Hậu niêm yết đường vòng: Cổ đông lớn vẫn bán vốn, HTP còn thiếu hồ sơ dù cổ phiếu đã được niêm yết

Tại sao cổ phiếu HTP phát hành thêm đã niêm yết, mà In sách giáo khoa Hoà Phát vẫn bị "đòi" hoàn thiện hồ sơ?

Nhắc đến cổ phiếu HTP của CTCP In sách Giáo khoa Hoà Phát, nhà đầu tư lại liên tưởng ngay đến Hưng Vượng Developer và pha "niêm yết đường vòng" đình đám được nhắc đến những tuần qua. Bên cạnh những thông tin liên quan, nhà đầu tư cũng chú ý đến việc thoái vốn chốt lãi của các nhà đầu tư trong vụ "đi vòng" kể trên.

Cổ đông lớn thoái vốn, lãi lớn sau hơn 1 năm đầu tư

Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, phiên cuối tuần qua, ngày 14/10/2022 cổ đông lớn Mai Lê Hồng Sương đã bán ra hơn 1,57 triệu cổ phiếu HTP của CTCP In Sách Giáo khoa Hoà Phát để cơ cấu danh mục đầu tư.

Sau giao dịch bà Hồng Sương giảm lượng sở hữu cổ phiếu HTP từ 17,16 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 18,69%) xuống còn hơn 15,58 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 16,97%).

Đây là lần thứ 2 liên tiếp trong vòng chục ngày bà Hồng Sương bán ra lượng lớn cổ phiếu HTP. Trước đó ngày 5/10/2022 bà Hồng Sương đã bán 2 triệu cổ phiếu với giá bình quân khoảng 46.000 đồng, thu về khoảng hơn 90 tỷ đồng. Còn phiên 14/10 vừa qua HTP giao dịch quanh mức 48.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng bà Sương thu về khoảng 77 tỷ đồng.

Tháng 8/2022 bà Hồng Sương đã 2 lần bán ra tổng cộng gần 3 triệu cổ phiếu HTP, thu về khoảng 110 tỷ đồng. Như vậy chỉ trong vòng chưa đến 2 tháng, bà Hồng Sương bán ra hơn 6,5 triệu cổ phiếu HTP, thu về xấp xỉ 280 tỷ đồng.

Nhắc đến cổ phiếu HTP và cổ đông Mai Lê Hồng Sương, nhà đầu tư lại liên tưởng đến công ty In sách Giáo khoa Hoà Phát và vụ “niêm yết đường vòng” đang tốn giấy mực của nhà đầu tư. Thông tin sơ bộ thì đầu năm 2021 In sách Giáo khoa Hoà Phát phát hành 90 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ với giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Bà Sương là một trong những nhà đầu tư, đã mua 22,4 triệu cổ phiếu HTP, tương ứng bỏ ra 224 tỷ đồng để mua số cổ phiếu này.

Đáng chú ý, sau khi phát hành tăng vốn “khủng” cổ phiếu HTP lại tăng mạnh, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mua riêng lẻ giá thấp được bán ra với giá cao. Tạm tính qua các lần bán bà Sương đã thu về cao hơn khoảng 50 tỷ đồng so với số tiền vốn bỏ ra. Ngoài ra, hiện tại bà Sương vẫn còn giữ lại hơn 15,5 triệu cổ phiếu HTP. Đây cũng là tình trạng chung của các nhà đầu tư mua riêng lẻ cùng đợt với bà Hồng Sương: Liên tục bán ra chốt lãi, thu vốn.

screen-shot-2022-10-18-at-175136-1666234905.png
 

Lộ tin HTP vẫn chưa hoàn thiện “thủ tục xem xét lại điều kiện niêm yết cổ phiếu sau cơ cấu”

Một thông tin bất ngờ là mới đây CTCP In sách giáo khoa Hoà Phát công bố thông tin về công văn giải trình gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Nội dung văn bản ghi rõ: ngày 5/10/2022 Công ty có nhận được công văn của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc thực hiện thủ tục xem xét lại điều kiện niêm yết cổ phiếu HTP sau cơ cấu. Theo các đề nghị của công văn trên, In sách giáo khoa Hoà Phát có công văn giải trình:

