Hỗ trợ 100.000 sách, truyện cho học sinh dân tộc thiểu số

Tạo thói quen đọc là một trong những hoạt động nằm trong dự án nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số tại 18 trường mầm non, tiểu học.

Ngày 6/11, hội thảo tổng kết dự án “Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số tại Việt Nam” với sự hỗ trợ của cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) diễn ra ở Hà Nội.

Dự án này kéo dài từ tháng 5/2018 đến tháng 11/2020 tại 6 trường mầm non, 12 trường tiểu học ở huyện Tây Giang (Quảng Nam), Văn Chấn, Mù Cang Chài (Yên Bái).

Theo bà, Dragana Strinic, Giám đốc Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, sau 3 năm thực hiện dự án, khả năng sẵn sàng đi học của trẻ mầm non tăng từ 36% lên 63%.

100.000 sach truyen cho hoc sinh dan toc thieu so anh 1

Hơn 100.000 cuốn sách truyện được gửi đến các trường trong dự án nhằm giúp học sinh dân tộc thiểu số nâng cao kỹ năng đọc viết. Ảnh: Tổ chức Cứu trợ Trẻ em.

Môi trường học tập tại nhà và thái độ trong việc hỗ trợ con học tại nhà của cha mẹ thay đổi đáng kể. Trên 80% người chăm sóc trẻ đã giúp con phát triển kỹ năng đọc viết, toán. Tỷ lệ đọc hiểu của học sinh tiểu học tăng từ 20% đến 44%.

Tạo thói quen đọc là một trong những hoạt động được tổ chức để nâng cao khả năng đọc hiểu cho học sinh.

Bà Lê Thị Thanh Mai, quản lý dự án, thông tin trong 3 năm qua, gần 107.000 cuốn sách truyện đã được gửi tới trẻ em dân tộc thiểu số tại 18 trường ở Tây Giang, Văn Chân, Mù Cang Chải. Họ cũng hỗ trợ xây dựng, nâng cấp 46 thư viện.

Sau 3 năm, tỷ lệ học sinh mượn sách trong trường tăng, với 99% học sinh mượn sách truyện ở trường. Kỹ năng đọc và nhớ tăng từ 71% lên 92%. Tần suất đọc truyện hơn 4 lần/tuần tăng từ 25 lên 74%.

Để làm được điều đó, dự án đã hỗ trợ sách giáo khoa, sách truyện, nâng cấp thư viện, thành lập 129 góc đọc ở các trường.

Cụ thể, tại các trường ở huyện Tây Giang, Quảng Nam, hàng năm, tài liệu đọc của học sinh đều được cung cấp và bổ sung vào ngân hàng sách truyện. Năm 2018, các trường có thêm 95 đầu sách, 51.430 quyển. Năm 2019, con số này là 19.684 quyển sách và 4.940 quyển truyện. Năm 2020, số lượng sách được bổ sung là 391 đầu sách, 8.124 quyển truyện.

Ngoài 4 trường thuộc dự án, số sách này còn được chia sẻ đến hai trường khác. Ngoài ra, trong 3 năm qua, học sinh, phụ huynh còn tham gia sáng tác truyện tranh, tham gia ngày hội phát triển sách tại Yên Bái. Phần lớn truyện được chọn để in ấn.

Gần 100 phụ huynh, hơn 1.000 học sinh từ 4 trường ở Tây Giang cũng tham gia ngày hội đọc sách để tiếp cận nguồn tài liệu phong phú, tham gia các trò chơi giúp tăng cường kỹ năng đọc viết.

Dự án còn hỗ trợ thêm 42 kệ sách để xây dựng 36 góc đọc. Từ mô hình này, các trường mở rộng, sáng tạo góc đọc bằng những vật dụng có sẵn như kẹp giấy, giá sách cũ để tạo góc đọc trong lớp, cầu thang. Nhờ đó, số lượng đọc của học sinh Tây Giang tham gia dự án đạt gần 64.500 lượt.

Tại Văn Chấn, Mù Cang Chải, việc xây dựng, phát triển thói quen đọc cho học sinh dân tộc thiểu số cũng được quan tâm. Các trường thuộc dự án đều xây dựng câu lạc bộ Trại đọc, triển khai hoạt động góc đọc, thư viện đọc.

Trong đó, các trường mầm non được đầu tư 48 giá sách. Dự án thiết lập thư viện trong nhà và ngoài trời, 93 góc đọc cho các trường tiểu học, cung cấp hàng nghìn bộ sách giáo khoa, sách tham khảo, sách truyện… phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Nhờ đó, số lượng đọc sách của học sinh tăng qua các năm. 100% học sinh tại các trường thuộc dự án ở Văn Chấn và Mù Cang Chải mượn sách để đọc. Tỷ lệ học sinh nhớ nội dung câu chuyện đã đọc tăng từ 71% lên 95%.