iPhone 14 không đỡ nổi đà lao dốc của cổ phiếu PET

Trái với kỳ vọng việc ra mắt sản phẩm mới của Apple sẽ giúp Petrosetco có thêm động lực tăng trưởng, giá cổ phiếu PET lại giảm mạnh từ đầu tháng 4/2022 tới nay và tiếp tục xu hướng giảm.
linh-vuc-mua-ban-thiet-bi-vien-thong-may-tinh-thiet-bi-la-dong-luc-tang-truong-chinh-cua-petrosetco-nhung-nam-gan-day-1665109238.jpg
Lĩnh vực mua bán thiết bị viễn thông, máy tính, thiết bị là động lực tăng trưởng chính của Petrosetco những năm gần đây

Tính mùa vụ nhạt dần theo thời gian

 

Tháng 6/2020, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco, mã PET) trở thành nhà phân phối ủy quyền sản phẩm Apple tại Việt Nam với dòng sản phẩm đầu tiên là iPhone SE 2020. Kể từ đây, nhà đầu tư trong nước có thêm một cổ phiếu hưởng lợi gián tiếp từ các đợt mở bán sản phẩm Apple, bên cạnh các doanh nghiệp bán lẻ như FPT Retail, Thế giới Di động.

Trong năm đầu tiên phân phối sản phẩm Apple (chủ yếu 6 tháng cuối năm 2020), lợi nhuận gộp lĩnh vực bán thiết bị viễn thông, máy tính, thiết bị của Petrosetco ghi nhận đạt 474,81 tỷ đồng, chiếm 56% tổng lợi nhuận gộp trong năm (đạt 668,9 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2019) và tăng 14,9% so với cùng kỳ.

Bước sang năm thứ hai phân phối sản phẩm Apple (năm 2021), Petrosetco báo cáo lợi nhuận gộp tăng 40,4%, lên 939,2 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực mua bán thiết bị viễn thông, máy tính, thiết bị ghi nhận mức tăng 62,3%, lên 608,45 tỷ đồng và chiếm 64,8% tổng lợi nhuận gộp của cả Công ty.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận gộp của Petrosetco tăng 27,3%, lên 491,69 tỷ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực mua bán thiết bị viễn thông, máy tính, thiết bị ghi nhận mức tăng 17% so với cùng kỳ, lên 358,77 tỷ đồng và chiếm 73% tổng lợi nhuận gộp của Công ty. Tuy vậy, sau 2 năm 2020 và 2021, lĩnh vực chủ chốt này có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Trong khi đó, hai lĩnh vực là cung cấp vật tư, thiết bị chuyên ngành dầu khí và kinh doanh bán buôn các sản phẩm hạt nhựa, xơ sợi, khí gas đều có mức tăng trưởng âm từ năm 2020 tới nay. Như vậy, lĩnh vực mua bán thiết bị viễn thông, máy tính, thiết bị ngày một chiếm trọng số, là động lực tăng trưởng chính của Petrosetco những năm gần đây và dự kiến không có gì thay đổi trong thời gian sắp tới.

Quan sát diễn biến thị trường từ đầu năm 2020 tới nay, cổ phiếu PET liên tục tạo sóng và bật tăng mạnh giai đoạn cuối năm, từ tháng 9 đến tháng 12 - trùng thời điểm Apple tung ra sản phẩm mới và các nhà đầu tư truyền tai nhau về cổ phiếu hưởng lợi gián tiếp nhờ đợt mở bán sản phẩm mới của Apple.

Cụ thể, năm 2020, từ ngày 25/8 đến 15/12, cổ phiếu PET tăng 106%, từ 7.720 đồng lên 15.940 đồng/cổ phiếu. Năm 2021, từ ngày 19/7 đến 22/12, cổ phiếu này tăng 88,1%, từ 18.900 đồng lên 35.550 đồng/cổ phiếu. Đây chính là thời điểm Apple tung ra dòng sản phẩm mới, được sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng thế giới và trong nước.

