Báo Công Thương nhận được phản ánh về mốt số vấn đề có dấu hiệu sai phạm: Hãng taxi Vinasun "khủng bố" khách hàng, Chứng khoán VPS bị khách hàng bóc phốt...
Báo Công Thương nhận được phản ánh của bạn đọc liên quan các vấn đề có dấu hiệu sai phạm như sau: Nhân viên taxi Vinasun chửi mắng khách hàng, Chứng khoán VPS bị khách hàng "bóc phốt", hàng loạt sai phạm liên quan lĩnh vực xây dựng tại Khu du lịch nghỉ dưỡng Pù Luông.
Đường dây nóng của Báo Công thương nhận được phản ánh: Anh N.G, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội cho biết, ngày 29/9/2022, anh cùng 2 người bạn có chuyến du lịch tại TP. Hồ Chí Minh. Khi vừa mới đặt chân đến thành phố này, anh đã "choáng váng" bởi hành vi cư xử của nhân viên hãng taxi Vinasun.
Cụ thể, khoảng 22h, anh N.G có gọi taxi theo số tổng đài của hãng taxi này để chở đi ăn đêm. 10 phút sau có 1 chiếc taxi đến đón, tưởng họ đón mình nên A.G cùng nhóm bạn lên luôn xe mà không biết là đã lên nhầm xe, không phải hãng Vinasun. Vậy nhưng, 5 phút sau có lái xe của hãng gọi điện lại và chửi nhóm anh N.G với những lời lẽ vô cùng thậm tệ, vô văn hóa...
"Tôi thực sự choáng váng, không thể tin được rằng, giữa một thành phố lớn, văn minh, hiện đại như TP. Hồ Chí Minh lại có chuyện này xảy ra. Tôi càng bức xúc hơn khi biết hãng taxi lớn như Vinasun lại có cách cư xử với khách hàng như vậy", anh N.G bức xúc nói.
Thông tin phản ánh: Khách hàng H.N (Việt Trì - Phú Thọ) phản ánh về cách phục vụ kém chất lượng của nhân sự M.C.T thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán VPS (Chứng khoán VPS). Theo đó, anh H.N cho rằng, nhân sự của công ty chứng khoán này kém từ đạo đức lẫn trình độ chuyên môn. Cụ thể, khách hàng này có mở tài khoản tại Chứng khoán VPS và được M.C.T làm chuyên gia tư vấn. Khi tham gia group, anh H.N đã mất phí tư vấn nhưng khi đưa ra những nhận định thẳng thắn về thị trường thì bị tẩy chay khỏi nhóm. Điều đặc biệt, anh H.N không yêu cầu thay đổi chuyên gia tư vấn nhưng vẫn bị từ chối phục vụ, chặn mọi liên hệ của khách hàng.
Theo tin nhắn từ phía chuyên gia tư vấn M.C.T của Chứng khoán VPS cho rằng: "Em nghĩ mình nên dừng hợp tác tại đây vì bất đồng quan điểm anh ạ. Đôi bên là hợp tác, em hỗ trợ mọi người đầu tư, nhưng cách anh nêu ý kiến của mình khiến bên em cảm thấy không được tôn trọng".
Khi anh H.N đăng tải thông tin lên mạng thì rất nhiều người vào bình luận và chia sẻ quan điểm. Người có tài khoản T.T cho rằng, "trong group thì ai cũng có quyền nêu quan điểm, miễn đừng quá đáng hoặc quá gây tranh cãi. Chứng khoán VPS đã thu tiền khách vào nhóm thì phải có trách nhiệm chứ không phải thích là kích khách hàng ra". Bên cạnh đó, có người còn bình luận rằng, không đánh đồng nhưng đa số broker (người môi giới chứng khoán) bên Chứng khoán VPS bây giờ đa số là người trẻ, kinh nghiệm kém và toàn cóp nhặt trên mạng mạng rồi đưa ra nhận định lung tung, khuyến nghị khách hàng nhảy ra nhảy vào, đúng thì nhắc lại, sai thì lờ tịt.
