Hàng nghìn lao động bị cắt giảm giờ làm cận Tết

28/11/2022 15:30

Theo báo cáo nhanh số liệu lao động việc làm tháng 11.2022 và dự kiến đến Tết Nguyên đán 2023 tại Đà Nẵng, có 20 doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm việc. Một số đơn vị phải cho lao động nghỉ việc do không có đơn hàng.

cong-nhan-1669610136.jpg Sản xuất tại một doanh nghiệp thủy sản ở Đà Nẵng. Ảnh: Tường Minh

 

Nhiều công nhân bất ngờ, lo lắng

Trong tháng 11, Công ty TNHH Việt Nam Kanzaki có 320 lao động phải giảm giờ. Công ty TNHH May mặc Whitex Việt Nam đang cho lao động nghỉ luân phiên bằng cách 300 lao động đi làm, 200 lao động nghỉ và đổi ngược lại vào ngày hôm sau. Người lao động nhận 70% lương, công ty đóng đầy đủ BHXH…. Thời gian nghỉ dự kiến đến hết tháng 1.2023.

Công ty CP Sản xuất thương mại Hữu nghị Đà Nẵng có 1.800 lao động giảm 1 giờ làm việc/ngày so với các tháng đầu năm. Trong tháng 12.2022 và tháng 1.2023,  dự kiến đơn vị sẽ tiếp tục giảm giờ làm cho lao động, cho nghỉ thêm ngày thứ 7. Kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Âm lịch cũng sẽ được tăng thêm nhiều ngày.

Tại Khu công nghiệp Thuỷ sản Thọ Quang, các doanh nghiệp đã có lao động nghỉ thứ 7 và chủ nhật. Đây là điều chưa từng có. Bà Phạm Thị Lại, một lao động đang làm việc tại đây cho biết, làm việc hơn 10 năm nay chưa bao giờ công ty lại thông báo cho lao động nghỉ cuối tuần. “Từ trước đến nay chúng tôi chỉ nghe thông báo đăng ký tăng ca vì đơn hàng nhiều, rất cần lao động làm việc. Công ty cũng tuyển dụng liên tục nên đây là lần đầu tiên được nghỉ thứ 7, chủ nhật khiến nhiều người bất ngờ, lo lắng. Dịp cận Tết rồi, việc làm ít đi thì đồng nghĩa lương cũng ít đi” - bà Lại cho hay.

Thiếu đơn hàng, nguyên vật liệu

Nguyên nhân chủ yếu của việc giảm giờ làm là do các đơn vị không còn đơn hàng. Cụ thể, tại Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Tường Hựu, từ tháng 6.2022 đến nay đơn hàng giảm 50%, số lao động giảm 23% so với đầu năm. Công ty từng đưa ra giải pháp thương lượng với người lao động sắp xếp nghỉ phép năm khi không có việc. Tuy nhiên tới tháng 10 thì phép năm cũng hết mà hàng không có nên công ty cho người lao động nghỉ và chi trả lương tối thiểu. Dù vậy, tình hình đơn hàng từ nay đến qua Tết Nguyên đán vẫn không khả quan hơn, phía doanh nghiệp phải cố gắng sắp xếp cho người lao động đi làm đủ công.

Ông Trần Văn Tỵ, Phó ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, một số doanh nghiệp nhập nguồn nguyên liệu và làm ăn với đối tác từ Trung Quốc. Khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này đã làm gián đoạn số đơn hàng và việc nhập nguyên vật liệu. Doanh nghiệp đã có giải pháp cho người lao động nghỉ phép năm, trả lương ngừng việc (mức lương tối thiểu vùng) hoặc người lao động tự nghỉ việc. Một số doanh nghiệp đặc thù ngành thuỷ sản theo mùa nên phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu và đơn hàng.

“Hiện tại, đa phần các doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng, hoạt động bình thường và người lao động đi làm đủ giờ, đủ công không có việc cắt giảm giờ làm. Có doanh nghiệp đang tuyển thêm lao động để chạy đơn hàng mới. Tuy nhiên, vẫn còn doanh nghiệp sản xuất cầm chừng cho người lao động làm việc luân phiên, nghỉ hưởng 70% lương, đóng các chế độ BHXH… đầy đủ để duy trì lao động do ít đơn hàng.

Trong thời gian tới Ban Quản lý tiếp tục luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Đối với trường hợp lao động bị mất việc thì Ban Quản lý phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kịp thời đề nghị doanh nghiệp chi trả trợ cấp mất việc cho người lao động theo quy định pháp luật” - ông Tỵ cho hay.

Bạn đang đọc bài viết "Hàng nghìn lao động bị cắt giảm giờ làm cận Tết" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#