Kết quả khả quan sau 15 ngày tăng cường giãn cách tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 6/9, kết thúc 15 ngày tăng cường thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về giãn cách xã hội, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TP Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả ban đầu, đang có những sự thay đổi tích cực theo hướng kiểm soát được dịch bệnh.

Cán bộ, chiến sỹ quân đội tăng cường tham gia kiểm tra, kiểm soát lưu lượng giao thông, đảm bảo quy định về giãn cách xã hội. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Giãn cách nghiêm

Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TP Hồ Chí Minh đã tăng cường nhiều biện pháp mạnh, trong đó có siết chặt việc đi lại khi quy định chỉ còn 17 nhóm đối tượng được ra đường, có giấy đi đường do Công an thành phố cấp, hoạt động trong khung giờ nhất định. Các nhóm đối tượng này được phép ra đường trong thời gian từ ngày 25/8 đến ngày 6/9, phải mang theo giấy đi đường có đóng dấu sống, có số thứ tự, ký hiệu nhận diện đơn vị công tác, xuất trình kèm chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hay thẻ công chức, viên chức, thẻ ngành tại các chốt trạm.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN trong 15 ngày giãn cách xã hội (từ ngày 23/8 - 6/9), người dân cơ bản chấp hành nghiêm, tuân thủ quy định về giãn cách, lưu thông đi lại. Các tuyến đường nội đô như Nam Kỹ Khởi Nghĩa, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, trục đường lớn cửa ngõ như Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 22... thưa vắng phương tiện và người, chủ yếu lưu thông trên đường là lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch, xe tải chở hàng thiết yếu theo quy định. Theo Công an TP Hồ Chí Minh, người dân cơ bản đã thực hiện nghiêm nguyên tắc “ai ở đây ở yên đấy”. Lượng phương tiện lưu thông giảm từ 85-90% so với thời điểm chưa siết chặt giãn cách.

Để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội sau ngày 6/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Phòng Tham mưu (Công an TP Hồ Chí Minh) cho biết: Ủy ban nhân dân thành phố quyết định kéo dài thời gian giãn cách đến ngày nào thì Công an thành phố sẽ gia hạn kéo dài thời gian hiệu lực của giấy đi đường đã cấp. Công an thành phố không đổi giấy đi đường mới để tránh phiền phức cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Hiện nay Công an thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận huyện, thành phố Thủ Đức để cập nhật dữ liệu về những người đã tiêm vaccine, bệnh nhân F0, các trường hợp được cấp giấy đi đường, dữ liệu về an sinh xã hội... Trên cơ sở đó, khi thành phố đặt ra điều kiện an toàn với đối tượng nào, diện nào được lưu thông thì Công an thành phố sẽ quản lý được, thậm chí có thể không cần giấy đi đường vẫn có thể xác định được dựa vào quét mã QR code.

Trong điều kiên giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nhu cầu thiết yếu của người dân về lương thực, thực phẩm tăng cao và luôn được thành phố đặt lên hàng đầu, đáp ứng cơ bản. Số hộ đăng ký đi chợ hộ và nhận hàng tăng lên, từ 73,9% trong ngày 30/8 tăng lên 116,9% trong ngày 4/9. Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, trong 15 ngày giãn cách xã hội, việc cung ứng hàng hóa đã diễn ra ổn định, nền nếp và tốt hơn những ngày trước, các phương án cung ứng hàng cũng phong phú thêm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dân. Ngành công thương thành phố đang làm việc với các cơ quan liên quan, tính toán mở lại chợ truyền thống, trước mắt mở điểm trung chuyển hàng hóa trong đó có chợ đầu mối Bình Điền giúp các tiểu thương tập kết, lưu thông hàng hóa, gia tăng nguồn cung ứng cho người dân.

Từ ngày 15/8 đến ngày 5/9 đã có 1.649.068 túi an sinh chuyển đến quận, huyện, thành phố Thủ Đức để chăm lo, hỗ trợ người dân. Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và các quyết định khác của Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 5/9, thành phố đã chi hỗ trợ hơn 3.554 tỷ đồng. Từ ngày 23/8 đến ngày 4/9, thành phố đã tiếp nhận 873 đối tượng cơ nhỡ, lang thang xin ăn sinh sống nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội, tiếp nhận 141 đối tượng cai nghiện ma túy vào Cơ sở xã hội Thanh Thiếu niên, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy Bình Triệu để chăm sóc, điều trị.

Quyết tâm “vẽ lại” bản đồ dịch COVID-19

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tính đến sáng 6/9, TP Hồ Chí Minh có 251.934 ca mắc COVID-19. thành phố vẫn là địa phương có số ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố chiếm nhiều nhất cả nước. Mặc dù diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp nhưng công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố đang đi đúng hướng, đạt được nhiều kết quả ban đầu. Đáng chú ý, theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, số bệnh nhân COVID-19 tử vong trên địa bàn thành phố đã giảm rõ rệt, từ 340 ca trong ngày 22/8 (trước ngày thực hiện tăng cường Chỉ thị 16/CT-TTg) xuống 222 ca trong ngày 4/9. Trong khi đó số bệnh nhân xuất viện tăng lên, từ 2.246 ca ngày 28/8 lên 2.706 ca ngày 4/9. Tổng cộng số bệnh nhân xuất viện cộng dồn đã tăng từ 104.844 bệnh nhân trong ngày 28/8 lên 125.481 người trong ngày 4/9. Bên cạnh đó, tính đến ngày 3/9, thành phố đã tiêm được hơn 6,32 triệu mũi vaccine phòng COVID-19 cho người dân (đạt hơn 75%). Dự kiến đến cuối năm 2021, thành phố phấn đấu hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 7,208 triệu người từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), trong 15 ngày qua, tận dụng thời gian giãn cách xã hội thành phố đã xét nghiệm diện rộng để phục vụ công tác đánh giá tình hình kiểm soát dịch và là tiền đề cho việc ban hành các quyết sách. Tính tới ngày 4/9, tất cả quận huyện, thành phố Thủ Đức đã thực hiện xong xét nghiệm đợt 1, đến hết ngày 6/9 dự kiến tất cả quận, huyện sẽ thực hiện xong đợt 2. Về cơ bản, tính chung cả thành phố mới xong xét nghiệm đợt 1. Kết quả cho thấy tỷ lệ dương tính ở các vùng có giảm, tuy chưa đúng kỳ vọng, trong đó tỷ lệ dương tính vùng xanh và cận xanh là 0,8%; vùng vàng là 1,5%; vùng cam - đỏ đợt 1 là 3,6%, đợt 2 là 2,7%. Cùng với đó, việc điều trị F0 có chuyển biến tích cực, đặc biệt giảm tỷ lệ tử vong.

Đánh giá kết quả chống dịch của thành phố trong 15 ngày qua, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trường Sơn cho rằng công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố đã đạt được một số kết quả bước đầu và đang có những sự thay đổi tích cực theo hướng kiểm soát được bệnh dịch.

Đáng chú ý, kết thúc 15 ngày tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Quận 7 và huyện Củ Chi là 2 địa phương công bố kiểm soát được dịch COVID-19. Đây là nguồn cổ vũ lớn lao cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay của thành phố. Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, những kết quả của huyện Củ Chi và Quận 7 sẽ là cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu, thay đổi chiến lược phòng, chống dịch của thành phố trong thời gian tới. Đây cũng là hai mũi đột phá để thí điểm việc chuẩn bị kịch bản “bình thường mới” cho TP Hồ Chí Minh sau ngày 15/9 (là ngày Chính phủ đặt ra mục tiêu kiểm soát dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh). Từ kết quả của huyện Củ Chi và Quận 7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra đánh giá kết quả từng địa phương theo tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19 của Bộ Y tế đưa ra.

Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, trong quá trình chống dịch, nguyên tắc đầu tiên là phải bám vào chuyên môn, tôn trọng khoa học, dịch tễ học, phải tôn trọng khách quan, bám sát thực tiễn, cầu thị lắng nghe. Trong đó, có sự phối hợp giữa nhà khoa học, chuyên môn và địa phương nhằm tạo nên sức mạnh đồng bộ, phối hợp chặt chẽ để có được kết quả tốt.

Dưới góc độ ở cấp quận, Chủ tịch UBND Quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh chia sẻ: Với sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, hưởng ứng của nhân dân trên địa bàn, nhất là sự đóng góp của các nhà hảo tâm, sự hỗ trợ của đội ngũ trí thức, các lực lượng tình nguyện, đến nay Quận 7 cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch COVID-19 theo chỉ đạo của thành phố. Tất cả 10 phường trên địa bàn Quận 7 là 10 “pháo đài” phòng, chống dịch.