Thông tin phản ánh: Từ năm 2010 đến 2015, khi dịch vụ du lịch ở Pù Luông (xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) phát triển mạnh thì trên địa bàn có hàng trăm hộ vi vi phạm trong sử dụng đất, xây dựng. Cụ thể là sai phạm về liên quan đến việc xây dựng nhà ở trên đất trồng lúa nước, lúa nương và đất trồng cây hàng năm khác, diễn ra ở khắp các thôn trong xã như thôn Cốc, thôn Đanh, thôn Bầm, thôn Tân Thành, thôn Leo và thôn Đôn.
Đáng chú ý, trong các vụ vi phạm, có một số trường hợp tại thôn Đôn (Bản Đôn), tình trạng vi phạm được nêu tại mục “Hiện trạng xây dựng” trong báo cáo của UBND xã là “san lấp mặt bằng trồng lúa” và “thay đổi mặt bằng trồng lúa”, chủ yếu xảy ra vào cuối năm 2021. Những trường hợp này đã được gia chủ dùng làm bãi đỗ xe để phục vụ khách du lịch. Trong số đó, điển hình như hộ ông Hà Thanh Lịch (thôn Đôn), vi phạm thời điểm năm 2019 - 2020, trên 11 thửa đất chủ yếu là đất trồng lúa nước, lúa nương rẫy với tổng diện tích lên tới 1.658,3 m2. Trong đó, ngoài diện tích “thay đổi mặt bằng đất trồng lúa” và “san lấp mặt bằng đất trồng lúa”. Số còn lại 1391,2 m2, có 548,6 m2 đã được xây dựng nhà tạm, còn lại được “làm bể bơi”, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí của khách du lịch.
Cũng tương tự như hộ ông Lịch, tại thôn Đôn còn có một số trường hợp như hộ bà Cao thị Mai, hộ ông Hà Văn Đắc, đã “thay đổi và san lấp mặt bằng trồng lúa nước” trên nhiều thửa đất trồng lúa, diện tích mỗi hộ gần 1.000 m2, theo dư luận thì cũng không ngoài mục đích làm dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Bên cạnh đó, một số hộ gia đình ở thôn Leo như ông Hà Văn Lực, ông Hà Văn Xuôi, ông Hà Văn Túi, ông Hà Văn Thảo, … còn “biến” hàng nghìn m2 đất rừng sản xuất thành nhà ở.
Vi phạm về đất đai và xây dựng tại Thành Lâm xảy ra nhiều vào thời gian từ năm 2010 đến tháng 8/2021 (kéo dài tới 11 năm). Trong đó có nhiều hộ xây dựng nhà ở với diện tích tới vài trăm m2. Điển hình như: hộ ông Hà Văn Bảo, thôn Đanh, trong năm 2010 đã xây dựng nhà ở (cho mình và người thân trong gia đình) trên 14 thửa gồm đất lúa nước, lúa nương rẫy, đất trồng cỏ, tổng diện tích lên tới 524,3 m2, hộ ông Hà Văn Toản (cùng thôn) vi phạm xây dựng nhà ở vào năm 2011 trên đất sản xuất nông nghiệp, đất chưa sử dụng với diện tích gần 600 m2. Cũng tương tự như 2 trường hợp trên (nhưng diện tích nhỏ hơn), còn có hộ ông Hà Văn thiệp, Hà Văn Vĩnh, Hà Văn Chủ … cùng ở thôn Đanh và đều thuộc dạng vi phạm xây nhà ở trên đất nông nghiệp, đất trồng cây hàng năm với diện tích hàng trăm mét vuông.
Tình trạng vi phạm trên đã gây ra nhiều hệ lụy trong quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai phục vụ sản xuất, phát triển du lịch và kinh tế, xã hội địa phương.