Khối ngoại đua chen gom cổ phiếu rẻ, VN-Index tiếp tục xuống đáy

Kết thúc phiên giao dịch chiều 14/11, VN-Index giảm hơn 13 điểm, giảm bớt đáng kể sự tiêu cực so với đầu phiên sáng. Mốc 950 điểm bị xuyên thủng, cả trăm cổ phiếu nằm sàn trên HoSE. Dòng tiền trong nước vẫn là vấn đề chính với thị trường.

Mở cửa tuần giao dịch mới, chứng khoán trong nước lại có phiên giảm mạnh. Tâm lý thị trường bi quan quá mức. Số cổ phiếu giảm giá hoàn toàn lấn át, các ngành bất động sản, xây dựng, chứng khoán... diễn biến đặc biệt tiêu cực.  

 Nhiều cổ phiếu khác cũng có hàng triệu, chục triệu cổ phiếu nằm sàn: PDR (60,2 triệu cổ phiếu), DIG (10,7 triệu cổ phiếu), ASM (7,3 triệu cổ phiếu), DXS (3,1 triệu cổ phiếu), DXG, LDG, IDI (hơn 2 triệu cổ phiếu)...

Lực mua ròng của khối ngoại góp sức “đỡ giá” cho nhiều cổ phiếu

Lực mua ròng của khối ngoại góp sức “đỡ giá” cho nhiều cổ phiếu

Tại nhóm xây dựng, diễn biến chung rất tiêu cực. Gần như toàn bộ cổ phiếu chìm trong sắc đỏ, loạt mã lớn như VCG, HBC, CTD, FCN, HHV, C4G ... đều giảm sàn.

Cổ phiếu chứng khoán cũng chứng kiến hàng chục mã lao dốc chạm sàn. Ở nhóm dầu khí, số cổ phiếu giảm sàn lấn át hoàn toàn. PVD, PET, PVC, PXS, PXT, BSR cùng giảm sàn.

Với tình hình tiêu cực bao trùm, nỗ lực ngược dòng hiếm hoi của một số bluechip như SAB, MSN, VIC, CTG... cũng không thể đảo ngược tình thế. Tuy vậy, kết thúc phiên giao dịch, VN-Index thu hẹp đà giảm so với phiên sáng.

Lực mua ròng của khối ngoại góp sức “đỡ giá” cho nhiều cổ phiếu. Trên HoSE, khối ngoại mua ròng với giá trị lên tới 1.694 tỷ đồng, tập trung vào STB, HPG, SSI, KBC, VND, CTG... Ngoại trừ HPG thì các cổ phiếu còn lại đều giữ được sắc xanh, thậm chí tăng mạnh, góp phần dẫn dắt thị trường. VND tăng tới 5,6%.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 13,49 điểm (1,41%) xuống 941,04 điểm. HNX-Index giảm 6,36 điểm (3,35%) xuống 183,45 điểm. UPCoM-Index giảm 1,81 điểm (2,64%) xuống 66,81 điểm. Thanh khoản giảm so với phiên trước, với giá trị khớp lệnh HoSE chỉ đạt 8.710 tỷ đồng.

Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường Công ty chứng khoán VNDirect, P/E của VN-Index đã về dưới 10 lần, thấp nhất kể từ năm 2012, phản ánh tâm lý thị trường đang bi quan quá mức.

Theo ông Hinh, định giá của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp lớn đã rơi xuống mức 0,7-0,8 lần P/B. Trong khi đó, bức tranh kết quả kinh doanh quý III và dự báo quý IV của các doanh nghiệp niêm yết lại không quá tệ như những diễn biến trên thị trường chứng khoán gần đây.