Hầu hết người lao động đã trở lại làm việc sau tết

Đến ngày 30-1 (mùng 9 Tết), 94% nhà máy, doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) ở TPHCM đã hoạt động trở lại với tỷ lệ công nhân làm việc đạt khoảng 95%.

nguoi-lao-dong-1675131132.jpg Công nhân Công ty TNHH May mặc Dony hứng khởi trong ngày làm việc đầu năm. Ảnh: NGÔ BÌNH

Khí thế làm việc mới

Sáng 30-1, hầu hết công nhân đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Công nhân Công ty TNHH May mặc Dony (huyện Bình Chánh, TPHCM) phấn khởi khi được lãnh đạo công ty đến động viên, lì xì đầu năm. “Được lãnh đạo quan tâm, động viên và thấy mọi người đi làm đông đủ là hạnh phúc rồi. Hy vọng năm nay công ty sẽ có nhiều đơn hàng, để công nhân có việc làm, tăng thu nhập và có cái tết năm sau ấm áp hơn”, công nhân Sơn Thị Mỹ Lanh bày tỏ. Giám đốc công ty Phạm Quang Anh chia sẻ, từ cuối năm 2022, đơn vị chuẩn bị đủ đơn hàng; những ngày đầu năm mới, càng vui hơn khi khách hàng ở Mỹ đã duyệt hàng mẫu. Trong tuần này, công ty sẽ đàm phán với khách hàng để ký hợp đồng.

Trưa 26-1 (mùng 5 Tết), gia đình anh Nguyễn Đình Luân, quê Đồng Tháp (làm việc tại Công ty cổ phần In số 7, quận Bình Tân, TPHCM) đã lên đến khu nhà trọ trên đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân, TPHCM. Chiều cùng ngày, 70% người lao động tại khu trọ cũng đã có mặt. “Công ty tôi khai trương vào mùng 6 nên sáng mùng 5 gia đình tôi chạy xe máy từ quê lên. Tôi đã có một mùa xuân trọn vẹn bên gia đình. Dịp tết vừa qua, công ty đã có các chế độ lương, thưởng xứng đáng cho người lao động, nên giờ là lúc tôi bắt đầu một năm làm việc và cống hiến”, anh Luân tâm sự.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, cho biết, theo lịch, ngày 30-1 công ty hoạt động trở lại. Tuy nhiên, ngày đầu tiên làm việc trong năm, chỉ khoảng 20% công nhân đi làm trở lại. Nguyên do là đa số công nhân ở lại TPHCM dịp Tết Nguyên đán và đăng ký làm việc ngay từ ngày đầu tiên. Còn công nhân ở các tỉnh, thành xa TPHCM, được công ty tạo điều kiện nghỉ ngơi, có điều kiện sum họp cùng gia đình lâu hơn, nên đến ngày 1-2 họ mới đi làm lại.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã thành lập 6 đoàn kiểm tra việc thực hiện kỷ cương hành chính và nắm tình hình công nhân viên chức - lao động sau tết trên địa bàn. Tính đến ngày 30-1, đã có 99,2% doanh nghiệp mở cửa với 97,8% người lao động trở lại làm việc. Tại tỉnh Bình Dương, đến ngày 30-1 đã có khoảng 85% người lao động trong các KCN trên địa bàn quay trở lại làm việc. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, đa số các công ty trên địa bàn - chủ yếu trong các ngành nghề cơ khí, điện tử, dịch vụ - hoạt động trở lại từ ngày 27-1.

MINH KHANG - XUÂN TRUNG - HOÀNG BẮC

Không thiếu lao động nhờ đãi ngộ tốt

Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần In số 7 Trương Hoàng Tâm, trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới vào mùng 6 Tết, 95% công nhân đã trở lại nhà máy. Đến ngày 30-1, 100% công nhân đã có mặt để bắt đầu một năm sản xuất khả quan. Công ty lì xì mỗi người lao động 1 triệu đồng; công đoàn công ty tổ chức rút thăm lộc đầu năm để tạo sự phấn khởi cho người lao động.

Chủ tịch Công đoàn Công ty Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TPHCM) Nguyễn Văn Hùng cho biết, đến ngày 30-1, khoảng 85% trong tổng số 1.300 công nhân đã trở lại nhà máy làm việc. “Công ty khai trương vào mùng 6 Tết, với 75% công nhân làm việc. Đến ngày 30-1 có thêm 10% người lao động vào làm. Chúng tôi tổ chức các chuyến xe đưa và đón công nhân các tỉnh phía Bắc về quê và trở lại TPHCM. Các chuyến xe đã xuất phát từ ngày 29-1, dự kiến tối 30-1 vào đến TPHCM”, ông Hùng chia sẻ.

Đại diện Công đoàn các KCX-KCN TPHCM cho biết, đến ngày 30-1, khoảng 94% nhà máy, doanh nghiệp tại các KCX-KCN ở TPHCM đã hoạt động trở lại. Tỷ lệ công nhân trở lại nhà máy làm việc đạt khoảng 95%. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết, theo lịch, ngày 27-1 là ngày làm việc đầu tiên của năm. Do ngày 27-1 rơi vào thứ sáu nên nhiều doanh nghiệp tạo điều kiện cho công nhân nghỉ hết tuần, tức vào thứ hai 30-1 mới làm việc trở lại. Do cuối năm 2022 hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp gặp khó khăn, phải cắt giảm nhân công khiến suy nghĩ của người lao động thay đổi. Tình trạng “nhảy việc” đầu năm không còn là xu hướng, thay vào đó công nhân mong muốn công việc ổn định hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cố gắng tìm kiếm đơn hàng, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh để đảm bảo ổn định công việc cho người lao động, tạo sự gắn bó bền vững giữa người lao động với đơn vị. Trong quý 1-2023, 499 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển thêm hơn 14.300 lao động. Trong đó, lĩnh vực may mặc, da giày tuyển 5.000 vị trí; điện - điện tử tuyển 2.200 vị trí; hóa nhựa tuyển 800 vị trí; lĩnh vực bán buôn cần tuyển thêm hơn 1.000 vị trí.

Để tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp với người lao động, Sở LĐTB-XH TPHCM phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nắm bắt tình hình, tổ chức các sàn, phiên giao dịch việc làm kết nối cung - cầu, đặc biệt là kết nối giữa TPHCM với các tỉnh, thành. Theo ông Nguyễn Văn Lâm, trong tháng 2-2023, TPHCM có nhiều hoạt động giao dịch việc làm. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình tiếp sức người lao động tại các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Bến Tre, Long An, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM sẽ tổ chức nhiều phiên, sàn giao dịch việc làm để doanh nghiệp và người lao động gặp gỡ, trao đổi, giải quyết nhu cầu việc làm trong quý 1-2023.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn cao hơn năm trước, ước đạt 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021. Tuy nhiên, cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải ngưng hoạt động do thiếu đơn hàng. Dự kiến, năm 2023 tình hình kinh tế khó khăn, thách thức, thậm chí còn nhiều hơn cả giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thế nhưng, doanh nghiệp trong ngành vẫn kiên trì mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 47-48 tỷ USD. Lý do là Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại. Hiện hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đa dạng tại nhiều thị trường ở khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, EU, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ở nhiều doanh nghiệp dệt may thành viên, công nhân đã quay trở lại làm việc bình thường. Trước đó, nhiều doanh nghiệp dệt may không có đơn hàng cũng đã chủ động chuyển từ sản xuất may mặc sang làm túi xách cho các siêu thị để có công việc cho người lao động, giữ chân họ trong khi chờ ngành dệt may phục hồi.

Ái Vân