Khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV

Sáng ngày 20/10/2021, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội..,
Hình ảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV - Ảnh: TTXVN
Hình ảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV - Ảnh: TTXVN

Diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên cả nước về cơ bản đã được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, kỳ họp cuối năm của Quốc hội sẽ được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt.

Cụ thể, đợt 1 diễn ra trong 11 ngày (từ 20-30/10), Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đợt này, Quốc hội làm việc 2 ngày thứ bảy và 1 ngày chủ nhật. Đại biểu Quốc hội ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó. Đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan Trung ương tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Đợt 2 diễn ra trong 6 ngày từ 8-13/11, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Trong đợt này, Quốc hội làm việc 1 ngày thứ bảy.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn, có phương án dự phòng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch.

XEM XÉT, THÔNG QUA NHIỀU NỘI DUNG QUAN TRỌNG

Theo chương trình dự kiến, kỳ họp thứ 2 sẽ tiến hành xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp), xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật; xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Cụ thể, các dự án Luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế; Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Các dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồmLuật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Quốc hội xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, công tác phòng chống dịch Covid-19; Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024.

Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021.

Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Bên cạnh đó, nội dung về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cũng sẽ được xem xét.

Ngoài ra, Quốc hội dự kiến xem xét, quyết định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021- 2025); dự kiến xem xét, quyết định về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; xem xét các Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

THỜI GIAN NGẮN NHƯNG VẪN ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết với nhiều đổi mới mạnh mẽ, nên kỳ họp thứ 2 tuy không dài nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Theo ông, mặc dù các địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì nhiều hội nghị để đóng góp ý kiến, trình ra Quốc hội với chất lượng tốt hơn, đạt sự đồng thuận cao, do vậy khi trình ra Quốc hội thì có ít ý kiến khác nhau, chủ yếu bàn về các vấn đề lớn, kỹ thuật văn bản đã được chuẩn bị kỹ.

"Tháng 12 tới tiếp tục tổ chức họp chuyên đề để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, xem xét kỹ lưỡng, chuẩn bị từ sớm, từ xa, qua đó nâng cao chất lượng tốt hơn, có tổ tư vấn để thực hiện công tác lập pháp, giám sát tối cao các vấn đề quan trọng của đất nước", ông Bùi Văn Cường cho biết. 

Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong khoảng 2,5 ngày. Vấn đề được chọn để chất vấn là những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

Về nội dung thực hiện chính sách cải cách tiền lương, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết việc này sẽ được lùi đến một thời điểm thích hợp. Ông cho biết việc tăng lộ trình cho việc này là cần thiết bởi cần nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng trường, an sinh xã hội cho người dân hơn trong bối cảnh đại dịch. 

Trước khi diễn ra phiên khai mạc kỳ họp, vào lúc 7h15, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội dự họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị.