Trái phiếu - “trái đắng” của Chứng khoán Tiên phong

Vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ tư vấn trái phiếu DN, Công ty CP Chứng khoán Tiên phong (TPS- Mã CK: ORS) bị phạt hàng trăm triệu đồng. DN do đại gia Đỗ Anh Tú làm Chủ tịch này cũng nhận "trái đắng" với khoản đầu tư trái phiếu của Tập đoàn R&H.
chung-khoan-tps-bi-xu-phat-250-trieu-dong-1663666490.jpg
Quý 2/2022, Chứng khoán Tiên Phong ghi nhận khoản lỗ sau thuế tồi tệ nhất trong quá trình hoạt động

Tại Chứng khoán Tiên phong, Ngân hàng TPCP Tiên phong (TPBank) đang là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 9,01% vốn điều lệ. Với đà rơi của cổ phiếu ORS từ đầu năm đến nay, giá trị cổ phần của TPBank tại đây đã “bốc hơi” hơn 200 tỷ đồng.

Ngoài ra, mối quan hệ lòng vòng trong tư vấn, đầu tư, phát hành, tất toán và sở hữu giữa một số DN gồm Chứng khoán Tiên phong, Tập đoàn R&H, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sơn Long, Tracodi, Vinahud… đang đặt ra nhiều băn khoăn về chất lượng của việc huy động vốn qua kênh trái phiếu.

 

Vi phạm quy định cung cấp dịch vụ tư vấn trái phiếu  

 

Ngày 16/9/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 691/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS- Mã CK: ORS). Tổng số tiền phạt là 250 triệu đồng.

voi-da-roi-cua-co-phieu-ors-tu-dau-nam-den-nay-gia-tri-co-phan-cua-co-dong-lon-tpbank-da-boc-hoi-hon-200-ty-dong-1664782896.jpg

Với đà rơi của cổ phiếu ORS từ đầu năm đến nay, giá trị cổ phần của cổ đông lớn TPBank đã “bốc hơi” hơn 200 tỷ đồng

Cụ thể, phạt tiền 125 triệu đồng do vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ tư vấn (trong hồ sơ tư vấn phát hành riêng lẻ của công ty CP chưa đại chúng (Công ty CP Hưng Thịnh Investment, Công ty CP Điện Biên) năm 2022 nội dung Hợp đồng tư vấn và đại lý phát hành trái phiếu giữa Công ty và khách hàng không có thỏa thuận về đối tượng được bán trái phiếu.

Như vậy, Công ty chưa tuân thủ đầy đủ trách nhiệm của tổ chức tư vấn, khi cung cấp dịch vụ tư vấn trong việc rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định.

chu-tich-hdqt-ors-do-anh-tu-1664782929.jpg
Chủ tịch HĐQT ORS Đỗ Anh Tú sở hữu 58,5 triệu cổ phiếu TPBank, tương đương hơn 1.600 tỷ đồng, đứng thứ 81 trong bảng xếp hạng người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam

Đồng thời, phạt tiền 125 triệu đồng do vi phạm quy định cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng. Công ty cho các khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng.

 

Lỗ khủng với khoản đầu tư trái phiếu R&H Group

 

Quý 2/2022, Công ty Chứng khoán Tiên Phong ghi nhận khoản lỗ sau thuế tồi tệ nhất lịch sử hoạt động với mức lỗ sau thuế gần 129 tỷ đồng, bất chấp việc doanh thu hoạt động tăng 132% so với cùng kỳ, lên mức 661,7 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính, chi phí hoạt động trong quý 2/2022 của ORS chủ yếu đến từ khoản lỗ bán các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL), ở mức 527,8 tỷ đồng, cao gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Ở hướng ngược lại, lãi từ hoạt động này của ORS chỉ đạt 279,4 tỷ đồng.

Kết thúc quý 2/2022, ORS đã lỗ luỹ kế tới 552,1 tỷ đồng từ việc bán các tài sản tài chính FVTPL, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và chứng chỉ tiền gửi.

Trong đó, các lô trái phiếu mã của Công ty CP Tập đoàn R&H (R&H Group) khiến ORS phải hạch toán lỗ nhiều nhất, lên tới 189,5 tỷ đồng. Ngược lại, phần lãi từ giao dịch bán trái phiếu của R&H Group chỉ đạt 73,4 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2022, tổng giá trị trái phiếu chưa niêm yết của ORS ở mức 90 tỷ đồng, giảm mạnh từ mức 775 tỷ đồng ghi nhận hồi đầu năm. Trong đó, ORS chỉ còn nắm giữ 7,2 tỷ đồng trái phiếu R&H Group - có mã RHGCH2124006 - với giá trị hợp lý 6,9 tỷđồng.

