'Không có vùng cấm khi xử lý sai phạm ở sân Mỹ Đình'

Phó tổng cục trưởng phụ trách Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn cho biết các bộ phận chuyên môn xuống Mỹ Đình để kiểm tra 3 ngày/lần.

Chiều 1/10 tại Hà Nội, Tổng cục Thể dục Thể thao tổ chức cuộc họp về kết quả công tác tháng 9 và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm, trong đó bê bối sân Mỹ Đình nhận được nhiều quan tâm.

3 ngày một lần xuống kiểm tra

Phó tổng cục trưởng phụ trách Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn chia sẻ: "Tổng cục đã chỉ đạo Khu liên hợp, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam làm việc quyết liệt, lấy lại hình ảnh của sân Mỹ Đình sau những lùm xùm vừa qua. Cứ 3 ngày một lần, bộ phận chuyên môn xuống Mỹ Đình làm việc, báo cáo tiến độ công việc, để chuẩn bị cho các trận sân nhà vào tháng 11. Mặt sân và các phòng chức năng phải làm quyết liệt nhất. Việc sửa chữa sân và Khu kiên hợp Thể thao dưới nước đồng thời để tổ chức SEA Games 31".

Hồi cuối tháng 9, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hoài Anh cho biết Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) phản hồi về công tác tổ chức trận Việt Nam gặp Australia, trong đó nổi bật là mặt sân, các phòng chức năng, hệ thống âm thanh và ánh sáng.

Ban quản lý sân đã cho đào xới lại mặt cỏ, tái tạo rễ cỏ mới. Hiện tại, mặt sân Mỹ Đình xong bước đầu công tác sửa chữa mặt cỏ để tổ chức loạt trận vào tháng 11. Dù vậy, sân Mỹ Đình vẫn còn nhiều hạng mục xuống cấp. Hệ thống trụ đèn chiếu sáng, mái khán đài A, B nhiều nơi bị gỉ sét.

Sân Mỹ Đình nhận đánh giá tệ từ AFC. Ảnh: Việt Linh.

"Trong mọi hoàn cảnh phải đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng để phục vụ SEA Games. Trong bối cảnh giãn thời gian tới sang năm, chúng tôi đặt yêu cầu chất lượng lên hàng đầu. Đối với hai trận đấu tới đây của đội tuyển Việt Nam trên sân Mỹ Đình vào đầu tháng 11, mặt sân, hệ thống phòng chức năng và phụ trợ phải đảm bảo hoàn thành và đáp ứng đủ yêu cầu từ AFC và Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA). Nhà thầu đã cam kết toàn bộ yêu cầu từ AFC và FIFA phải được xử lý hết. Phần này cũng nằm trong gói thầu sửa chữa phục vụ SEA Games", ông Phấn cho biết thêm.

Liên quan đến Khu liên hợp Thể thao Mỹ Đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo Tổng cục Thể dục Thể thao thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Tổng cục đã xây dựng kế hoạch, đang tiến hành kết luận thanh tra, và sẽ kết thúc vào tháng 12.

"Quan điểm của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là sai đến đâu khắc phục và xử lý đến đó, không có vùng cấm. Có rất nhiều nội dung liên quan không chỉ việc thu hồi tiền vi phạm. Quá trình xử lý sẽ kéo dài đến tháng 12 theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tổng cục cũng hứa phải thực hiện bài bản và quyết liệt với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch", ông Phấn chia sẻ.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Khu liên hợp phải thu hồi số tiền hơn 3,4 tỷ đồng từ các cá nhân, tập thể, trong đó liên quan đến việc cho thuê lại mặt bằng khu vực sân Mỹ Đình kinh doanh một số dịch vụ. Tuy nhiên, đến giữa tháng 9. Khu liên hợp mới chỉ thu được 460 triệu đồng của các cá nhân, còn các tập thể không thu được.

Trọng tâm đầu tư Olympic

Cần đầu tư các môn Olympic. Ảnh: Reuters.

Tổng cục xây dựng kế hoạch chuẩn bị tham dự Asian Games 2022 tại Trung Quốc, định hướng Olympic 2024 tại Pháp, tiếp tục triển khai đề án “tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”.

Ông Trần Đức Phấn cho biết: "Đấu trường Olympic được ưu tiên xếp số một, tiếp theo là Asian Games rồi SEA Games. Điều này khác hoàn toàn với chiến lược cũ. Trước kia, chúng ta lựa chọn vận động viên từ SEA Games để đầu tư thi Asian Games và Olympic. Bây giờ, chúng ta phải đầu tư vận động viên cho Olympic đầu tiên, với mục tiêu cạnh tranh huy chương Olympic trong 1-2 chu kỳ".

"Chúng ta không thể đào tạo vận động viên Olympic trong thời gian ngắn, mà cần mất 2-3 chu kỳ, trừ một số trường hợp đặc biệt. Olympic Paris đã cận kề rồi, nên quả thực rất khó đòi hỏi thành tích cao ngay tại kỳ tới. Chúng tôi định hướng bắt đầu tấn công vào đấu trường Olympic đó, trên cơ sở đó đầu tư cho các vận động viên ở một số môn để hướng tới Olympic 2028".

Về công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31, ông Phấn cho biết gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhiều công việc bị chậm tiến độ so với kế hoạch đã đều ra. Các địa phương liên quan trong thời gian qua đều phải tập trung chống dịch. Mặt khác, kinh phí tổ chức SEA Games chưa được phân bổ nên không có nguồn lực để triển khai các công tác chuẩn bị Đại hội, chủ yếu tập trung cho công tác cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao.

Liên quan đến công tác chuẩn bị lực lượng cho SEA Games 31, ông Phấn cho biết Tổng cục Thể dục Thể thao đã cử các bộ phận chuyên môn liên quan đến từng nội dung thi đấu lên kế hoạch chuẩn bị chi tiết. "Thời gian này, chúng tôi kết hợp việc chuẩn bị cho SEA Games 31 cũng là chuẩn bị cho Asian Games, sau đó sẽ dịch chuyển hoàn toàn sang chiến lược tập trung vào mục tiêu lớn nhất là Olympic", ông nói.

SEA Games 31 dự kiến diễn ra vào tháng 5/2022.