Hai kịch bản thị trường chứng khoán tháng 12

Thị trường trái phiếu chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc rõ nét, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và giải ngân đầu tư công chưa được như kỳ vọng. Theo BSC, đây là những điểm bất lợi khiến VN-Index có thể quay trở lại kiểm tra ngưỡng 1.000 điểm.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trên thị trường quốc tế, cú hồi trong nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12 thắp lên hy vọng cho các nhà đầu tư chứng khoán về cái kết tốt đẹp cho năm 2022 đầy biến động. Với những dữ liệu đã biết, CNBC tin rằng thị trường chứng khoán Mỹ có thể kết thúc năm 2022 đầy sóng gió với một tháng 12 rực rỡ. Ở thời điểm hiện tại, S&P 500 chỉ còn giảm chưa đến 15% so với đầu năm, mức phục hồi đáng kể so với đáy chỉ vài tháng trước. Tuy nhiên, sự khởi sắc có thể chưa xảy ra ngay lập tức.

Cuộc chiến giằng co giữa bên mua và bên bán có thể sẽ tiếp tục trong 8 phiên giao dịch tới, trước thời điểm Fed đưa ra những quyết định cuối cùng trong cuộc họp chính sách của mình, được ấn định vào 2 ngày 13 và 14/12. Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất cũng sẽ được công bố vào ngày 13/12. Nếu đà tăng trong tháng 12 diễn ra đúng như dự báo, S&P 500 sẽ có một quý 4 tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây. So với cuối tháng 9, S&P 500 đã tăng 14%.

Còn với thị trường Việt Nam, diễn biến tiếp theo sẽ như thế nào? Trong báo cáo triển vọng thị trường cập nhật ngày 5/12, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, kết thúc tháng 11, VN-Index đã thiết lập vùng đáy mới trong năm tại 873,78 điểm, tương đương với thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra vào tháng 3/2020.

P/E VN-Index kết thúc tháng 11 ở mức 10,99 lần, tăng 2,18% so với tháng 10. Mặc dù có sự cải thiện nhưng đây vẫn là mức định giá thấp tương đương giai đoạn tháng 3/2020. P/E VN-Index xếp thứ 4 của châu Á, trong khi P/E HNX-Index ở mức 13,34 lần, đứng thứ 8 khu vực. BSC dự báo P/E VN-Index vận động trong vùng 12-12,5 trong kịch bản tích cực khi VN-Index quay trở lại vùng 1.180 – 1.200 điểm.

P/E VN-Index tiếp tục ở mức thấp của năm 2020 và thấp thứ 4 trong khu vực.

P/E VN-Index tiếp tục ở mức thấp của năm 2020 và thấp thứ 4 trong khu vực.

Trong kịch bản tích cực, BSC cho rằng dòng tiền khối ngoại tiếp tục duy trì đà mua ròng mạnh mẽ tạo hiệu ứng tâm lý lan tỏa trên thị trường. Thông điệp giảm nhịp độ tăng lãi suất của Fed kể từ tháng 12/2022 sau dữ liệu lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu tạo đỉnh và các động thái từng bước gỡ bỏ các biện pháp chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Chính phủ thực thi các biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong nước.

Giải ngân vốn đầu tư công được khẩn trương triển khai trong tháng cuối cùng bên cạnh những tín hiệu lạc quan về thị trường trái phiếu sẽ tạo động lực để VN-Index quay trở lại vùng 1.180 – 1.200.

Ở kịch bản thứ hai, diễn biến trên thị trường trái phiếu chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc rõ nét, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và giải ngân đầu tư công chưa được như kỳ vọng. Mặt khác đà tăng ròng của khối ngoại chậm lại bên cạnh tâm lý chốt lời lấn át sự hồi phục tích cực trước đó sẽ khiến VN-Index có thể quay trở lại kiểm tra ngưỡng 1.000 điểm. Nếu xuất hiện những thông tin và diễn biến bất lợi trong nước cũng như trên thế giới, VN-Index có thể lui về các vùng điểm thấp hơn đã thiết lập trước đó.

Về chiến lược đầu tư cụ thể, BSC khuyến nghị một số nhóm ngành có triển vọng và tiềm năng sau khi chứng kiến sự quay trở lại mạnh mẽ của dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài cũng như một số diễn biến trên thế giới trong giai đoạn vừa qua, bao gồm: Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhóm hưởng lợi nếu Trung Quốc mở cửa sớm nền kinh tế (nguyên vật liệu, xuất khẩu, du lịch).

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần bám sát diễn biến về dòng tiền của khối ngoại cũng như các diễn biến trong nước và quốc tế, đặc biệt là tình hình mở cửa tại Trung Quốc cũng như quyết định của Fed, ECB trong cuộc họp điều hành chính sách tháng 12.

Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh trở lại trong tháng 11.

Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh trở lại trong tháng 11.

Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 12, Chứng khoán SSI kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục duy trì đà hồi phục, với động lực là các quỹ chủ động và ETFs cùng đồng thuận giải ngân cùng lúc, các chính sách mới để hỗ trợ kinh tế và thị trường tài chính tiếp tục được công bố.

Tuy nhiên, SSI đánh giá cơ hội đi kèm với rủi ro. Dữ liệu vĩ mô tháng 11 cho thấy những tín hiệu trái chiều, khi ngành chế biến chế tạo và thương mại đã xấu đi nhanh chóng vì cả những yếu tố bên ngoài và bên trong thì diễn biến tỷ giá lại có dấu hiệu ổn định dần về cuối tháng.

SSI dự báo tăng trưởng GDP trong quý 4 năm 2022 ước tính ở mức 5,5-6,0% và đạt 6-6,2% vào năm 2023. Khó khăn trong thời gian tới đến từ sự giảm tốc trong lĩnh vực sản xuất và rủi ro trong ngắn hạn tiếp tục là thanh khoản hệ thống, khi lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn cao dần về cuối năm và lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngoài ra, ngay trong quý 4 này ảnh hưởng từ lạm phát và lãi suất tăng có thể bộc lộ ở kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp niêm yết.

SSI đánh giá, thị trường đang đi vào vùng giá nhạy cảm và dễ phản ứng mạnh với các yếu tố rủi ro.