Cũng liên quan đến “trái đắng” trái phiếu Tập đoàn R&H khiến Chứng khoán Tiên phong “bỏng tay” 6 tháng năm 2022, trong một số thương vụ trái phiếu của Tập đoàn này, ORS sắm nhiều vai, gồm tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, cho đến đại lý đăng ký, đại lý thanh toán và quản lý chuyển nhượng, đại diện người sở hữu trái phiếu.

Thời điểm sau khoản lỗ lịch sử, ông Trần Sơn Hải đã có đơn từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc ORS từ ngày 23/7/2022 vì lý do cá nhân. Trước đó, ông này cũng được đánh giá là ghi dấu ấn trong giai đoạn 2 năm Chứng khoán Tiên phong tái cơ cấu. Và bà Bùi Thị Thanh Trà được bổ nhiệm là Tổng giám từ ngày 26/7/2022.

 

Ông chủ Chứng khoán Tiên phong là ai?

 

Công ty CP Chứng khoán Tiên phong tiền thân là Công ty CP Chứng khoán Phương Đông, chính thức gia nhập hệ sinh thái của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) từ tháng 4/2019. Với sự hỗ trợ bởi nền tảng công nghệ và hệ sinh thái từ TPBank, TPS định hướng phát triển lĩnh vực gồm: Ngân hàng đầu tư, dịch vụ môi giới và quản lý tài sản chuyên nghiệp.

Trong cơ cấu cổ đông của TPS, cổ đông lớn nhất là TPBank với tỷ lệ sở hữu cổ phần chiếm 9,01% vốn điều lệ.

Ông Đỗ Anh Tú là Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Tiên phong và là Phó Chủ tịch HĐQT TPBank, đồng thời là Tổng giám đốc của Công ty CP Diana thuộc Tập đoàn Unicharm. Hiện, ông Tú cũng đang sở hữu hơn 58,5 triệu cổ phiếu TPBank. Với số cổ phiếu này, tổng tài sản trên sàn chứng khoán của ông Tú là hơn 1.600 tỷ đồng tính đến sáng 26/9/2022 và đứng vị trí thứ 81 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ông Tú, một lãnh đạo chủ chốt khác của TPS là bà Trương Thị Hoàng Lan - Thành viên độc lập HĐQT cũng là cái tên đóng vai trò lớn tại TPBank.

Với việc cổ phiếu ORS mất hơn 52% giá trị từ đầu năm đến nay, giá trị cổ phiếu sở hữu của cổ đông lớn TPBank tại DN này cũng bốc hơi hơn 244 tỷ đồng.

Cổ đông lớn TPBank cũng là một ngân hàng có “khẩu vị” yêu thích với mua bán, đầu tư trái phiếu DN. Ngoài ra, dù trái phiếu DN là “quả ngọt” mang lại những kết quả kinh doanh tích cực cho TPBank trong năm 2021 nhưng đến tháng 5/2022, ngân hàng này lại chủ động tất toán sớm 2 gói trái phiếu có tổng giá trị 1.800 tỷ đồng, bao gồm 800 tỷ đồng đáo hạn tháng 4/2023 và 1.000 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 5/2024. Trùng hợp là đây cũng là thời điểm mà thị trường trái phiếu DN đang có nhiều căng thẳng với các vi phạm liên quan đến phát hành, tư vấn, đầu tư trái phiếu.

Năm 2022, TPBank cũng nằm trong danh sách các ngân hàng mà Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra về trái phiếu.

Tại báo cáo cập nhật về TPBank, Chứng khoán VNDirect cho biết, thị trường trái phiếu DN gặp khó khăn sẽ tác động tiêu cực đến lợi tức tài sản và NIM của ngân hàng trong 6 tháng cuối năm. Theo đó, việc quản lý dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu đã phần nào gây khó khăn cho các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp lớn như TPBank.

Cuối quý II/2022, tăng trưởng tín dụng của TPBank là 9,1% so với đầu năm, trong đó trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng chậm lại chỉ còn 25% so với đầu năm do việc trả nợ trước hạn. Về biên lãi thuần (NIM), trong 6 tháng đầu năm, NIM tại TPBank đã giảm còn 4,2% so với cùng kỳ 2021. Trong đó lợi tức tài sản cũng giảm còn 7,5% do lãi vay giảm để hỗ trợ các khách hàng sau đại dịch và đặc biệt là ảnh hưởng từ mảng trái phiếu doanh nghiệp trong quý II/2022.