Chỉ còn 30 - 40% môi giới bất động sản hoạt động trên thị trường
Những tháng đầu năm 2023 dương lịch, mặc dù đã gần hết tháng Giêng năm Quý Mão nhưng nhiều môi giới bất động sản cho biết, họ vẫn chưa thực sự bắt đầu công việc của mình.
Suốt từ nhiều tháng trước Tết đến thời điểm hiện tại, anh Xuân Tùng, một nhân viên môi giới tại Hà Đông, Hà Nội chuyên bán các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đã không bán được một sản phẩm nào.
“Tình hình chung của thị trường bất động sản hiện nay rất khó khăn. Lượng khách quan tâm đến sản phẩm có nhưng ít, tâm lý chung của các nhà đầu tư là ngần ngại xuống tiền ở thời điểm này", ông Tùng chia sẻ.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Thắng, Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Quốc Oai, phân phối chủ yếu các sản phẩm đất nền, cũng đã phải cắt giảm hơn 60% nhân sự từ nửa năm nay do không có giao dịch.
Nếu như đầu năm 2022 môi giới vẫn bán được hàng, thậm chí phân khúc đất nền bán khá tốt thì hiện tại, người mua vẫn đi xem đất nhưng chủ yếu là thăm dò, rất ít khi xuống tiền. Thậm chí, đất nền tại nhiều khu vực bán mãi không được. Nhà đầu tư hiện đang ưu tiên các sản phẩm trong nội thành thay vì đầu tư đất nền ở xa.
"Thị trường quá kém, giao dịch chậm khiến nhiều môi giới không có chi phí để duy trì công việc và cuộc sống, buộc phải tìm hướng mưu sinh khác. Từ giờ đến giữa năm 2023, nếu thị trường không có chuyển biến tích cực, nhiều khả năng, số nhân sự còn lại của công ty cũng sẽ tiếp tục giảm thêm”, vị lãnh đạo này chia sẻ.
Đối với phân khúc chung cư, tình hình giao dịch khả quan hơn vì vẫn có người mua nhà có nhu cầu thực. Tuy nhiên theo nhiều môi giới bất động sản, thanh khoản chậm cũng ảnh hưởng lớn đến thu nhập và cuộc sống của họ. Nhiều môi giới đang chật vật tìm cách mưu sinh.
Chị Mai, nhân viên kinh doanh một sàn giao dịch có trụ sở tại Hoàng Mai cho biết, nửa năm nay, chị vẫn có giao dịch nhưng số lượng rất ít, không đủ để bù đắp cho các chi phí bỏ ra như quảng cáo, đăng bài trên các hội nhóm, mạng xã hội, website, chi phí đi lại... Để duy trì cuộc sống, tiếp tục gắn bó với nghề, chị và nhiều môi giới khác buộc phải tìm các công việc khác để có thêm thu nhập.
Báo cáo thị trường bất động sản 2022 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, các sàn giao dịch, môi giới bất động sản hiện đang rơi vào bối cảnh hết sức khó khăn do thị trường chậm thanh khoản, không có giao dịch.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, lượng môi giới đang hoạt động trên thị trường hiện nay chỉ còn khoảng 30 - 40% so với thời điểm sôi động trước đó. Nhiều sàn giao dịch đã buộc phải đóng cửa do không có nguồn hàng để bán, không bán được hàng để có nguồn thu để chi trả cho các hoạt động thuê văn phòng, trả lương cho nhân sự...
Báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản 2022 cũng nhấn mạnh, thị trường có nhiều khó khăn nhất là vào nửa cuối năm 2022. Đặc biệt là tình trạng thiếu nguồn cung, cơ cấu sản phẩm nhà ở chưa phù hợp, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động.
Về nguồn cung bất động sản, năm 2022, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc nhà ở trung – cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu. Số liệu thống kê cho thấy, cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm từ 20% năm 2019 xuống dưới 5% trong năm 2022.
Số lượng dự án triển khai rất hạn chế cũng là nguyên nhân gây khó khăn thêm cho các sàn giao dịch về nguồn hàng. Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, năm 2022, cả nước có 126 dự án với hơn 55.700 căn hộ được cấp phép bằng khoảng 52,7% so với năm 2021; có 466 dự án với hơn 228.000 căn hộ đang được triển khai bằng 47,7% so với năm 2021; 91 dự án đã hoàn thành với hơn 18.000 căn hộ bằng khoảng 55,2% so với năm 2021.
