Khi trái phiếu có tài sản đảm bảo cũng khó đảm bảo

Nghị định 65/2022 đã có quy định để phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có tham chiếu khách quan và tin cậy hơn trước khi mua trái phiếu doanh nghiệp...
xay-dung-hoa-binh-hbc-1668571333.jpg
Đợt phát hành trái phiếu sắp tới của HBC dự kiến có tài sản bảo đảm gồm hợp đồng tiền gửi giá trị 20 tỷ đồng thuộc sở hữu của Công ty và toàn bộ các quyền và lợi ích phát sinh từ hợp đồng tiền gửi; thiết bị, vật tư thuộc hệ thống giàn giáo Ringlock mạ kẽm nhúng nóng, kích chân kích đầu.

Tuy nhiên, nhà đầu tư trước đây vẫn quan tâm và chú trọng trái phiếu có tài sản đảm bảo.

Trong kế hoạch phát hành trái phiếu của City Auto, doanh nghiệp này có tài sản đảm bảo (TSĐB) kèm chứng quyền. Đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ 95 tỷ nhằm để thực hiện chương trình mua lại tài sản của Công ty Hòa Bình (HBC) tới đây cũng dự kiến có TSĐB.

Trong khi đó, đợt phát hành duy nhất trong tháng 10 của Công ty khoáng sản thuộc Tập đoàn Masan tuy không có TSĐB, nhưng đây lại là phát hành ra công chúng, sẽ phải tuân thủ các yêu cầu, quy định nghiêm ngặt của cơ quan quản lý nên hoàn toàn có lợi thế trong huy động vốn. Chưa kể đây là Tập đoàn đã được các nhà đầu tư tham gia góp vốn cổ phần đầu tư trong chính công ty mẹ và nhiều thành viên, và cũng có kinh nghiệm trong làm hồ sơ giới thiệu với các nhà đầu tư ngoại vốn có chuẩn mực, yêu cầu cao…

Có nghĩa rằng trong phần lớn các kế hoạch phát hành của các doanh nghiệp gần nhất, các doanh nghiệp sẽ chọn các phương án giải tỏa bất an phù hợp. Song điều đó không có nghĩa các nhà đầu tư đã bớt bất an. Bởi trong giai đoạn thị trường nóng bỏng về phát hành trái phiếu doanh nghiệp khoảng 3 năm gần nhất, thì loại trái phiếu chiếm một tỷ trọng lớn trên thị trường là trái phiếu có tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu. 

Chúng ta nhớ rằng 2 năm đại dịch, VN-Index đã liên tiếp leo đỉnh và lập kỷ lục của kỷ lục đỉnh trong suốt hơn 20 năm lịch sử thị trường chứng khoán. Thị giá của hầu hết các cổ phiếu trên thị trường cũng đã được đẩy lên gấp nhiều nhiều lần. Do đó mà tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu có giá trị đảm bảo được định giá khá hấp dẫn và khiến nhà đầu tư yên tâm tại thời điểm phát hành. Nhưng hiện nay, khi VN-Index đã đánh mất những thành quả lớn, hàng loạt cổ phiếu tuột dốc xuống đáy, nằm sàn triền miên, có cổ phiếu đánh mất lực cầu trắng bên mua. Các cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp theo đó cũng có nguy cơ gần như đánh mất vai trò đủ tầm đảm bảo. Vì vậy, việc thiếu tài sản đảm bảo "chất như nước cất" trong lúc này cũng là một trong những nút thắt để các doanh nghiệp khó có thể thu hút nhà đầu tư đặt niềm tin tiếp tục xuống tiền.

Một loại bảo đảm khác "vô hình" hơn nhưng có giá trị hữu hình trong quy định, là xếp hạng tín nhiệm, thì lại rất ít được doanh nghiệp đề cập, trong khi đây lại là một trong những cơ sở để nhà đầu tư có thể đối chiếu, thay cho nhìn vào tài sản, khi muốn tìm hiểu về doanh nghiệp phát hành.

“Việc phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam rõ ràng vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm. Chưa nói đến uy tín thì doanh nghiệp vẫn sẽ băn khoăn về khả năng đạt mức xếp hạng, chi phí dịch vụ, và đáng nói hơn là phía nhà đầu tư liệu sẽ tin cậy, tham chiếu các mức xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp”, chuyên gia Nguyễn Lê Ngọc Hoàn nhận xét.

Để phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm thực sự, như một cơ sở để “niềm tin” trên thị trường có điểm tựa, TS. Lê Đạt Chí, Khoa Kinh tế Đại học UEH từng nhấn mạnh nên chăng cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thậm chí là Luật về xếp hạng tín nhiệm. Đây có lẽ cũng là vấn đề rất đáng được cơ quan quản lý quan tâm trong kế hoạch rà soát và tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý thị trường như thông cáo Bộ Tài chính vừa đặt ra mới đây.