Hải Dương: Dự án có vốn đầu tư nước ngoài qua hai lần đổi chủ vẫn bỏ hoang?

Mặc dù được UBND tỉnh Hải Dương tạo mọi điều kiện để sớm triển khai thực hiện nhưng 5 năm qua, Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách vẫn chỉ là khu đất trống, bỏ hoang.

Được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, nhưng đến nay sau 5 năm, cả chính quyền và người dân nơi đây lại đang bức xúc, thất vọng.

Sau 5 năm dự án vẫn nằm im bất động

Ngày 10/1/2017, UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định chủ trương đầu tư, cho phép Công ty TNHH YMSA Co.Ltd (Hàn Quốc) thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách tại Cụm công nghiệp Cao Thắng thuộc địa bàn các xã Cao Thắng và Tứ Cường, huyện Thanh Miện.

4-1646210116.jpeg Hơn 5 năm trôi qua, Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách ở cụm công nghiệp Cao Thắng vẫn là khu đất trống

Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 1.056 tỷ đồng, tương đương 48 triệu USD, trong đó, vốn góp để thực hiện dự án là 264 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 50 năm kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư. Người đại diện là ông Ki-Hak-Sung, quốc tịch Hàn Quốc. Dự án có quy mô 8,5 triệu sản phẩm dệt may; 500.000 chiếc túi xách/năm, tạo việc làm cho 10.000 lao động.

3-1646210150.jpeg Quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Hải Dương thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách tại Cụm công nghiệp Cao Thắng

Để triển khai các phần việc theo quy định, Công ty TNHH YMSA Co.Ltd đã thành lập Công ty TNHH May công nghệ cao Hải Dương để thực hiện dự án và người đại diện là ông Jin Kook Kim (quốc tịch Hàn Quốc) làm Tổng Giám đốc. Theo đó, UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu Công ty TNHH YMSA Co.Ltd triển khai xây dựng, hoàn thành và đưa toàn bộ dự án vào hoạt động trong vòng 60 tháng. UBND tỉnh Hải Dương cũng giao các đơn vị chức năng tiến hành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án. Đồng thời, đánh giá, phân định giai đoạn theo năm, với từng công trình, quy mô.

Đây là dự án do doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài nên UBND tỉnh Hải Dương đã cho doanh nghiệp này hưởng các chế độ ưu đãi, hỗ trợ đầu tư với dự án như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn giảm tiền thuê đất; ưu đãi thuế nhập khẩu, xuất khẩu. Tuy nhiên, không hiểu tại sao sau đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất trống được san bằng.

8-1646210208.jpeg

Các Quyết định về chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách tại Cụm Công nghiệp Cao Thắng.

Theo lãnh đạo huyện Thanh Miện, dự án từng được kỳ vọng sẽ tạo ra sức lan toả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Do đó, ngay khi có quyết định chủ trương đầu tư, huyện đã nhanh chóng tiến hành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án. Mọi phần việc đều bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Việc thực hiện dự án theo từng giai đoạn cũng được các cơ quan chức năng phân định rõ ràng. Năm thứ nhất, xây dựng 2 xưởng sản xuất với quy mô 600.000 sản phẩm/năm. Đến năm thứ 5, xây dựng 4 xưởng nâng quy mô lên 6,2 triệu sản phẩm/năm và đạt công suất thiết kế từ năm thứ 6. Trong 5 năm, xây dựng 16 xưởng sản xuất và các công trình phụ trợ đi kèm. Tuy nhiên, đã gần 5 năm trôi qua, khu đất để triển khai dự án hiện vẫn trống không, chưa có một xưởng sản xuất nào mọc lên.

Theo người dân thôn Cao Lý, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện cho biết: Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương, chính quyền các cấp đã phối hợp vận động nhân dân nhường đất lúa cho công ty xây dựng nhà xưởng, với hy vọng dự án sẽ tạo động lực phát triển kinh tế dịch vụ cho cả khu vực, để con em trong xã và các địa phương lân cận có việc làm mới. Chính vì vậy, người dân 2 xã Tứ Cường và Cao Thắng đã đồng thuận, bàn giao đất cho chính quyền.