Tuy nhiên, trong lần ra sản phẩm mới của Apple trong năm 2022, câu chuyện có dấu hiệu đi ngược lại. Cụ thể, ngày 7/9, Apple giới thiệu sản phẩm iPhone 14 ra thị trường và dự kiến hàng chính hãng về Việt Nam trong tháng 10/2022. Mặc dù vậy, từ ngày 6/9 đến 29/9, giá cổ phiếu PET đã giảm 27,7%, từ 43.450 đồng về 31.400 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, cùng thời gian, chỉ số VN-Index chỉ điều chỉnh 11,8%. Như vậy, cổ phiếu PET đã bị bán mạnh hơn so với thị trường và đang có xu hướng phá đáy vùng 30.000-31.000 đồng/cổ phiếu (đỉnh ngày 1/4/2022 là 67.300 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu đã giảm 53,3% từ đỉnh).

Thực tế, sau năm 2021 bùng nổ nhu cầu đồ điện tử, công nghệ để phục vụ việc học tập, làm việc từ xa khi giãn cách xã hội, giới đầu tư đã dự báo, năm 2022, nhu cầu đồ điện tử, công nghệ sẽ suy giảm so với đỉnh năm 2021. Tại Petrosetco, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2022 của lĩnh vực mua bán thiết bị viễn thông, máy tính và thiết bị chỉ là 17% so với năm 2021 là 62,3%.

co-cau-loi-nhuan-gop-theo-linh-vuc-cua-petrosetco-1665109302.jpg
 

Danh mục đầu tư cổ phiếu và huy động vốn trả nợ ngân hàng là gánh nặng

 

Không chỉ hoạt động cốt lõi đang có dấu hiệu bão hòa, Petrosetco còn mang tiền đi đầu tư trái ngành nhưng không hiệu quả. Cụ thể, tính tới ngày 30/6/2022, Petrosetco đã tăng 187,73 tỷ đồng so với đầu năm để nâng tổng danh mục đầu tư lên 419,33 tỷ đồng, chiếm 5,04% tổng tài sản. Trong đó, đầu năm dự phòng chỉ 3,4 tỷ đồng, nhưng tới cuối quý II, tổng dự phòng giảm giá chứng khoán đã lên tới 183,99 tỷ đồng, bằng 59,2% lợi nhuận sau thuế năm 2021 tạo ra.

Chính việc tăng dự phòng đầu tư chứng khoán dẫn tới lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 giảm 16,5%, về 103,47 tỷ đồng. Petrosetco thuyết minh rằng, chủ yếu đang đầu tư 95,03 tỷ đồng cổ phiếu VIX, 57,92 tỷ đồng cổ phiếu VGS, 50,93 tỷ đồng cổ phiếu GEX, 41,94 tỷ đồng cổ phiếu SAM và 173,5 tỷ đồng các cổ phiếu khác.

Thống kê từ ngày 17/8 đến 29/9, sau nhịp hồi phục, giá 4 cổ phiếu mà Petrosetco đầu tư lớn đã giảm trung bình 21,2%. Trong đó, giá cổ phiếu VIX giảm 29,6%, giá cổ phiếu GEX giảm 25,4%, giá cổ phiếu SAM giảm 25%… Thêm nữa, cổ phiếu GEX và SAM đã phá đáy hồi phục cuối tháng 6/2022, dự kiến tiếp tục xu hướng giảm giá và ảnh hưởng tiêu cực tới danh mục đầu tư cổ phiếu của Petrosetco.

Không những hoạt động đầu tư ngoài ngành gặp khó khăn, Petrosetco vừa thông qua chào bán 44,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu để huy động 673,78 tỷ đồng. Trong đó, toàn bộ số tiền huy động để đáo nợ vay tại BIDV, MBBank và Vietcombank sắp đáo hạn từ quý IV/2022 đến quý II/2023.

Có thể thấy, hoạt động kinh doanh chính của Petrosetco có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, trong khi đầu tư chứng khoán thua lỗ, nắm giữ các cổ phiếu đang lao dốc, lại huy động vốn để đáo nợ vay ngân hàng đang và tiếp tục là thách thức lớn đối với nhà đầu tư khi nắm giữ cổ phiếu PET.