Hà Nội thông tin mới nhất về khu ‘đất vàng’ sát Hồ Gươm xin xây vượt tầng

Dự án tại khu đất số 31,33,35 Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội), theo Quy hoạch phân khu đô thị H1-C1 được duyệt có thể xây công trình tối đa 8 tầng, tuy nhiên nhà đầu tư đề xuất xây dựng công trình cao tầng vượt chỉ tiêu cho phép.

UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi HĐND thành phố về kết quả thực hiện kết luận của chủ tọa tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn và những cam kết tại Kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố.

Liên quan đến dự án trụ sở Văn phòng tại số 31,33,35 Lý Thường Kiệt, UBND TP cho biết, trước đây, thực hiện chỉ đạo của UBND TP (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 1352 năm 2019) và trên cơ sở đề nghị của nhà đầu tư, Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QHKT) đã hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ phương án kiến trúc công trình tại các khu đất nêu trên, gửi xin ý kiến các thành viên Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch thành phố, lấy ý kiến cộng đồng dân cư liên quan, xin ý kiến Bộ Xây dựng. 

dat-vang-1670293450.jpg Dự án trên khu "đất vàng" số 31-33-35 Lý Thường Kiệt chưa triển khai, quây tôn trong nhiều năm

Cũng theo UBND TP, theo quy hoạch phân khu đô thị H1-C1 được duyệt, khu đất trên có thể xây công trình tối đa 8 tầng, mật độ xây dựng tối đa 60%. Tuy nhiên, nhà đầu tư đề xuất xây dựng công trình cao tầng vượt chỉ tiêu cho phép của Quy hoạch trong khu vực. 

UBND TP đã có chỉ đạo tại thông báo 451 ngày 30/9/2020 giao Sở QHKT hướng dẫn chủ đầu tư lựa chọn 2 phương án. 

Cụ thể, phương án 1, giao Sở QHKT chủ trì phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm sớm đề xuất tổ chức lập quy hoạch thiết kế đô thị các tuyến phố và quy chế quản lý liên quan và trình thẩm định phê duyệt theo quy định hiện hành của pháp luật, báo cáo UBND TP theo quy định. 

Nhà đầu tư sẽ thực hiện phương án quy hoạch kiến trúc theo chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc được duyệt tại đồ án thiết kế đô thị. 

Phương án 2, trong trường hợp nhà đầu tư muốn thực hiện đầu tư xây dựng ngay công trình thì thực hiện theo đúng Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc liên quan đã được duyệt. 

“Thực hiện chỉ đạo, Sở QHKT đã có các văn bản vào tháng 10/2020, tháng 1/2021 hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện. Đến nay, nhà đầu tư chưa có hồ sơ về thủ tục liên quan đến quy hoạch kiến trúc gửi vào sở” – UBND TP Hà Nội thông tin. 

Liên quan đến khu đất này, hồi tháng 7, chất vấn về công tác giám sát đầu tư đối với dự án chậm triển khai tại phiên họp của HĐND TP Hà Nội, Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tây Hồ) cho biết, dự án "đất vàng" chỉ cách Hồ Gươm vài trăm mét, với diện tích 2.300m2, dự án này được UBND TP quyết định giao đất từ năm 2019. Các Đại biểu HĐND và cử tri đi qua khu vực này vẫn là dự án chậm tiến độ, quây tôn. Đại biểu đề nghị sở ngành cho biết dự án này và các dự án khác được giám sát như thế nào khi đến nay vẫn chậm tiến độ, chưa triển khai, trách nhiệm của của các đơn vị có liên quan là như thế nào?

Trước đó, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất xây dựng trụ sở văn phòng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cao 45m, quy mô 14 tầng+ 1 tum.

TP Hà Nội cho rằng, công trình có chức năng văn phòng nên không làm quá tải dân số, mà sẽ góp phần đồng bộ các hoạt động dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn phòng chất lượng cao rất cần cho khu vực trung tâm Thủ đô.

Cũng theo UBND TP Hà Nội, dự án đủ điều kiện để xem xét quy mô chiều cao công trình tạo điểm nhấn không gian kiến trúc, đủ điều kiện để xem xét quy mô chiều cao công trình.

Trong khi đó, trao đổi về điểm nhấn trong quy hoạch kiến trúc, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: Khu vực đô thị nào cũng có điểm nhấn mà điểm nhấn đó nó phải là công trình với kiến trúc đặc biệt đem lại giá trị sử dụng, giá trị văn hóa và nó đóng góp cho diện mạo kiến trúc đô thị đó. Đấy mới là điểm nhấn chứ không phải cứ cao tầng lên là điểm nhấn.