Khai thác cát sỏi gây gia tăng sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long

Tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn biến hết sức phức tạp, có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Tại nhiều khu vực, xói lở đã uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

Xói lở bờ biển diễn biến phức tạp

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT), Bộ NN&PTNT cho biết tại Hội thảo báo cáo tiến độ đợt 1 hoạt động xây dựng Ngân hàng cát và Kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông ở ĐBSCL diễn ra sáng 14/7.

Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tiến, chúng ta đang bước vào mùa mưa lũ 2022, đã có những diễn biến bất thường về thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng với các tác động tiêu cực của phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia thượng nguồn sông Mekong…

Tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển ở ĐBSCL diễn biến hết sức phức tạp, có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô.

Qua các báo cáo của các địa phương, tại nhiều khu vực, xói lở đã uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, các công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng ven sông, ven biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

“Ngay trong những ngày vừa qua, tại khu vực đê biển Tây tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã xảy ra vụ nước biển tràn qua đê từ 15- 20cm, làm sạt đê biển Tây nghiêm trọng với chiều dài 110m, tràn cục bộ gây ngập hơn 300 nhà. Chúng tôi đã trực tiếp đến chỉ đạo triển khai công tác ứng phó hôm 12/7 vừa qua” – ông Tiến cho hay.

Khai thác cát sỏi gây gia tăng sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long

Khai thác cát trên sông Hậu

Khai thác tài nguyên không bền vững thúc đẩy sụt lún

Theo đại diện Tổng cục PCTT, tại ĐBSCL, các nghiên cứu và báo cáo từ địa phương gần đây cho thấy, vấn đề khai thác cát sỏi không bền vững là một trong những nguyên nhân chính gây ra xói lở bờ sông, bờ biển, thúc đẩy quá trình sụt lún công trình hạ tầng diễn ra nhanh chóng.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23 về quản lý cát sỏi lòng sông và bảo vệ lòng sông, bờ biển, đáy sông, trong đó có quy định về các hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh, tập kết, vận chuyển cát sỏi lòng sông và công tác bảo vệ lòng sông, bờ sông, bãi sông. Theo đại diện Bộ TN&MT, sắp tới sẽ tích hợp nội dung của Nghị định này vào Luật Khoáng sản sửa đổi…

Trong khuôn khổ dự án, một nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cùng các đơn vị quốc tế cho thấy, khai thác cát ở ĐBSCL chủ yếu bằng các phương pháp bơm hút, xáng cạp… Trong đó, cát xây dựng chủ yếu được khai thác từ An Giang, Đồng Tháp; các tỉnh còn lại là cát san lấp.

Nhìn chung, các đơn vị được cấp phép khai thác cát đều tuân thủ thực hiện các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản; chỉ khai thác cầm chừng trong khu vực được cấp phép. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra phức tạp.

Khai thác cát sỏi gây gia tăng sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long

Hoạt động khai thác cát ở ĐBSCL khá nhộn nhịp

Khai thác cát tác động đến dòng chảy làm mất ổn định đến đáy sông và hai bên bờ sông; tác động đến hoạt động vận tải đường thủy, đến tài nguyên nước, tác động đến không khí và tiếng ồn, đến sức khỏe cộng đồng, tác động đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học…

Trong khi đó, một số bất cập trong quản lý được chỉ ra như: việc chấp hành các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác cát còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác cát chưa hiệu quả…

Theo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050, toàn vùng sẽ được đầu tư 830km đường bộ cao tốc; 4000km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển; 11 cụm cảng hành khách; 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa... Nhu cầu sử dụng cát của các địa phương trong giai đoạn 2021- 2025 là hàng trăm triệu m3...

Theo tienphong.vn