Quận 7 cũng đã thực hiện triệt để giãn cách xã hội, lập 159 chốt và kiểm soát chặt chẽ việc đi lại; hoàn tất công tác xét nghiệm theo tiến độ mà thành phố đặt ra, hướng dẫn cán bộ công chức và nhân dân tham gia tự xét nghiệm toàn dân, đạt tỷ lệ cao, đảm bảo bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Với 44 trạm y tế tại 10 phường, trong đó có 34 trạm y tế lưu động, đến nay lực lượng y tế trên địa bàn Quận 7 đã thăm khám trực tiếp, tư vấn online cũng như chuyển kịp thời nhiều trường hợp có dấu hiệu trở nặng đến khu cách ly, bệnh viện để điều trị. Trong công tác an sinh xã hội, Quận 7 đã thực hiện nhiều giải pháp, nguồn lực, đảm bảo tất cả người dân khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đều được quan tâm chăm lo, hỗ trợ, không để ai bị bỏ rơi phía sau.

Theo ông Phạm Đức Hải, Phó ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh: Trong thời gian tới thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác xét nghiệm COVID-19, xem đây là chìa khóa để xác định vùng lây nhiễm, bóc tách các đối tượng bị nhiễm để điều trị kịp thời, là mắt xích quan trọng trong chiến lược phòng, chống COVID-19 trên địa bàn, đặc biệt là với sự lây lan nhanh và mạnh của biến chủng Delta. Tuy nhiên, do dân số TP Hồ Chí Minh đông, nguồn nhân lực hạn chế nên khả năng lặp lại xét nghiệm để loại bỏ triệt để nguồn lây nhiễm còn khó khăn. Tại một số nơi, việc xét nghiệm chưa đảm bảo an toàn sinh học, có thể gây ra nguy cơ lây nhiễm cho cả người lấy mẫu và người được lấy mẫu. Vì vậy, thành phố khuyến khích người dân tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho bản thân và gia đình để bảo đảm an toàn.

Chuẩn bị “kịch bản” phục hồi kinh tế

Khẳng định nhiều kết quả chống dịch ban đầu mà thành phố đã đạt được, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh đến việc xác lập lại trạng thái bình thường mới, mở cửa trở lại cho hoạt động kinh tế trên tinh thần từng bước chắc chắn, không chủ quan khi dịch bệnh còn phức tạp, mở tới đâu chắc tới đó.

Cán bộ, chiên sỹ Sư đoàn 309 vận chuyển quà tặng nhu yếu phẩm sinh hoạt đến cho người dân tại phường 6, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định, thành phố không thể tiếp tục mãi sự giãn cách triệt để, cũng như không thể quét sạch F0, thay vào đó là sẽ "mở cửa" dần, sống trong điều kiện bình thường mới, trong điều kiện có dịch. Muốn vậy thì cần phải có vaccine, thuốc chữa, tâm thế, kiến thức, có điều kiện cần và đủ để trang bị cho từng người dân là chiến sĩ để tự phòng chống dịch. Thành phố đang tìm phương án khôi phục kinh tế trong giai đoạn bình thường mới và giao cho Quận 7 làm điểm. Chỉ khi củng cố hệ thống y tế vững mạnh thì mới yên tâm sản xuất, kinh doanh, muốn vậy phải thực hiện "mục tiêu kép", sản xuất phải an toàn, đảm bảo mức độ có thể.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế thành phố trong đó thành lập 4 tổ công tác gồm Tổ phòng, chống dịch COVID-19, Tổ công tác an sinh xã hội, Tổ công tác phục hồi kinh tế và Tổ công tác thúc đẩy các dự án đầu tư. Đáng chú ý, Tổ Công tác phục hồi kinh tế có nhiệm vụ chuẩn bị nội dung, các giải pháp cho công tác phục hồi kinh tế tại thành phố trong giai đoạn từ ngày 15/9 – 31/12/2021 và giai đoạn năm 2022, những năm tiếp theo. Tổ Công tác thúc đẩy các dự án đầu tư có nhiệm vụ lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án đầu tư công, nhất là dự án trọng điểm, có vốn đầu tư lớn; phối hợp liên ngành giải quyết những công việc quan trọng có liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

Hơn 3 tháng qua TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội trên nhiều cấp độ khác nhau, trong đó 3 lần thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Lần thực hiện giãn cách từ ngày 23/8 đến ngày 6/9 được đánh giá là quyết liệt nhất với nhiều giải pháp mạnh, đồng bộ, huy động mọi nguồn lực cùng tham gia chống dịch. Mặc dù dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường, hết sức phức tạp nhưng kết quả ban đầu mà thành phố đã đạt được, nhất là sau 15 ngày giãn cách xã hội gần đây là điều không thể phủ nhận. Và vì vậy, người dân tin tưởng thành phố sẽ khống chế, kiểm soát được dịch COVID-19 trước ngày 15/9 như yêu cầu đặt ra của Chính phủ.