Mới đây, xuất hiện một khách sạn có vị trí độc đáo nhận được nhiều sự chú ý và gây nên nhiều tranh cãi của cộng đồng.
Đó là một phòng nghỉ ở xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Phòng nghỉ được quảng cáo trên một nền tảng đặt phòng trực tuyến là nằm trong hang đá, diện tích phòng 25m2 nhưng đầy đủ tiện ích như khu vực ngủ với giường lớn, bàn ghế, tủ đứng hay buồng tắm và nhà vệ sinh riêng biệt.
Nghe có vẻ như đây là một khách sạn/homestay gần gũi với thiên nhiên, sẽ tạo được sự thích thú với nhiều du khách, tuy nhiên những hình ảnh về khách sạn “kỳ lạ” này đang tạo hiệu ứng ngược lại.
Đa phần các ý kiến đều cho rằng dù ý tưởng xây dựng rất hay, nhưng người chủ khu lưu trú này đã làm “không tới” khi không đầu tư cho đồ nội thất, dẫn tới sự lệch lạc của cả tổng thể. Thêm vào đó là việc xây dựng một khách sạn ngay trong hang đá như thế này ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảnh quan môi trường tự nhiên.
N.Do: “Vừa phá hoại thiên nhiên mà cũng không đẹp nữa.”
Q.Anh: “Ý tưởng hay nhưng mà làm không tới, nhìn chán. Còn ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên nữa.”
N.M.Nguyễn: “Nhìn khó chịu thực sự. Vừa không ăn nhập với nhau vừa phá hoại cảnh quan tự nhiên.”
K.Ma: “Vật liệu thì khập khiễng không ăn nhập gì với cảnh quan xung quanh.”
P.Nhi: “Với mình đây là một kiểu phá hoại cảnh quan. Quá tệ cho ý tưởng lẫn concept.”
Bên cạnh vị trí và thiết kế, mức giá mà du khách phải bỏ ra để có trải nghiệm tại khách sạn trong hang cũng được đánh giá là “trên trời”.
Cụ thể, cũng trên nền tảng đặt phòng trực tuyến, giá của phòng nghỉ này lên đến… gần 100 triệu đồng cho 1 đêm. Sau khuyến mãi, mức giá vẫn là hơn 60 triệu đồng. Việc này lại dấy lên một làn sóng tranh cãi, phản đối dữ dội.
Theo thông tin trên VTV24, sau khi được báo cáo về trường hợp của khách sạn trong hang, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết đã nắm thông tin và phối hợp với đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra cơ sở này vào sáng 21/7. Các cơ quan chức năng tại Ninh Bình sẽ tiếp tục kiểm tra, làm rõ vụ việc này.
Xu hướng khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng gần với thiên nhiên
Những năm gần đây, xu hướng du lịch tại các khách sạn, resort mang phong cách gần gũi với thiên nhiên được nhiều người ưa chuộng. Đó còn gọi là phong cách du lịch sinh thái.
Một báo cáo năm 2012 của Tổ chức Du lịch The Travel Foundation cũng chỉ ra rằng 66% khách du lịch được khảo sát muốn tận hưởng một kỳ nghỉ "xanh".
Một báo cáo khác năm 2015 của Trung tâm Du lịch có Trách nhiệm (Center for Responsible Travel - CREST) chỉ ra rằng, khoảng 21% khách du lịch toàn cầu cho biết họ sẽ sẵn sàng "rút hầu bao" nhiều hơn cho một kỳ nghỉ với một công ty có trách nhiệm với xã hội và môi trường tốt hơn.
Chính vì vậy, ngày càng nhiều những công trình mang phong cách sinh thái, gần với thiên nhiên được ra đời và phát triển để phục vụ nhu cầu của du khách.
Theo Green Global Travel (nhà du lịch xanh đúng nghĩa) thì một khu nghỉ dưỡng sinh thái – "ecolodge" thường có xu hướng nằm ở vùng biệt lập, trong môi trường tự nhiên tương đối nguyên sơ như bãi biển, rừng rậm và núi.
Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm nét sống xanh, sạch, hòa hợp với thiên nhiên. Từ đó có tinh thần trách nhiệm cao với môi trường, cảm thấy thoải mái, thư giãn hơn với bầu không khí trong lành sau những ngày làm việc mệt mỏi.
Thiết kế hài hòa, đồng nhất với cảnh quan thiên nhiên sẵn có
Việc nằm ở vị trí biệt lập, trong môi trường tự nhiên nguyên sơ vẫn là chưa đủ để xây dựng nên một khu khách sạn, nghỉ dưỡng sinh thái chuẩn. Một trong những yếu tố quan trọng đó là kết cấu hòa hợp với thiên nhiên và không làm thay đổi quá nhiều cấu trúc sẵn có.
Đó cũng chính là sai lầm lớn nhất mà khách sạn trong hang ở Ninh Bình không thể làm được, dẫn tới việc trở thành "thảm họa".
Với không gian tận dụng từ thiên nhiên, những vật dụng nội thất cũng phải đảm bảo được những yếu tố về màu sắc, chất liệu, cấu trúc... sao cho phù hợp, đem lại tính thẩm mỹ cao nhất mà vẫn phải thân thiện với môi trường.
Theo các chuyên trang và các công ty về thiết kế nội thất, hãy ưu tiên các vật liệu sinh thái như gỗ tự nhiên, tre, nứa và loại bỏ tối đa các đồng dùng từ vật liệu nhân tạo như nhựa polyme, vải nhân tạo hay sơn độc hại.
Tiếp đến là gió và ánh sáng. Nên thiết kế những cửa sổ lớn đến đón nhiều ánh nắng và gió tự nhiên nhất có thể, sử dụng thêm các vách ngăn trượt, điểm màu nhẹ để tạo nên điểm nhấn. Tuy nhiên, những điểm nhấn này chỉ nên đơn giản, bởi phong cách sinh thái cũng không cần những thiết kế cồng kềnh, quá nổi bật, tạo ra sự xáo trộn thị giác không cần thiết.
Cuối cùng là sử dụng những công nghệ giảm thiểu tác động đến môi trường. Đó là các kỹ thuật hiện đại giúp tiết kiệm tài nguyên, hệ thống tiết kiệm năng lượng và nước, giảm thiểu thất thoát nhiệt hay hệ thống tái chế rác thải.
Xây dựng không gian để nghỉ dưỡng gần gũi với thiên nhiên là điều tốt, nhưng điều quan trọng nhất cần ghi nhớ, vẫn là việc bảo tồn trạng thái tự nhiên một cách nguyên bản nhất có thể.