Thứ nhất là nội dung về tuân thủ quy định công bố thông tin. Nội dung này liên quan đến việc HTP mua cổ phiếu của Hưng Vượng Developer để gia tăng tỷ lệ sở hữu, dẫn tới đưa Hưng Vương Developer thành công ty con. HTP cho biết công ty đã thực hiện công bố thông tin theo quy định các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị có liên quan.

Thông tin thêm về vụ việc công ty nhỏ HTP phát hành cổ phiếu “thâu tóm” công ty lớn Hưng Vương Developer: In sách Giáo khoa Hoà Phát đã thực hiện phát hành riêng lẻ 90 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 900 tỷ đồng để đầu tư mua cổ phần Hưng Vượng Developer. Tổng số cổ phiếu Hưng Vượng Developer đặt mua 75,8 triệu đơn vị, tương ứng 62,75% vốn điều lệ của Hưng Vượng Developer. Giá mua 11.900 đồng/cổ phần tương ứng tổng giá trị giao dịch hơn 902 tỷ đồng. HTP lấy 900 tỷ đồng từ chào bán riêng lẻ và hơn 2 tỷ đồng từ vốn khác của công ty để thực hiện giao dịch này.

Nói về Hưng Vượng Developer, công ty được thành lập tháng 4/2020 với vốn điều lệ 1.208 tỷ đồng tương ứng 120,8 triệu cổ phần lưu hành. Công ty chuyên kinh doanh bất động sản. Thời điểm HTP mua cổ phần Hưng Vượng Developer, công ty này mới có tuổi đời chưa tròn 1. Còn In sách Giáo khoa Hoà Phát lại chỉ có vốn điều lệ hơn 180 tỷ đồng – “bé hạt tiêu” so với Hưng Vượng Developer.

Đáng chú ý nhất là công văn trả lời của HTP còn nhắc đến thủ tục xem xét lại điều kiện niêm yết sau cơ cấu

Nội dung công văn, In sách giáo khoa Hoà Phát cho biết sau khi hoàn thành giao dịch mua lại cổ phiếu Hưng Vượng Developer vào ngày 5/1/2021 HTP đã nghiên cứu các thủ tục xem xét lại điều kiện niêm yết sau cơ cấu theo quy định, yêu cầu hồ sơ có bao gồm “báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước cho 2 năm liền trước năm cơ cấu lại doanh nghiệp của tổ chức thực hiện cơ cấu lại”.

Tuy nhiên tại thời điểm lập hồ sơ, HTP đã liên hệ HNX, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước và một số đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán nhưng được biết rằng Bộ tài chính chưa có hướng dẫn lập báo cáo này, do đó công ty chưa thể triển khai lập báo cáo và hoàn thiện hồ sơ nộp HNX và tình trạng này kéo dài sang năm 2022.

Do thực trạng trong khoảng thời gian tương đối dài (hơn 1 năm) chưa có hướng dẫn và cơ sở để lập báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước để hoàn thiện hồ sơ còn tồn tại; cùng với đó là ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 khiến tình hình sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, công ty tập trung nhân sự hỗ trợ công ty con thực hiện dự án đầu tư nên đã thiếu sót trong việc hoàn thiện hồ sở báo cáo HNX theo quy định.

Ngoài ra việc Hưng Vượng Developer có tình trạng tài chính lành mạnh trước giao dịch cơ cấu và tình hình kết qủa kinh doanh hợp nhất của công ty diễn biến tích cực sau giao dịch nên HTP đã có sự chủ quan nhất định khi xem xét yếu tố liên quan đến điều kiện niêm yết.

HTP cho biết ngay sau văn bản này sẽ triển khai việc lập báo cáo tổng hợp tình hình tài chính theo quy ước và theo hướng dẫn để hoàn thiện hồ sơ xem xét điều kiện niêm yết sau cơ cấu theo quy định.

