KDH hút tiền từ trái phiếu
Vừa qua, Nhà Khang Điền đã hoàn tất đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị số tiền thu về 800 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu phát hành theo hình thức phát hành riêng lẻ, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Trái phiếu đợt này có kỳ hạn 3 năm, lãi suất trái phiếu cố định 12%/năm trong suốt thời hạn của trái phiếu.
Nhà Khang Điền (KDH) là một doanh nghiệp ngành bất động sản. Ảnh: T.L
Vụ việc “trái phiếu Tân Hoàng Minh”: Ủy ban Chứng khoán thông tin về việc hoàn trả tiền cho nhà đầu tư VFG: Dòng tiền kinh doanh nửa đầu năm âm nặng do chậm thu hồi nợ Dòng tiền mạnh sẽ "thúc" VN-Index tiến về mốc 1.300 điểm trong tháng 8?
Theo kế hoạch sử dụng vốn từ đợt phát hành, công ty dự kiến sẽ dùng số vốn huy động được để tăng quy mô hoạt động thông qua hình thức góp thêm vốn nhằm tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH Tư vấn Quốc tế, trong đó, Nhà Khang Điền góp 99,9% vốn điều lệ tại công ty này. Đồng thời, Công ty TNHH Tư vấn Quốc tế lại dùng tiền này để góp thêm vốn vào Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Bình Trưng để phục vụ hoạt động kinh doanh của Công ty Bình Trưng. Công ty Quốc tế cũng là cổ đông chiếm đa số với tỷ lệ cổ phần lên tới 99,9% vốn điều lệ tại Bình Trưng.
Khuyến nghị của Bộ Tài chính với nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Qua công tác quản lý, giám sát, Bộ Tài chính đánh giá thị trường còn các rủi ro gắn với từng chủ thể tham gia trên thị trường. Cụ thể:
Một số doanh nghiệp đẩy mức lãi suất phát hành trái phiếu lên cao để huy động vốn dù tình hình tài chính còn yếu.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp để mua TPDN riêng lẻ hoặc góp vốn thông qua hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo pháp luật dân sự;
Một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa tuân thủ quy định pháp luật, hợp thức hóa hồ sơ chào bán hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư đối với TPDN riêng lẻ.
Công ty ủy quyền cho tổng giám đốc quyết định các nội dung chi tiết của mục đích sử dụng vốn phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Theo thẩm quyền được giao của Hội đồng quản trị, tổng giám đốc hoặc người được tổng giám đốc ủy quyền hợp lệ có quyền quyết định mức phân bổ số tiền thu được từ việc chào bán trái phiếu cho mục đích và phương án nêu trên trên cơ sở linh hoạt, phù hợp với quy định của pháp luật và quy chế nội bộ của công ty.
Về nguồn trả nợ, Nhà Khang Điền cho biết, đó là nguồn tiền ghi nhận trên báo cáo tài chính tại thời điểm thanh toán gốc, lãi và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có) của công ty để đảm bảo thực hiện việc thanh toán đầy đủ, đúng hạn tiền lãi và tiền gốc trái phiếu khi đến hạn.
Dòng tiền âm và “viễn cảnh” tương lai
Thông điệp của Nhà Khang Điền về nguồn tiền trả nợ như nêu ở trên cho thấy khả năng trả nợ sẽ phục thuộc khá nhiều về dòng tiền của doanh nghiệp này thể hiện trên bảng cân đối kế toán tại thời điểm trả nợ.
Theo đó, khả năng trả nợ và dòng tiền của công ty trong thời gian tới khi trái phiếu đến hạn ra sao cũng là một “viễn cảnh” không dễ phán đoán. Tuy nhiên, bức tranh dòng tiền hiện tại của doanh nghiệp này cũng cho thấy doanh nghiệp đang trong giai đoạn không nhàn nhã cho lắm trong việc giải bài toán cân đối dòng tiền.
Phối cảnh Dự án The Classia (TP.HCM) do Nhà Khang Điền làm chủ đầu tư. Ảnh: T.L
Nhìn vào diễn biến tài chính hiện tại, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty trong nửa đầu năm đang ở con số âm tới 1.477 tỷ đồng. Theo đó, Nhà Khang Điền tuy là một đại gia có quy mô vốn lớn, nhưng chỉ riêng giá trị dòng tiền kinh doanh âm trong nửa đầu năm 2022 cũng đã lớn gấp gần 2,4 lần so với giá trị lợi nhuận sau thuế mà doanh nghiệp có được trong nửa đầu năm 2022.
Tiền “đọng” trong các dự án xây dựng dở dang
Hàng tồn kho của Nhà Khang Điền trong giai đoạn này chủ yếu là bất động sản xây dựng dở dang của một số dự án như Dự án Khang Phúc – Khu dân cư Tân Tạo, Dự án Đoàn Nguyên – Bình Trưng Đông, Dự án Khu dân cư Bình Hưng 11A, Dự án Bình Trưng – Bình Trưng Đông, Dự án Khang Phúc – An Dương Vương, Dự án Thủy Sinh – Phú Hữu, Dự án Khang Phúc – Lovera Vista… và một số dự án khác.
Trong đó, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của các dự án Dự án Khang Phúc – Khu dân cư Tân Tạo, Dự án Đoàn Nguyên – Bình Trưng Đông, Dự án Khu dân cư Bình Hưng 11A và Thủy Sinh – Phú Hữu đã được công ty thế chấp cho các khoản vay ngân hàng.
Dòng tiền kinh doanh âm của Nhà Khang Điền trong nửa đầu năm 2022 chủ yếu do doanh nghiệp phải đọng khá nhiều vốn trong hàng tồn kho và các khoản phải thu. Tại bảng cân đối kế toán bán niên 2022 của Nhà Khang Điền, giá trị hàng tồn kho của công ty đã tăng từ 7.733 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm 2022 lên mức 12.114 tỷ đồng vào giữa năm 2022 (tăng 57%). Giá trị các khoản phải thu ngắn hạn trong giai đoạn này cũng tăng từ 4.206 tỷ đồng lên 4.811 tỷ đồng (tăng 14,4%).
Với bối cảnh hiện tại, Nhà Khang Điền có thể không chỉ là doanh nghiệp bất động sản duy nhất gặp khó khăn về dòng tiền khi các ngân hàng cũng khá gò bó với tình trạng “room” tín dụng vẫn bị hạn chế. Đặc biệt, thị trường bất động sản chững lại trong mấy tháng gần đây cũng khiến cho các doanh nghiệp bất động sản đều phải đối mặt với khó khăn trong khâu đẩy mạnh doanh thu để tạo dòng tiền mới từ hoạt động bán hàng.
Trong khi đó, diễn biến bán hàng của Nhà Khang Điền trong nửa đầu năm 2022 cũng cho thấy sự sụt giảm khá mạnh, với doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 875 tỷ đồng, giảm mạnh tới 55% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lợi nhuận của công ty tuy có tăng, nhưng lợi nhuận chủ yếu đến từ “thu nhập khác”. Đây là một khoản lãi ghi nhận từ hoạt động mua bán công ty được công ty đánh giá là “giao dịch mua rẻ” đối với khoản đầu tư vào các Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Phước Nguyên và Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh nhà Đoàn Nguyên./.