Được biết, những gia đình có diện tích ruộng cũng nhanh chóng giao đất, với hy vọng dự án đem lại công ăn, việc làm cho người dân trong thôn. Các hộ dân trong xã động viên nhau, sẵn sàng giao đất cho địa phương với hy vọng quê hương ngày càng phát triển, con cháu không phải suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Đến nay, người dân bức xúc vì dự án không được triển khai gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường vì cát bụi vào đầy nhà, đất bỏ hoang thành nơi chuột bọ sinh sống phá hoại mùa màng.

7-1646210276.jpeg Được biết, từ năm 2017 đến nay, dự án này đã có 2 lần điều chỉnh chủ trương đầu tư và 6 lần điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Đến nay, đã 5 năm kể từ khi có Quyết định chủ trương đầu tư, Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách tại Cụm Công nghiệp Cao Thắng vẫn chỉ là bãi đất hoang, cỏ mọc, làm nơi chăn thả trâu bò của người dân địa phương. Từ chỗ được kỳ vọng là động lực làm thay đổi diện mạo quê hương, Dự án đã trở thành nỗi thất vọng lớn của chính quyền và người dân địa phương.

Dự án được thay chủ liên tục

Được biết, từ năm 2017 đến nay, dự án này đã có 2 lần điều chỉnh chủ trương đầu tư và 6 lần điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Lần điều chỉnh chủ trương đầu tư gần nhất là vào ngày 25/12/2020, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu dự án phải được hoàn thành và đưa vào hoạt động trước ngày 31/12/2022.

Từ dự án có vốn đầu tư 100% vốn nước ngoài ban đầu là công ty của Hàn Quốc sau đó đến nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách. Qua nhiều lần thay đổi đã trở thành dự án có vốn đầu tư trong nước. Cho đến thời điểm hiện tại là (chủ đầu tư dự án) cũng đã chuyển đổi loại hình thành Công ty CP May công nghệ cao Hải Dương do ông Bùi Văn Khuynh, quốc tịch Việt Nam là người đại diện theo pháp luật, làm tổng giám đốc, không còn người đại diện là ông Jin-Kook Kim như ban đầu và dự án cũng chỉ mới dừng lại ở việc san lấp mặt bằng.

Vừa qua, UBND huyện Thanh Miện có Báo cáo số 88/BC-UBND tiến độ dự án gửi UBND tỉnh Hải Dương. Báo cáo nêu rõ: Tiến độ triển khai thực hiện dự án Nhà máy may mặc và túi xách rất chậm so với đề xuất đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận. Việc này đã gây ra dư luận không tốt cho địa phương về hiệu quả sử dụng đất, cảnh quan môi trường và những đóng góp của dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội của huyện. UBND huyện Thanh Miện mong nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp của các cơ quan chuyên môn có liên quan để tổ chức kiểm tra, rà soát quá trình thực hiện dự án. Đồng thời, có các giải pháp đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý, đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh, đảm bảo các mục tiêu của dự án, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế xã hội của huyện

9-1646210363.jpeg Đến nay, đã 5 năm kể từ khi có Quyết định chủ trương đầu tư, Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách tại Cụm Công nghiệp Cao Thắng vẫn chỉ là bãi đất hoang.

 

Sau khi nhận được báo cáo của UBND huyện Thanh Miện, vừa qua ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND huyện Thanh Miện kiểm tra, rà soát toàn bộ quá trình đầu tư và triển khai thực hiện dự án trên. Yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án theo tiến độ đã được duyệt (trước ngày 31/12/2022), bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí đất đai...

Hiện dư luận đang nêu câu hỏi: Dự án đến nay đã quá chậm tiến độ nhưng chủ đầu tư vẫn chưa triển khai. Không những thế, dự án còn được bán đi, bán lại cho nhiều nhà đầu tư, làm mất lòng tin đối với chính quyền và người dân. Thiết nghĩ UBND tỉnh Hải Dương cần sớm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra làm rõ, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực, cần thu hồi dự án. Việc này nhằm tránh trường hợp, dự án chỉ cần có Quyết định chủ trương đầu tư, mới hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đã lập tức được chuyển nhượng để kiếm lời dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai, gây bức xúc trong nhân dân, hạn chế quyền sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khác.