúp điều hòa không khí, tạo môi trường tươi mát, cùng các cảnh quan như: cây xanh, quảng trường, đường đi bộ, hệ thống đài phun nước; khu vui chơi giải trí và bãi đỗ xe… Công viên hồ điều hòa Mai Dịch đã mang đến một “không gian xanh”, thực sự là địa điểm lý tưởng cho đông đảo người dân sinh sống ở xung quanh khu vực đến vui chơi, rèn luyện thể dục thể thao và thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng…

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Công viên hồ điều hòa Mai Dịch đã bị xuống cấp, trở thành nơi tập kết rác thải gây mất mỹ quan. Theo phản ánh của nhiều người dân, đường đi bộ quanh hồ có khu vực trũng, thấp gây ngập úng khi trời mưa, khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, mặt hồ nước xuất hiện túi nilon, thậm chí là cá chết. Cột đèn bị gãy, đổ. Nhà vệ sinh hư hỏng từ lâu nhưng chưa được sửa chữa; cỏ dại mọc um tùm, che khuất lối đi, ghế đá... tạo nên cảnh tượng hoang tàn, nhếch nhác…

Nhiều cột đèn bị hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa.

Nước hồ bị ô nhiễm bởi rác thải, rong rêu, cá chết...

Công viên Việt Hưng trên đường Vạn Hạnh trong Khu đô thị mới Việt Hưng (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội). Dự án xây dựng Công viên Việt Hưng do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị đầu tư các hạng mục cây xanh, vườn hoa... với diện tich hơn 157.000m2.

Sau nhiều năm đưa vào sử dụng nhưng không được duy tu, hiện công viên này đang xuống cấp nghiêm trọng. Gạch nát nền đã bong chóc, vỡ vụn, cỏ mọc um tùm.

Nhiều hạng mục trong Công viên Việt Hưng đã được xây dựng từ lâu nhưng đến nay bị cỏ dại mọc bao phủ.

Lan can quanh hồ nghiêng ngả, hoen gỉ xuống cấp, những tấm bê tông chống xói lở dưới chân hàng rào bị người câu cá bê đi xếp chồng thành chỗ ngồi câu cá.

Sự thiếu hụt và xuống cấp của những lá phổi xanh trong thành phố đã được cảnh báo từ rất lâu nhưng rất chậm được sửa chữa khắc phục. Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Hà Nội phải cần có ngay những thay đổi thiết thực để cải thiện bộ mặt đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Bên cạnh việc kiểm kê quỹ đất, đặc biệt quỹ đất công đang sử dụng lãng phí, sai mục đích để ưu tiên phát triển công viên, vườn hoa sân chơi, thì khôi phục không gian công cộng hiện có, đẩy lùi nạn lấn chiếm, sử dụng sai mục đích nhằm nâng cấp các không gian xanh làm tiền đề để phát triển một thành phố xanh là việc cấp thiết hiện nay.