Hàng quán Hà Nội: Liêu xiêu vì COVID

Dù không bị cấm nhưng những ngày gần đây, hàng quán tại Hà Nội thưa vắng khách vì F0 tăng hơn 18.000 ca/ngày. Nhiều chủ cửa hàng 'tiến thoái lưỡng nan' sau khi bỏ một đống tiền đầu tư…

Vắng khách

Ghi nhận của PV Tin Phong, các hàng quán trên các tuyến phố trung tâm của Thủ đô Hà Nội những ngày qua vắng vẻ, đìu hiu. Các quán cà phê, phở bò tại khu vực phố cổ như Tạ Hiện hay quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - nơi có vị trí đắc địa, đắt đỏ, rơi vào tình trạng ế ẩm. Có quán, lượng khách vào chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Những con phố chuyên bán đồ lưu niệm lại càng thê thảm hơn vì khách du lịch thưa vắng. Nhiều chuỗi cửa hàng bán quần áo tại phố Huế, Hàng Bài, Hàng Đào thậm chí còn treo biển sang nhượng kèm số điện thoại. Việc sang nhượng cũng được các chủ cửa hàng đăng tải nhan nhản lên các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook.

Chủ hàng quán lo âu, mong Hà Nội ứng phó hiệu quả với dịch bệnh để phục hồi phát triển kinh tế

Trao đổi với PV, bà Lê Thị Hằng - chủ một quán phở bò trên phố Huế cho biết, lượng khách đến quán ăn càng ngày càng giảm sút. Trước đây, một buổi sáng, trung bình quán có thể bán được 150 bát nhưng nay giảm đi tới gần 50%; nhiều người đến mua mang về. “F0 tại Hà Nội ngày càng nhiều. Khách hàng, phần vì đã nhiễm bệnh, người thì sợ lây nhiễm nên quán làm ăn kém hẳn. Những đợt cấm bán tại chỗ năm ngoái, tôi có liên kết với bên ứng dụng giao đồ ăn online nhưng lượng mua thưa thớt nên giờ cũng thôi”, bà Hằng chia sẻ.

Người phụ nữ gốc Nam Định này cho hay, kinh tế của gia đình một năm vừa qua rất ảm đạm. Mỗi tháng, gia đình bà mất 35 triệu đồng/tháng tiền thuê mặt bằng cửa hàng chỉ rộng 30m2 này. Chủ nhà có giảm cho vài triệu đồng/tháng nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Hy vọng năm mới khởi sắc, vừa rồi gia đình bà quyết định đi vay mượn thêm tiền quyết duy trì công việc kinh doanh đã gắn bó gần 10 năm qua, nhưng tình cảnh như hiện nay khiến bà lo ngay ngáy.

Cầm cự

Ngày này năm ngoái, anh Dũng ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cùng một người bạn quyết định vay vốn ngân hàng để thuê mặt bằng, kinh doanh bán cà phê trên phố Láng Hạ (quận Đống Đa). Sau một năm, cũng giống bà Hằng, công việc kinh doanh của anh Dũng luôn trong tình trạng ngắc ngoải. Có lúc nản, anh Dũng đã nghĩ đến việc giải tán, trao trả lại mặt bằng.

“Chúng tôi thuê mặt bằng với giá 30 triệu đồng/tháng. Đầu tư cơ sở vật chất tốn ngót nghét 100 triệu đồng. Riêng tôi và bạn chung vốn đi làm thêm một việc khác nên cửa hàng phải thuê 3 bạn sinh viên với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng/người. Tính ra mỗi tháng không kiếm được 50 triệu đồng thì coi như thua lỗ. Những đợt phải bán hàng mang về cũng coi như đóng cửa hàng. Cửa hàng gần như “đóng băng” suốt một năm qua”, anh Dũng than thở.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, diễn biến dịch COVID-19 vẫn hết sức phức tạp, việc người dân đã nhiễm bệnh hoặc bất cứ ai đều có tâm lý muốn ở nhà, tránh tập trung đông người nên hàng quán vắng vẻ, ế ẩm là một điều hết sức dễ hiểu. “Hiện nay, các chương trình phục hồi hỗ trợ kinh tế, Chính phủ đã làm hết sức có thể, các chủ nhà hàng phải tự thích ứng. Nhà nước đã tạo điều kiện cho kinh doanh nên các cá nhân phải chủ động tìm ra những phương thức phục vụ mới, đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng tốt nhất”, ông Long cho hay.

Hiện nay, anh Dũng đã phải cắt giảm nhân sự xuống chỉ còn một người vừa trông xe, bưng bê kiêm pha chế. Việc F0 tại Thủ đô liên tục tăng cao, lượng khách lui tới uống cà phê ngày càng thưa thớt. Nắm được thông tin trên báo đài rằng Chính phủ có chủ trương mở cửa du lịch vào ngày 15/3 tới đây, anh Dũng cảm thấy bớt lo lắng hơn.

“Hiện nay, dù khách vắng nhưng vẫn có nhiều tín hiệu tốt. Trước đây, cứ đóng rồi lại mở, còn bây giờ Hà Nội đã gần như nới lỏng toàn bộ các biện pháp chống dịch, không còn siết chặt như trước kia. Tôi mong rằng sắp tới Nhà nước sớm triển khai tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho người dân để tăng sức đề kháng, qua đó có thể yên tâm đi thưởng thức cà phê”, anh Dũng bày tỏ.

Đồng quan điểm, bà Lê Thị Hằng cho rằng Hà Nội sớm muộn sẽ qua đỉnh dịch. Bà mong các nhà quản lý có những biện pháp ứng phó linh hoạt, hợp lý hơn trong thời gian tới để tập trung vào phục hồi phát triển kinh tế. Bà Hằng cho biết, suốt 3 năm qua, hàng quán luôn tuân thủ mọi quy định phòng chống dịch của thành phố. Tới đây, bà sẽ tiếp tục nghiêm túc chấp hành mọi quy định như khử khuẩn, đảm bảo khoảng cách, nước sát khuẩn - miễn là có thể đón khách lui tới quán.