Huy động vốn trái phiếu quốc tế nhìn từ Vingroup

Trong khi thị trường trái phiếu trong nước bị siết chặt thì nhiều doanh nghiệp đã thành công từ huy động quốc tế....

vin-1658824502.jpeg VinFast công bố nhận khoản ưu đãi 1,2 tỷ USD từ bang Bắc Carolina cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất xe điện

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận cho Tập đoàn Vingroup (VIC) niêm yết 3 lô trái phiếu gồm VIC121003, VIC121004 và VIC121005 với tổng giá trị 3.515 tỷ đồng. Các lô trái phiếu do VIC phát hành đều có kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất 12 tháng đầu tiên là 9,7%/năm. Lãi suất mỗi 3 tháng tiếp theo là lãi suất tham chiếu (trung bình lãi suất tiền gửi áp dụng với các khoản tiết kiệm cá nhân trong 1 năm của Vietcombank, BIDV, VietinBank và Techcombank) cộng với 3,7%/năm. Tiền lãi sẽ được trả định kỳ vào ngày tròn 3 tháng kể từ ngày VIC phát hành các lô trái phiếu. Đây cũng là khoản trái phiếu mà Tập đoàn huy động trong nước cho các dự án mới của VinFast...

Ngoài việc phát hành trái phiếu trong nước, điều đáng nói là đầu tháng 5/20222, VIC đã phát hành thành công 525 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế trên cơ sở quy định của đạo Luật Chứng khoán 1933 của Mỹ, kỳ hạn 5 năm. Trái phiếu sẽ không được chào bán và giao dịch tại Việt Nam.

Tại ĐHĐCĐ, VIC đã dự kiến sẽ phát hành tối đa 1,5 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế trong năm 2022. Đây là loại trái phiếu có quyền chọn nhận cổ phiếu Công ty Cổ phần sản xuất và Kinh doanh VinFast, kỳ hạn 5 năm. Được biết số tiền thu được dùng để bổ sung vốn cho VIC thanh toán các khoản phí, chi phí cho việc phát hành trái phiếu, góp vốn trực tiếp vào VinFast để thực hiện dự án tổ hợp sản xuất ôtô.

Từ những thực tế huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, cho thấy thị trường trái phiếu là kênh dẫn vốn rất quan trọng của doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong bối cảnh huy động vốn từ thị trường trái phiếu trong nước gặp khó khăn, nguồn vốn tín dụng từ NHNN bị hạn chế, việc nhiều tập đoàn lớn trong nước như Techcombank, Vingroup, Masan, Novaland... đẩy mạnh tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường quốc tế với số vốn huy động được lên đến hàng tỷ USD đã mở ra một xu thế lớn cho loạt doanh nghiệp trong nước. Và việc huy động thành công từ nguồn vốn này đã tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh…

Để sớm hiện thực hóa mục tiêu mở rộng quy mô nhà máy tại Mỹ, VinFast vừa qua đã ký kết Thỏa thuận khung, chỉ định ngân hàng Credit Suisse (Singapore) Ltd. là bên thu xếp cho các đợt phát hành, chào bán chứng khoán của VinFast hoặc công ty con trên toàn cầu với quy mô tối thiểu 2 tỷ USD, và chỉ định Citigroup Global Markets Inc (Mỹ) là bên tư vấn cho quá trình huy động bổ sung tối thiểu 2 tỷ USD nữa để xây dựng nhà máy của VinFast tại Mỹ.

Như vậy, không chỉ có VinFast, các công ty con hoạt động trong nước còn lại của VIC cũng tiến hành huy động vốn quốc tế rất lớn. Năm 2022, theo kế hoạch VIC dự kiến tiến hành huy động 1,5 tỷ USD từ phát hành trái phiếu quốc tế, đến hiện tại đã hoàn tất huy động 625 triệu USD qua 2 đợt phát hành.

vin-2-1658824594.png

Ngoài VinFast, Vinpearl - công ty con thuộc hệ sinh thái VIC cũng huy động 425 triệu USD trái phiếu quốc tế vào năm ngoái. Credit Suisse, The Hongkong and Shanghai Banking (HSBC) và BNP Paribas là các ngân hàng đồng bảo lãnh phát hành cho thương vụ trên. Như vậy, riêng nhóm doanh nghiệp thuộc VIC đã và sẽ huy động gần 6 tỷ USD trong năm 2022.

Năm 2022 VIC lên kế hoạch doanh thu 140.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế 6.000 tỷ đồng. VIC dự kiến đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh nhằm củng cố 3 trụ cột chính là: công nghệ - công nghiệp, thương mại dịch vụ và thiện nguyện xã hội. Đóng cửa phiên giao dịch ngày  22/7 cổ phiếu VIC đạt 67.300 đồng với khối lượng gần với gần 1 triệu cổ phiếu được giao dịch…

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, việc các doanh nghiệp  lớn chuyển hướng huy động vốn trái phiếu sang thị trường quốc tế có thể coi là một bước đi phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, S&P Global Ratings vừa nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước huy động vốn nước ngoài với mức lãi suất ưu đãi hơn.

Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh,  không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng để tiếp cận dòng vốn ngoại qua kênh trái phiếu. Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trái phiếu ở Việt Nam đều là các nhà đầu tư tổ chức đặt yêu cầu rất cao về năng lực quản trị doanh nghiệp, báo cáo tài chính, minh bạch thông tin, khả năng luân chuyển vốn… 

Đây cũng là lý do mà hầu hết những thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công trên thị trường vốn quốc tế đều do các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam thực hiện. Với những doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, khả năng tiếp cận nguồn lực quốc tế vẫn còn hạn chế,  thì kế hoạch này đã không thể thực hiện bởi các yếu tố như đã phân tích ở trên.