Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng chỉ ghi nợ do doanh nghiệp phát hành với mục đích huy động vốn từ nhà đầu tư. Khi mua trái phiếu, nhà đầu tư thành chủ nợ của doanh nghiệp. Đến kỳ hạn thỏa thuận, doanh nghiệp có nghĩa vụ thanh toán (gốc và lãi) cho nhà đầu tư.
Bộ Tài chính vừa qua đã đưa ra 4 giải pháp tháo gỡ trạng thái đóng băng thị trường trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhằm giúp doanh nghiệp phát hành có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu xếp nguồn vốn, bước qua giai đoạn khó khăn.
Trái phiếu là kênh huy động vốn quan trọng, giúp doanh nghiệp đa dạng hình thức huy động vốn, giảm phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng thương mại. Đồng thời, kênh này cũng giúp nhà đầu tư tối ưu dòng vốn nhàn rỗi.
Tuy nhiên, để đầu tư trái phiếu có hiệu quả và đảm bảo quản trị rủi ro, nhà đầu tư nên lưu ý một số vấn đề sau trước khi quyết định giải ngân.
Xem xét thương hiệu doanh nghiệp, tính chuyên nghiệp của tổ chức phát hành
Theo quy định, doanh nghiệp không được phép trực tiếp phát hành trái phiếu đến nhà đầu tư. Trái phiếu đều phải có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ phát hành và doanh nghiệp phải lựa chọn một trong 3 phương thức phát hành, đấu thầu hoặc bảo lãnh phát hành hoặc đại lý phát hành thông qua một tổ chức có giấy phép thực hiện nghiệp vụ này.
Nhà đầu tư nên chọn mua trái phiếu của những thương hiệu doanh nghiệp hàng đầu, thông qua các tổ chức tài chính đầu ngành, có lịch sử phát triển bền vững. Đặc biệt, nhà đầu tư chọn doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến lỗ hay lãi trong năm mà phải lưu ý đến dòng tiền để thanh toán. Dòng tiền là yếu tố quyết định cho việc liệu doanh nghiệp có đủ khả năng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu hay không.
Nắm rõ mục đích phát hành trái phiếu của doanh nghiệp
Đây là yếu tố quan trọng khi mua trái phiếu. Nhà đầu tư phải hiểu trái phiếu này sẽ được sử dụng để làm gì, ví dụ mở rộng hoạt động sản xuất, đầu tư phát triển hay tái cơ cấu nợ...
Thông thường, khi đọc bản công bố thông tin phát hành trái phiếu thì nhà đầu tư có thể nắm được thông tin sơ bộ. Tuy nhiên, thực chất dòng tiền có sử dụng đúng mục đích hay không thì nhà đầu tư cá nhân tương đối khó tiếp cận những thông tin này. Nhà đầu tư nên tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn trong quá trình theo dõi, đánh giá hoạt động doanh nghiệp sau giải ngân.
Cân đối giữa lợi nhuận và rủi ro
Nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ những trái phiếu không được tổ chức phát hành công bố đầy đủ thông tin mặc dù có thể có mức lợi tức cao, vì mức độ rủi ro cũng tương đối cao. Có những trái phiếu doanh nghiệp lãi suất 12-17%/năm, thông thường đối với những trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc tình hình tài chính của tổ chức phát hành đang gặp một số vấn đề. Ngược lại có nhiều trái phiếu độ rủi ro thấp nhưng trái tức chỉ trả ngang hoặc cao hơn lãi suất ngân hàng không đáng kể.
Nhà đầu tư cần lưu ý chất lượng trái phiếu qua những thông tin trên, sau đó tùy khẩu vị mà lựa chọn trái phiếu có rủi ro ở mức chấp nhận được.
Lưu ý kỳ hạn trái phiếu
Ngoài trái phiếu, còn nhiều kênh đầu tư khác như chứng khoán, gửi tiết kiệm, vàng, bất động sản… Nhà đầu tư cần phân bổ tài sản cũng như kỳ hạn rót vốn để tối ưu hiệu suất đầu tư.
Riêng với kênh trái phiếu, nếu kỳ hạn trái phiếu dài, thì cần lưu ý xem trái tức các năm sau thả nổi hay cố định, vì có thể mặt bằng lãi suất thị trường thay đổi làm ảnh hưởng tới tính hấp dẫn của việc nắm giữ trái phiếu (tốt lên hoặc kém đi). Bên cạnh đó, đối với trái phiếu kỳ hạn dài thì việc phân tích chất lượng trái phiếu cần kỹ càng hơn, vì có nhiều biến số vĩ mô khó đoán định trong dài hạn, đồng thời mức trái tức thường cần cao hơn so với các trái phiếu kỳ hạn ngắn.
Phân biệt khái niệm "bảo lãnh phát hành" và "bảo lãnh thanh toán"
Nhiều nhà đầu tư chưa phân biệt rõ bản chất 2 khái niệm này. Thực chất, bảo lãnh phát hành là việc đơn vị tư vấn phát hành, như công ty chứng khoán, đảm bảo sẽ mua lại trái phiếu (một phần hoặc toàn bộ) nếu không bán được hết trái phiếu cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, bảo lãnh thanh toán là việc bên thứ 2, thường là ngân hàng hoặc công ty mẹ của doanh nghiệp đảm bảo thanh toán cho nhà đầu tư khi tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán. Do được các tổ chức lớn bảo lãnh thanh toán nên mức độ rủi ro của trái phiếu giảm xuống và trái tức có xu hướng thấp hơn các lô trái phiếu không được bảo lãnh.