Khổ sở đi kiện sau khi mua phần mềm trên 800 triệu đồng của Công ty CMC

Bỏ số tiền lớn mua phần mềm của Công ty TNHH giải pháp phần mềm CMC, những mong tạo đột phá, thế nhưng những gì doanh nghiệp SME này nhận lại chỉ là chuỗi ngày mòn mỏi đợi toà xét xử vụ kiện dân sự. Lý do, phần mềm đã được Công ty CMC giao nhưng không dùng được.

"Bỏ tiền mua phần mềm, không ai nghĩ rơi vào cảnh khổ sở như vậy!"

Báo Lao Động nhận được đơn tố cáo của Công ty cổ phần tập đoàn Hải Âu (địa chỉ: 72 Miếu Đầm, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) phản ánh việc: Công ty TNHH giải pháp phần mềm CMC (địa chỉ: tầng 14 toà nhà CMC, Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) cung cấp sản phẩm kém chất lượng và thiếu trách nhiệm với khách hàng.

Theo nội dung đơn, vào ngày 30.8.2018, Công ty cổ phần tập đoàn Hải Âu (sau đây gọi tắt là Công ty Hải Âu) và Công ty TNHH Giải pháp Phần mềm CMC (sau đây gọi tắt là Công ty CMC) ký bản Hợp đồng cung cấp bản quyền phần mềm và dịch vụ triển khai phần mềm hệ thống thông tin quản lý doanh nghiệp Sap Business one. Tổng giá trị hợp đồng là 802.912.500 đồng.

Theo chia sẻ của đại diện Công ty Hải Âu, sau khi đặt bút ký vào bản hợp đồng trên, đơn vị này đã trải qua nhiều năm khổ sở đi xử lý hậu quả do phía Công ty CMC, không những chậm tiến độ hợp đồng mà còn cung cấp một sản phẩm phần mềm không thể sử dụng được, công đoạn hỗ trợ thì luôn chậm trễ.

Cụ thể, theo hợp đồng, ngày khởi động dự án được tính là ngày chuyển tiền thực thi hợp đồng (11.10.2018), thời gian kéo dài của dự án là không quá 4 tháng. Thế nhưng, tới tận 16.10.2019, phía Công ty CMC mới bàn giao tài liệu cho Công ty Hải Âu. Như vậy, Công ty CMC đã chậm tiến độ 8 tháng so với hợp đồng ký kết.

phan-mem-tri-gia-800-trieu-dong-cua-cong-ty-cmc-lien-tuc-bao-loi-hoac-khong-the-truy-cap-duoc-1659934190.jpg Phần mềm trị giá 800 triệu đồng của Công ty CMC liên tục báo lỗi hoặc không thể truy cập được. Ảnh: Hữu Chánh.

Không những vậy, sau khi nhận phần mềm, quá trình nhập liệu cho thấy phần mềm không nhận dữ liệu, nhập liệu không ra báo cáo hoặc liên tục báo lỗi, xảy ra sự cố. Thậm chí, có những thời điểm thì không thể mở được phần mềm để sử dụng. Theo cam kết hợp đồng, phần mềm này phải sử dụng tối đa được 100 người dùng cùng lúc. Tuy vậy, phía Công ty CMC cũng không đảm bảo được tiêu chí này.

Nhận thấy sản phẩm kém chất lượng, phía Công ty Hải Âu đã nhiều lần liên hệ với CMC để được hỗ trợ thì tổng đài chăm sóc khách hàng thường xuyên không nghe máy, có khi 1 - 2 ngày sau mới trả lời. Thậm chí, có những lỗi đến một tuần vẫn chưa được phía đối tác tiếp nhận, phản hồi, Công ty Hải Âu chỉ còn cách gửi email để trình bày.

“Doanh nghiệp bỏ khoản tiền lớn ra để mua phần mềm, những mong tạo đột phá, không ai nghĩ lại rơi vào cảnh khổ sở như vậy. Phần mềm bị lỗi gây tổn thất rất lớn trong hoạt động của công ty chúng tôi”, đại diện Công ty Hải Âu nói.

Mòn mỏi đợi toà xét xử

Nhận thấy Công ty CMC vi phạm nghiêm trọng các điều khoản cam kết trong hợp đồng, đặc biệt là cung cấp sản phẩm phần mềm không thể sử dụng được, nhiều lần Công ty Hải Âu đã gửi công văn đề nghị đối tác này chấm dứt hợp đồng. Đồng thời, yêu cầu Công ty CMC phải hoàn trả các khoản tiền bao gồm: 649,7 triệu đồng đã thanh toán theo hợp đồng, phí chịu phạt là 8% giá trị hợp đồng theo cam kết và số tiền 209,3 triệu đồng chi phí thuê sever Viettel - quản trị doanh nghiệp để vận hành phần mềm lỗi đó.

Sau đó, ngày 27.11.2019, đại diện Công ty CMC là ông Nguyễn Kim Cương – Chức vụ Tổng Giám đốc đã có buổi làm việc cùng Công ty Hải Âu. Theo đại diện Công ty Hải Âu, tại buổi làm việc trên, ông Nguyễn Kim Cương cũng có thừa nhận 2 lỗi là không thể cung cấp được phần mềm có khả năng 100 người dùng cùng lúc như cam kết trong hợp đồng và chậm trễ hỗ trợ khách hàng khi có phản ánh lỗi phần mềm.

hien-trang-phan-mem-tri-gia-hon-800-trieu-dong-ma-cong-ty-hai-au-mua-tu-cong-ty-cmc-1659934224.jpg

Hiện trạng phần mềm trị giá hơn 800 triệu đồng mà Công ty Hải Âu mua từ Công ty CMC. Ảnh: Chụp màn hình. 

Tuy vậy, sau buổi họp, phía Công ty CMC không có động thái đền bù về việc không thực hiện được cam kết trên hợp đồng.

Đại diện Công ty Hải Âu cho biết, cực chẳng đã, ngày 17.1.2020, họ phải làm đơn khởi kiện Công ty CMC ra Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy. Ngày 10.2.2020, Toà án nhân dân quận Cầu Giấy đã thông báo thụ lý vụ án. Sau đó, toà đã mời 2 bên lên thương lượng và hoà giải nhưng không thành công.

Từ đó đến nay, sau hơn 2 năm rưỡi, phiên toà vẫn chưa được mở mà không rõ lý do, dù Công ty Hải Âu đã 3 lần gửi đơn "Đề nghị thụ lý vụ án" tới Toà án nhân dân quận Cầu Giấy. Trong thời gian đợi phản hồi từ toà, mỗi tháng, Công ty Hải Âu vẫn phải mất 2,3 triệu đồng để duy trì sever cho một phần mềm lỗi, không thể sử dụng.

"Chúng tôi mong Toà án nhân dân quận Cầu Giấy đẩy nhanh tiến độ để đưa vụ án ra xét xử. Là doanh nghiệp SME, chúng tôi thấy uất ức khi bị doanh nghiệp lớn vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại lớn nhưng không được bồi thường, khắc phục", đại diện Công ty Hải Âu nói.