Trong khi đó, cả năm 2022, chỉ có 9 dự án nhà ở xã hội được cấp phép mới với hơn 5.520 căn hộ; có 114 dự án với hơn 6.190 căn hộ đã hoàn thành.
Mặt khác, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công trong các quý không ổn định, cụ thể là thành công tăng cao nhất vào quý II, sau đó giảm và thấp vào quý IV.
Trên cả nước có 785.637 giao dịch bất động sản thành công. Trong đó: lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công là 154.756 giao dịch; lượng giao dịch đất nền thành công là 630.881 giao dịch; riêng tại thành phố Hà Nội có 7.662 giao dịch thành công, tại thành phố Hồ Chí Minh có 10.780 giao dịch thành công.
Về giá giao dịch bất động sản, theo Bộ Xây dựng, nhìn chung trong năm 2022, giá bất động sản liên tục tăng trong quý I và quý II; quý III chững lại; quý IV có điều chỉnh giảm ở một số dự án nhưng không nhiều. Hầu hết vẫn giữ ở mức cao đã thiết lập cuối quý II.
Thăng trầm nghề môi giới
Nhìn nhận về thực trạng khó khăn của môi giới bất động sản và các sàn giao dịch, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, các sàn giao dịch bất động sản đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn khi thị trường trầm lắng, lượng môi giới nghỉ việc, bỏ nghề tăng cao.
Bất động sản là mặt hàng đặc thù, giá trị lớn, chịu nhiều tác động của các vấn đề chính sách, vĩ mô kinh tế nên không dễ bán, đặc biệt khi thị trường suy giảm. Do đó, bối cảnh thị trường trầm lắng, ngay lập tức đã ảnh hưởng đến doanh thu của môi giới, các sàn giao dịch.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, thị trường gặp khó cũng là giai đoạn để ngành môi giới bất động sản thanh lọc nhân sự, các đơn vị tuyển dụng có những kế hoạch dài hơi, bài bản hơn trong công tác tuyển dụng, đào tạo người.
Nguyên nhân là do trong giai đoạn thị trường sôi động, việc kiếm tiền dễ dàng đối với bất động sản đã dẫn đến sự bùng nổ nhân sự của nghề, rất nhiều người đang làm việc trong lĩnh vực khác cũng chuyển sang làm môi giới với hy vọng có thể chớp cơ hội đổi đời.
Đáng nói, sự bùng nổ nhân sự môi giới bất động sản lại đi cùng với quy trình tuyển dụng số lượng lớn, mang tính ồ ạt, dễ dãi ở một số đơn vị, dẫn đến hiện tượng không đạt chuẩn của môi giới trong nghề.
Số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có khoảng 300.000 môi giới bất động sản đang hoạt động nhưng chỉ có khoảng 10% môi giới có chứng chỉ hành nghề. Do đó, quá trình thanh lọc môi giới bất động sản là vô cùng cần thiết đối với sự phát triển lành mạnh của thị trường, ông Đính nhận định.
Đồng quan điểm, Chuyên gia tư vấn đầu tư bất động sản Trần Minh cũng cho rằng, có đến 80% các môi giới bất động sản nghỉ việc, rời khỏi thị trường hiện nay là các nhân sự không chuyên trong ngành môi giới.
Khi thị trường phát triển nóng, nhiều người từ các ngành nghề, lĩnh vực khác chuyển sang làm bất động sản. Họ chỉ coi đây là một công việc mang tính thời vụ, làm việc với tâm thế kiếm tiền, chính vì vậy, họ không dành thời gian cho việc học hỏi kiến thức, học nghề và coi đây là một nghề nghiệp chính của mình. Đó cũng là lý do khiến khi thị trường gặp khó khăn, họ sẽ nghỉ, chuyển sang nghề khác, ông Minh nhận định.
Không phủ nhận những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản và các sàn giao dịch, môi giới viên ở thời điểm hiện nay, song theo ông Minh, nghề nào cũng có lúc thăng trầm. Môi giới bất động sản là nghề có thể đạt mức thu nhập rất cao nếu biết cách làm đúng. Do đó, đương nhiên, môi giới bất động sản đòi hỏi người làm môi giới phải có trình độ, chuyên môn cao, đầu tư thời gian và chờ thời điểm thị trường có độ chín muồi nhấn định.
Ở bối cảnh hiện tại, khi thị trường đang tầm lắng chính là thời điểm tốt nhất để các môi giới bất động sản có tâm huyết theo đuổi nghề lâu dài học hỏi tích lũy kinh nghiệm, chăm sóc các khách hàng tiềm năng, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo của thị trường.