Thiếu thủ tục, sao cổ phiếu HTP phát hành thêm vẫn được niêm yết bổ sung?

Sau khi phát hành riêng lẻ thành công, ngày 8/3/2021 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã có thông báo chấp thuận cho CTCP In sách giáo khoa Hoà Phát được niêm yết bổ sung 90 triệu cổ phiếu từ đợt chào bán riêng lẻ. Số cổ phiếu này cũng đã chính thức giao dịch trên HNX từ ngày 6/1/2022 (do số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng đến hết 5/1/2022).

Vậy câu hỏi đặt ra là, sao cổ phiếu đã niêm yết, giao dịch cả năm trời, mà đến hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vẫn còn “đòi” In sách Giáo khoa Hoà Phát về thủ tục xem xét lại điều kiện niêm yết sau cơ cấu?

In sách giáo khoa Hoà Phát đã "nới” room ngoại về 0%

Ngày 7/10/2022 Trung tâm lưu ký chứng khoán ViệtNam có công văn về việc điều chỉnh tỷ lệ room của mã chứng khoán HTP. Theo đó, căn cứ công văn của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, VSD thông báo thực hiện điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tối đa của mã chứng khoán HTP từ 49% xuống 0%.

Văn bản có hiệu lực từ 10/10/2022.

Hưng Vượng Developer và “pha” phát hành trái phiếu 600 tỷ đồng

Sau khi In sách giáo khoa Hoà Phát (vốn điều lệ hơn 180 tỷ đồng) tăng vốn lên 918 tỷ đồng để huy động tiền “mua” Hưng Vượng Developer (vốn điều lệ hơn 1.200 tỷ đồng), sở hữu 62,75% vốn điều lẹ công ty này, đồng thời đưa Danh Việt, Hưng Hượng AMC, Hưng Vượng Hospitality về hợp nhất trên báo cáo tài chính, kéo theo đó là tài sản, các khoản phải thu/phải trả của nhóm này.

Trong các khoản đó, có 230 tỷ đồng “trả trước cho người bán” với ông Hồ Quang Tâm: Đại hội đồng cổ đông tháng 8/2021 của Hưng Vượng Deverlop đã thông qua phương án nhận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ của CTCP Cổ kim mỹ nghệ từ ông Hồ Quang Tâm. Đây là số tiền mà Hưng Vượng Developer chuyển cho ông Tâm.

Liên quan đến việc này, lần lại lịch sử, tháng 8/2021 Hưng Vượng Developer đã phát hành riêng lẻ 600 tỷ đồng trái phiếu (mã HVDCH123001). Trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Trái phiếu này có kỳ hạn 18 tháng, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo. Trái phiếu có lãi suất 12%/năm. Ngày đáo hạn 2/2/2023.

Mục đích của đợt phát hành là để nhận chuyển nhượng 100% vốn cổ phần tại CTCP Cổ kim Mỹ Nghệ - Chủ đầu tư dự án Sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu và khu du lịch nghỉ dưỡng Tân Thắng, Bình Thuận (dự án Hodota).

Đáng chú ý, phát hành trái phiếu để mua cổ phần của Cổ Kim Mỹ Nghệ, tuy vậy tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu phát hành này lại cũng chính là 100% cổ phần của CTCP Cổ Kim Mỹ Nghệ và 42 quyền sử dụng đát liên quan dự án Hodota, cùng các thửa đất còn lại thuộc dự án Hodota.

Một thông tin khác, Hưng Vượng là doanh nghiệp “non trẻ”, mới thành lập từ tháng 4/2020. Như vậy thời điểm về với HTP, Hưng Vượng Developer cũng mới chỉ chưa đến 1 năm tuổi. 

Hậu niêm yết đường vòng, HTP phải giải trình lý do chưa hoàn thiện "thủ tục xem xét lại điều kiện niêm yết cổ phiếu sau cơ cấu"