Kỳ 1: Từ kế toán thành triệu phú
Graeme Briggs, sáng lập viên công ty Asiaciti. Ảnh: Dailymail
Đó là Graeme Briggs, hiện nay 75 tuổi. Cũng nhờ nghề giữ bí mật cho khách hàng mà nhân vật này cũng tích lũy được số tài sản cá nhân kếch xù. Theo tờ Dailymail, tổng tài sản của Briggs trị giá 62 triệu USD. Trong nhiều năm, ông này đã mua bất động sản đắt đỏ trên toàn cầu, trong đó có bất động sản trị giá 10 triệu USD ở Australia. Trong số những tài sản đắt tiền của Briggs, có chiếc bút máy Nhật Bản quý hiếm trị giá hơn 4 triệu USD.
Tháng hai là một trong những tháng lạnh nhất năm ở Moskva, Nga. Đó là khi viên kế toán Australia Graeme Briggs đặt chân xuống nước này năm 2015. Ông tới đó để gặp trực tiếp khách hàng tên Herman Gref.
Gref là chủ tịch ngân hàng SberBank lớn nhất Nga và muốn Briggs giúp để bảo vệ số tài sản khổng lồ của mình. Ngân hàng của Gref khi đó mới bị quốc tế trừng phạt sau vụ máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn hạ ở Ukraine, gần biên giới Nga. Mặc dù cá nhân Gref không bị trừng phạt nhưng ông này vẫn bị coi là một khách hàng rủi ro cao, loại khách hàng mà phần lớn công ty kế toán tránh xa.
Nhưng với Briggs thì không. Là một kế toán thiên tài, Briggs và công ty của ông Asiaciti đã kiếm bộn tiền nhờ thiết lập các cấu trúc tài chính và quỹ tín thác để bảo vệ không chỉ tiền mà còn bí mật của khách hàng.
Briggs lúc nào cũng tìm cách ở bên lề phải của luật pháp, nhưng không phải lúc nào mọi quyết định của ông cũng an toàn. Thông tin chi tiết về cuộc gặp ở Moskva giữa Briggs và ông Gref có trong Hồ sơ Pandora – vụ rò rỉ tài liệu tài chính thuộc hàng lớn nhất lịch sử.
Công ty Asiaciti do Briggs thành lập chuyên cất giấu tiền bạc ở hải ngoại cho khách hàng. Ảnh: Shutterstock
Asiaciti, công ty tư vấn và kế toán hải ngoại ở Singapore do Briggs đồng sáng lập và lãnh đạo, chiếm gần 2 triệu tài liệu trong Hồ sơ Pandora. Số tài liệu này tiết lộ chi tiết bí mật về cách Briggs tích lũy tài sản 62 triệu USD cho bản thân, một phần là nhờ hỗ trợ khách hàng rủi ro cao che giấu các phi vụ tài chính.
Briggs rất giỏi các con số. Từ khi còn đi học, bạn bè đã nhận xét Briggs là người thông minh, thực sự giỏi toán. Briggs bắt đầu làm kế toán khi 23 tuổi và thành lập công ty riêng Asiaciti lúc 30 tuổi.
Trong những năm 1980, Asiaciti bắt đầu mở chi nhánh ở một số quốc đảo nhỏ, nơi mà luật thuế với doanh nghiệp nước ngoài còn lỏng lẻo và luật bí mật thông tin lại chặt chẽ.
Với khách hàng, Briggs luôn quảng cáo một quốc đảo mà những người khác thường bỏ qua: Samoa. Ở giữa Thái Bình Dương, một thiên đường thuế mới đang xuất hiện và Briggs giúp thiên đường thuế này phát triển.
Trong một thư điện tử bị rò rỉ trong Hồ sơ Pandora, một nhà quản lý Samoa coi Briggs là “ông tổ” ngành offshore (hoạt động quản lý, đăng ký, hoạt động ở quốc gia bên ngoài, thường là quốc gia có ưu đãi về tài chính, luật pháp và thuế). Briggs đã thiết lập cơ cấu và pháp lý của trung tâm tài chính hải ngoại Samoa. Nói cách khác, ông này hỗ trợ thiết lập khung luật pháp và quy định cần thiết cho ngành công ty tín thác và ngân hàng hải ngoại ở Samoa.
Mối quan hệ mật thiết này giúp Briggs được chỉ định làm lãnh sự danh dự của Samoa ở Singapore suốt 25 năm tới năm 2016. Briggs đi khắp thế giới quảng bá về luật thuế và bảo mật thông tin của Samoa, gọi đây là lựa chọn thay thế cho quần đảo Virgin thuộc Anh và các quốc đảo Caribe khác.
Briggs bắt đầu sáng tạo và bán sản phẩm tài chính mới, tận dụng triệt để luật pháp mà ông ta đã hỗ trợ soạn thảo. Các sản phẩm này lợi dụng khoảng trống trong luật thuế ở Australia lúc bấy giờ, cho phép các cá nhân có tài sản ròng giá trị cao gần như không phải đóng thuế hoặc đóng rất ít nếu kiếm tiền ở nước ngoài.
Hồ sơ Pandora có 2,94 terabyte dữ liệu được tiết lộ. Hồ sơ gồm 12 triệu tài liệu từ 14 công ty dịch vụ tài chính ở các nơi như quần đảo Virgin thuộc Anh, Panama, Belize, CH Síp, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Singapore và Thụy Sĩ. Số tài liệu này được Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) thu thập và chia sẻ với trên 650 phóng viên từ trên 100 tờ báo. Hồ sơ Pandora cho thấy có nhiều lãnh đạo thế giới, chính trị gia và tỷ phú đã sử dụng các tài khoản ở các thiên đường thuế nhằm tích lũy tài sản và thực hiện các giao dịch. Hồ sơ cũng vạch trần tình hình tài chính bí mật của trên 300 quan chức công như các bộ trưởng, thẩm phán, thị trưởng, tướng lĩnh quân đội ở trên 90 quốc gia. Ngoài các quan chức, trên 100 tỷ phú đã được nhắc tên trong số tài liệu bị rò rỉ. Nhiều người nổi tiếng, ngôi sao nhạc rock, lãnh đạo doanh nghiệp cũng xuất hiện trong hồ sơ Pandora. Hồ sơ Pandora gồm một loạt thư điện tử, biên bản ghi nhớ, hồ sơ sáp nhập, chứng chỉ cổ phiếu, hồ sơ tuân thủ nguyên tắc và các biểu đồ phức tạp cho thấy cơ cấu mê cung của các doanh nghiệp vỏ bọc. Lần đầu tiên, người ta có thể chỉ đích danh chủ sở hữu thực sự của các doanh nghiệp vỏ bọc. Sau 18 tháng phân tích dữ liệu, các tờ báo sẽ đăng dần kết quả nghiên cứu trong những ngày tới, bắt đầu bằng việc tiết lộ những phi vụ tài chính ở thiên đường thuế của một số lãnh đạo quyền lực nhất thế giới.